|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Logistics trong nông nghiệp: Sơ khai, lẻ tẻ và tự phát

14:44 | 24/12/2017
Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam tính đến hết tháng 11/2017 là 33,14 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.
logistics trong nong nghiep so khai le te va tu phat Sacomreal lấn sân khu công nghiệp logistics, cảng biển giai đoạn 2018-2020
logistics trong nong nghiep so khai le te va tu phat Logistics, 'tử huyệt' của nông sản Việt Nam

Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều hạn chế trong xuất khẩu rau củ, hoa quả, lĩnh vực sôi động và chiếm phần lớn giá trị trong kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản quốc tế, trong đó vướng mắc quan trọng là sự yếu kém về logistics.

Hơn 50% giá trị sản phẩm dành cho chi phí vận chuyển

Hiện nay đa phần công nghệ sơ chế nông sản ở Việt Nam còn hết sức thô sơ. Vì vậy nếu muốn bảm đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng nhiều nông sản buộc phải vận chuyển tức thời bằng máy bay, dẫn tới chi phí giá thành tăng mạnh.

Sau khi xuất khẩu thành công nhãn, chôm chôm… sang thị trường Anh, Mỹ và nhận được phản hồi khá tích cực từ các đối tác, ông Phùng Văn Hiền - Giám đốc Công ty Trái cây nhiệt đới, Bến Tre - dự định sẽ đưa các mặt hàng trái cây tươi cao cấp đạt chuẩn GlobalGAP ra Hà Nội. Thế nhưng khi bắt tay vào xây dựng kế hoạch đưa hàng ra Bắc, ông Hiền bối rối vì cước phí vận chuyển bằng máy bay quá cao.

“Vì là trái cây cao cấp nên mỗi lần vận chuyển không nhiều, trong khi đó phía công ty dịch vụ hậu cần (logistics) báo giá cước phí lên đến gần 20.000 đồng/kg trái cây, khiến giá thành đội lên quá cao” - ông Hiền phân tích và cho biết, sau khi cộng tất cả các chi phí, kế hoạch bán trái cây ra Bắc của ông phải tạm ngừng.

logistics trong nong nghiep so khai le te va tu phat
Vải được ngâm nước đá lạnh, sau đó bọc nylon rồi lại ủ đá và đóng vào thùng xốp kín. Phương pháp truyền thống này sẽ giữ cho quả tươi lâu và không bị mất nước. Ảnh Lê Hiếu

Tương tự, Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội) đã từng chịu “quả đắng” khi xuất khẩu quả vải sang Australia. “Vải là loại quả rất khó bảo quản vì vỏ dễ thâm, quả dễ hỏng. Năm ngoái, chúng tôi đã bị thiệt hại 2 container vải xuất khẩu sang Australia do nhiệt độ không đảm bảo, quả ăn vẫn ngon nhưng vỏ thâm nên phải hạ giá” - ông Vũ Đào - Giám đốc công ty ngậm ngùi nhớ lại thương vụ năm trước. Chính vì thế vụ mùa năm nay, công ty đã lựa chọn phương thức vận chuyển bằng máy bay mặc dù chi phí là 2,5 USD/kg - cao gấp 55 lần so với vận tải bằng đường biển (chi phí cho 1 container chứa khoảng 22 tấn vải là 1.000 USD) nhưng thời gian di chuyển mất 22 ngày. “Chỉ riêng cước máy bay đã chiếm tới hơn 50% giá thành trái cây Việt Nam sang Australia”.

Thực tế trên không chỉ riêng công ty Phong Sơn Tiệm hay Trái cây nhiệt đới gặp phải, mà đó là thực trạng chung đối với rất nhiều công ty chuyên xuất khẩu nông sản hiện nay. Nguyên nhân được PGS-TS An Thị Thanh Nhàn – Trưởng bộ môn Logistics kinh doanh, Đại học Thương mại Hà Nội, chỉ ra rằng, các sản phẩm nông nghiệp nói chung có đặc điểm mau hỏng - thường từ 3-5 ngày, chính vì thế công nghệ sau thu hoạch và toàn bộ quá trình đưa đến thị trường thường gắn liền với chuỗi lạnh. Trong khi đó điều kiện bảo quản lạnh, vận chuyển lạnh hay làm mát chúng ta đều thiếu. Hoặc có chăng cũng chỉ lẻ tẻ ở một số các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn các doanh nghiệp hoa quả phải tự tạo điều kiện bảo quản riêng mà không có một hệ thống chung” - PGS Nhàn phân tích.

Chuỗi cung ứng nông nghiệp còn rời rạc

Thống kê đưa ra tại Mekong Connect - CEO Forum 2016 cho thấy hơn 90% nông dân coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường. Họ cũng là người thu mua nông sản duy nhất cho nông dân với các phương tiện vận tải đường thủy và hệ thống kho rải khắp ven sông. Trong khi đó, doanh nghiệp không tương tác trực tiếp với nông dân nên hầu như cũng không nắm rõ được tình hình nguồn cung. Như vậy, trong chuỗi giá trị, thương lái đóng vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ logistics. Mặt khác, có quá ít doanh nghiệp sơ chế thô, làm đông (mát) tạm thời từ nơi sản xuất trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.

“Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến 30-40% sản lượng nông sản bị hư hỏng, hao hụt sau thu hoạch do không được phân loại và sơ chế phù hợp, việc vận chuyển tiến hành bằng các phương tiện thô sơ đến các kho bãi tập trung hoặc chợ đầu mối rồi chuyển đến chợ bán lẻ - người tiêu dùng” - TS Phạm Văn Kiệm - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương - nói.

Một thực tế cũng được các chuyên gia chỉ ra rằng, các khoản đầu tư hiện nay hầu như mới chỉ ưu tiên cho nông sản xuất khẩu, trong khi chuỗi nông sản tiêu thụ trong nước còn rời rạc, thậm chí bị gián đoạn ở nhiều khâu, kể cả khâu cuối cùng. Chẳng hạn như nhiều thực phẩm hàng tươi sống bị “phơi” ngoài trời mà không được lưu kho lạnh, mát ngay.

Thực tế này cũng được nêu ra trong báo cáo Logistics 2017: Mặc dù trong vòng 10 năm qua, quy mô kho lưu trữ lạnh tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần nhưng lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam nhằm phục vụ hàng thủy hải sản xuất khẩu, bởi để đầu tư cho một kho lạnh bảo quản trái cây và các nông sản khác theo bà Lê Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đòi hỏi chi phí lớn và yêu cầu kỹ thuật với khoảng 30 tỷ đồng.

logistics trong nong nghiep so khai le te va tu phat
Hàng từ chợ Bình Điền được các tiểu thương mua về và phân phối đến các chợ, nhà hàng và quán nhậu. Ảnh: Liễu Lam

Mặt khác “đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng lạnh là doanh nghiệp trong nước (48%) với quy mô nhỏ lẻ. Vì vậy mà hoạt động của chuỗi thường bị phân khúc trên từng giai đoạn không thể vận hành một cách xuyên suốt. Do quy mô nhỏ lẻ nên các chuỗi cũng thiếu những hoạt động đem lại giá trị cao như chế biến nông sản, đóng gói, dán tem nhãn trung chuyển hàng hóa sắp xếp hàng hóa lên kệ tại cửa hàng…” - PGS An Thị Thanh Nhàn phân tích.

Chính vì chuỗi cung ứng nhỏ lẻ và rời rạc như vậy nên hiện nay, phần lớn các sản phẩm nông sản tiêu dùng không thể biết nguồn gốc từ đâu: Đơn vị nào cung cấp? Sản phẩm được sản xuất ra sao? Nên giá trị sản phẩm rất thấp, trừ một số doanh nghiệp tự làm và quản lý chuỗi cung ứng của mình tuy nhiên thị phần này chỉ chiếm 30-35% thị trường tiêu thụ nông sản.

Cần một nhạc trưởng

Để giải quyết bài toán về chuối cung ứng nông nghiệp hiện nay theo PGS-TS An Thị Thanh Nhàn cần phải tập trung vào chiến lược sản xuất, chiến lược thu mua và chiến lược phân phối, giảm thời gian ra thị trường cho nông sản.

“Hiện nay ở một số địa phương đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư công nghệ, hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân góp ruộng đất, doanh nghiệp đầu tư giống, kỹ thuật từ đầu vào đến thu hoạch đầu ra, tạo thành một chuỗi sản xuất được quản lý chặt chẽ. Chỉ khi hình thành được những mô hình như vậy thì mới có được sản phẩm đồng nhất, khi đó sẽ giảm thời gian cho khâu phân loại, sơ chế sau thu hoạch” – TS Kiệm nói.

Bên cạnh đó, PGS Thanh Nhàn cho rằng, cần xây dựng một mạng lưới thu mua nông sản trên toàn vùng với các trung tâm thu mua và sơ chế tại từng tỉnh. Nông sản sau khi được thu mua và sơ chế tại các trung tâm cấp tỉnh sẽ được tập trung về một trung tâm logistics lớn, nơi mà sản phẩm sẽ được phân luồng để chế biến, đóng gói và bao bì.

Đối với mạng lưới thu mua này, việc đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh, kho hàng, trung tâm sơ chế và hệ thống vận tải đa phương thức bao gồm đường bộ và đường thủy nội địa là rất cần thiết. Thương lái cũng nên được tổ chức và đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ logistics cho nông sản chứ không còn giữ vai trò bán buôn như hiện nay.

“Hiểu một cách đơn giản, để xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp thành công chúng ta cần phải có doanh nghiệp điều hành chuỗi cung ứng, giúp điều tiết, liên kết và phối hợp nhịp nhàng để các công đoạn được liên hoàn, không bị gián đoạn, đảm bảo sản phẩm từ lúc thu hoạch đến tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất, giá rẻ nhất. Khi đó doanh nghiệp này giống như sợi chỉ đỏ, liên kết và kiểm soát toàn bộ chuỗi” - TS Kiệm nói.

Đoàn Vũ

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.