Khoản tiền mặt của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) vượt 20.500 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR), doanh thu thuần của công ty đạt 34.492 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần 2.675 tỷ, gấp 2,16 lần quý IV/2020, tương ứng với lãi ròng 2.684 tỷ đồng.
Cả năm 2021, BSR đạt 101.079 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng lần lượt 74% và lãi sau thuế 6.673 tỷ đồng trong khi năm 2020 lỗ kỷ lục 2.858 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm 2021 là 6.704 tỷ, EPS là 2.162 đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ sau cổ phần hóa.
Doanh nghiệp cũng cho biết giá trị lợi nhuận sau thuế/tấn sản phẩm xuất bán (quy về cùng mặt bằng ưu đãi thuế nhập khẩu của năm 2017) cao nhất từ khi đưa nhà máy vào hoạt động.
Năm 2021, BSR lên kế hoạch tổng doanh thu 70.898 tỷ đồng, 870 tỷ đồng lãi sau thuế với giả định giá dầu bình quân chỉ 45 USD/thùng. Theo đó, công ty đã vượt 43% chỉ tiêu doanh thu và gấp gần 7,7 lần mục tiêu lợi nhuận đề ra.
BSR cho biết năm 2020 giá dầu thô (giá Dated Brent) giảm mạnh từ mức 63,5 USD/thùng bình quân tháng 1/2020 xuống còn 18,5 USD/thùng bình quân tháng 4/2020, sau đó tuy có tăng dần lên nhưng cũng chỉ đạt mức 49,89 USD/thùng bình quân tháng 12/2020.
Trong khi đó, năm 2021 giá dầu thô liên tục tăng mạnh. Giá Dated Brent liên tục tăng từ 49,89 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 83,66 USD/thùng bình quân tháng 10/2021, sau đó có giảm về 74,1 USD/thùng bình quân tháng 12/2021. Tuy nhiên những ngày đầu năm 2022 lại tiếp tục tăng cao đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty trong quý IV/2021 nói riêng và cả năm 2021 nói chung.
Bên cạnh đó, năm 2020, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm chính (xăng, dầu) khá thấp, có tháng giá dầu thô cao hơn giá sản phẩm đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020.
Trong khi đó, năm 2021, nhất là những tháng cuối năm, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Hơn 20.500 tỷ tiền mặt
Về tình hình tài chính, cuối năm 2021, quy mô tổng tài sản của công ty là 66.785 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm.
Riêng khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn đã lên tới 20.535 tỷ đồng, chiếm gần 31% tài sản, tăng 33% sau một quý và tăng 47% so với đầu năm.
Hàng tồn kho tính tới hết quý IV là 10.317 tỷ đồng, giảm 41% so với cuối quý III/2021 (17.522 tỷ đồng).
Trước đó vào đầu tháng 8/2021, BSR đã có đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ khi đợt dịch lần thứ 4 khiến tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh trong khi tồn kho lên rất cao khiến doanh nghiệp đối diện với rủi ro không còn sức tồn chứa dẫn đến nguy cơ phải dừng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Sang tới tháng 9, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát công ty đã tăng công suất nhà máy lên lên 85% vào ngày 22/9 và 100% từ đầu tháng 10.
Tổng nợ đi vay cuối năm 2021 là 10.772 tỷ đồng, giảm 10% so với cuối quý III/2021, đều là từ các ngân hàng. Năm vừa qua, tổng chi phí lãi vay của công ty là gần 407 tỷ đồng. Trong năm 2021, công ty thu hơn 87.252 tỷ đồng từ đi vay và cũng trả tới 89.390 tỷ tiền nợ gốc.
Vốn chủ sở hữu hết quý IV là 37.553 tỷ với 6.551 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.