Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) lên kế hoạch lãi sau thuế giảm 79% sau năm lãi kỷ lục
Theo thông tin từ buổi gặp mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu hơn 91.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng.
Các tổ chức lớn trên thế giới đều có dự báo khá lạc quan về triển vọng của giá dầu năm 2022. Nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh sau khi các nên kinh tế mở cửa trở lại là động lực chính khiến giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là nguồn cung dầu khí trong những năm qua đã không tăng mạnh do chiến lược giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo cũng như thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ kể từ tháng 4/2020.
Đặc biệt, cuộc đối đầu căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang châm ngòi cho một cuộc chiến về giá cả hàng hoá trong đó có giá dầu. Khá nhiều chuyên gia đồng loạt dự báo giá dầu thô, khí đốt sẽ tăng cao nếu xung đột vũ trang xảy ra.
Năm 2021, BSR đạt 101.079 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6.673 tỷ - con số cao nhất kể từ sau cổ phần hóa. Như vậy, năm 2022, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của BSR giảm lần lượt 10% và 79% so với năm 2021.
BSR cho biết năm 2020 giá dầu thô (giá Dated Brent) giảm mạnh từ mức 63,5 USD/thùng bình quân tháng 1/2020 xuống còn 18,5 USD/thùng bình quân tháng 4/2020, sau đó tuy có tăng dần lên nhưng cũng chỉ đạt mức 49,89 USD/thùng bình quân tháng 12/2020.
Trong khi đó, năm 2021 giá dầu thô liên tục tăng mạnh. Giá Dated Brent liên tục tăng từ 49,89 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 83,66 USD/thùng bình quân tháng 10/2021, sau đó có giảm về 74,1 USD/thùng bình quân tháng 12/2021. Tuy nhiên những ngày đầu năm 2022 lại tiếp tục tăng cao đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty trong quý IV/2021 nói riêng và cả năm 2021 nói chung.
Bên cạnh đó, năm 2020, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm chính (xăng, dầu) khá thấp, có tháng giá dầu thô cao hơn giá sản phẩm đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020.
Trong khi đó, năm 2021, nhất là những tháng cuối năm, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Chia sẻ thêm về tình hình hoạt động của nhà máy, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết nhà máy đã tăng công suất lên 103% vào ngày 26/1 và ngày làm việc đầu tiên sau Tết đã tăng công suất lên 105% nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường tăng cao trong dịp Tết.
Từ đầu năm đến nay, nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất đưa ra thị trường hơn 680.000 tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đạt 115% kế hoạch.
Ngoài ra, lãnh đạo đề xuất một số kiến nghị. Cụ thể, với cấp thẩm quyền xem xét ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư, nguồn vốn, quỹ đất cho các dự án hạ tầng; hạ nguồn về hóa dầu, hóa chất, công nghiệp phụ trợ, chế biến/chế tạo từ các nguồn vốn của doanh nghiệp và tư nhân nhằm hình thành chuỗi liên kết bền vững tại Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ ưu tiên các nguồn vốn nguyên liệu dầu khí trong nước cho nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm bảo đảm vận hành liên tục, ổn định, nhất là trong giai đoạn thị trường có sự biến động lớn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cuối cùng, doanh nghiệp mong Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 95 để có cơ chế điều hành chính sách giá bán xăng dầu phù hợp cơ chế thị trường, tạo sự bình đẳng giữa nguồn hàng trong nước so nhập khẩu. Đồng thời, sửa đổi Quy chế tài chính và có hướng dẫn cho phép BSR áp dụng các công cụ phái sinh tài chính trong sản xuất kinh doanh để giảm thiểu rủi ro do biến động giá dầu,...