|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Loạt công ty của ‘Vũ nhôm’ đang sở hữu những dự án đình đám nào?

10:27 | 22/12/2017
Chia sẻ
Các công ty mà Vũ nhôm đứng đầu từng thực hiện nhiều thương vụ mua bán BĐS “đình đám” ở Đà Nẵng, đồng thời cũng là chủ đầu tư nhiều dự án quy mô khác trên địa bàn thành phố.
loat cong ty cua vu nhom dang so huu nhung du an dinh dam nao Vũ Nhôm là ai và đang làm gì?
loat cong ty cua vu nhom dang so huu nhung du an dinh dam nao Cận cảnh khám nhà ông Vũ 'nhôm' - Phan Văn Anh Vũ

Chiều nay (ngày 21/12), Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa tiến hành khám xét nhà riêng của ông Phan Văn Anh Vũ (tên thường gọi là “Vũ nhôm”).

Ông Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975 tại Đà Nẵng) được nhiều người biết đến là một đại gia bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng. Ông Vũ là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần (CTCP) Xây dựng 79; CTCP Xây dựng Bắc Nam – 79; Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sunrise Bay (chủ đầu tư dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước – The Sunrise Bay Đà Nẵng). Ngoài ra, ông Vũ còn từng sở hữu 80% cổ phần tại Công ty TNHH Phú Gia Compound...

loat cong ty cua vu nhom dang so huu nhung du an dinh dam nao
Ông Phan Văn Anh Vũ - tên thường gọi là "Vũ nhôm".

Theo cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia, CTCP Xây dựng 79 thành lập năm 2007, mã số doanh nghiệp là 0400434770, trụ sở chính tại số 32 Lê Hồng Phong, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Công ty đăng ký 37 ngành, nghề kinh doanh, trong đó ngành hoạt động chính là xây dựng nhà các loại (chi tiết: xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp).

Còn CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 thành lập năm 2009, mã số doanh nghiệp là 0401290218, trụ sở chính tại tầng 2 cũng của tòa nhà số 32 Lê Hồng Phong nói trên. Doanh nghiệp này đăng ký 28 ngành, nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề chính cũng là xây dựng nhà các loại, có thêm hoạt động xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và đô thị; đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) các công trình dân dụng, giao thông, công nghiệp, thủy lợi, thủy điện; đầu tư kinh doanh - sở hữu (BOB) các công trình dân dụng, giao thông, công nghiệp, thủy lợi, thủy điện.

Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất (cấp ngày 26/4/2017), khối thông tin cũ cho biết, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 có tổng vốn 700 tỷ đồng, trong đó 3 cá nhân sáng lập khác là các ông Lê Văn Sáu, Hoàng Hữu Thân và Nguyễn Quang Ngọc chỉ góp tổng cộng 50 tỷ đồng, còn riêng ông Phan Văn Anh Vũ góp đến 650 tỷ đồng, chiếm 92,86% tổng vốn. Tuy nhiên, theo thông tin thay đổi thì danh sách cổ đông sáng lập đã rút xuống chỉ còn hai người là ông Thân và ông Ngọc, tỷ lệ góp vốn không được nhắc đến nữa, dù vậy ông Vũ vẫn là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Tương tự tại Công ty TNHH Phú Gia Compound, trong lần công bố thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp vào ngày 7/4/2017, tên ông Phan Văn Anh Vũ đã rút khỏi danh sách thành viên góp vốn, thay vào đó là ông Ngô Áng Hùng, đáng chú ý là ông Hùng góp số vốn là 40 tỷ đồng (chiếm 80% tổng vốn) và bằng đúng số vốn góp trước đó của ông Vũ tại công ty này.

Vũ nhôm từng thực hiện nhiều thương vụ mua bán BĐS “đình đám” ở Đà Nẵng trong khoảng 10 năm trở lại đây như: thâu tóm hai khu đất vàng dọc đường Bạch Đằng; chuyển nhượng khu đất phía Nam đường Phạm Văn Đồng cho CTCP Đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang (năm 2008 – 2009) và thâu tóm 29 ha đất thuộc dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước (The Sunrise Bay Đà Nẵng)…

Liên quan đến thương vụ thâu tóm khu đất vàng dọc đường Bạch Đằng, Infonet thông tin, nhà đất tại số 36 Bạch Đằng có diện tích 1.719 m2, được thành phố thông tin đấu giá công khai trên báo chí nhưng chỉ có duy nhất một đơn vị là CTCP Xây dựng 79 xin được mua và đầu tư lại khách sạn Sông Hàn đạt tiêu chuẩn 4 – 5 sao. Tháng 2/2007, Đà Nẵng có công văn đồng ý bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất nêu trên cho Công ty 79. Sau đó, với lý do mở rộng diện tích xây khách sạn, CTCP Xây dựng 79 đã xin nhận quyền sử dụng tại số 38 Bạch Đằng. Tháng 10/2009, công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổng số 3.728 m2 tại đây.

Những lần đấu giá và xin nhận quyền sử dụng đất tại các lô đất nói trên, công ty 79 đều được giảm 10% tổng giá trị tiền sử dụng đất dù thời gian nộp tiền muộn hơn so với quy định (quy định nộp đủ tiền trong vòng 30 ngày từ khi ký Quyết định, nhưng công ty đều nộp muộn hàng năm trời). Tuy nhiên sau đó, công ty 79 lại không xây dựng khách sạn mà chuyển nhượng toàn bộ dự án khách sạn Sông Hàn với giá hơn 113,8 tỷ đồng. Như vậy so với số tiền hơn 66,8 tỷ đồng nộp cho ngân sách, công ty 79 được hưởng chênh lệch hơn 47 tỷ đồng sau khi “bán” lại dự án với giá 113,8 tỷ đồng…

Cũng trên đường Bạch Đằng, công ty của Vũ nhôm còn liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất tại số 16 Bạch Đằng - trước đây là trụ sở của Sở Tư pháp Đà Nẵng, rộng gần 2.000 m2, có hai mặt tiền giáp đường Trần Phú và Bạch Đằng, quận Hải Châu. Năm 2014, khu đất từng được thành phố quyết định đấu giá với giá khởi điểm hơn 83 tỷ đồng, sau đó việc đấu giá này dừng lại. Nhưng chỉ một thời gian sau, khu đất lại được giao cho CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 với giá chỉ 45 tỷ đồng. Cuối năm 2016, khu đất được khởi công làm dự án nhà cao tầng, nhưng đến đầu năm 2017 thì mọi hoạt động xây dựng tại đây dừng lại.

Tương tự, Vũ nhôm cũng thu được số tiền chênh lệch lên đến 495 tỷ đồng thông qua việc nhận chuyển nhượng khu đất phía Nam đường Phạm Văn Đồng từ ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc. Năm 2006, hai người này được thành phố giao khu đất này để thực hiện dự án với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỷ đồng, nhưng hai người không thực hiện dự án mà ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng là 580 tỷ đồng. Đến năm 2009, ông Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho CTCP Đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá là 585 tỷ đồng. Khu đất này hiện vẫn bỏ trống, chưa được đầu tư.

Ngoài ra, thông qua các công ty con của mình, ông Phan Anh Vũ còn sở hữu nhiều dự án quy mô khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đáng chú ý là các dự án này đều thuộc danh sách 9 dự án sai phạm mà Đà Nẵng công bố mới đây.

Cụ thể, Dự án Harbour Ville Riverside Đà Nẵng (dự án Vịnh Mân Quang) do CTCP Đầu tư Mega đầu tư. Đây là khu phức hợp đô thị, thương mại và dịch vụ cao tầng tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà; tổng diện tích 13,6 ha (trong đó 11,1 ha dành để xây dựng công trình, 2,5 ha dành cho cây xanh và hạ tầng giao thông); gồm 360 nền biệt thự. Dự án này từng bị khiếu nại vào năm 2014 do chủ đầu tư hứa hẹn suốt hơn ba năm nhưng vẫn chưa giao đất.

Còn Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, do Công ty TNHH Phú Gia Compound đầu tư. Dự án là khu đô thị sinh thái có tổng diện tích lên đến 22 ha, gồm nhiều tiện tích: sân golf mini, sân tennis, công viên, hồ bơi, bến cano… Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 600 tỷ đồng.

loat cong ty cua vu nhom dang so huu nhung du an dinh dam nao
Phối cảnh Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông.

Một dự án khác cũng do Công ty TNHH Phú Gia Compound làm chủ đầu tư là Phú Gia Compound, quy mô 2 ha. Dự án gồm 10 căn shophouse mặt tiền đường Ông Ích Khiêm và 126 căn townhouse biệt lập bên trong, kèm theo các tiện ích: phố thương mại, công viên kết hợp khu thể thao, vui chơi trẻ em mini...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

N.Lê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.