|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vợ và em gái Phan Văn Anh Vũ cho rằng nhà đất mua hợp pháp

14:26 | 05/05/2020
Chia sẻ
Đối với các nhà đất số 22 Cô Giang và 34 Hoàng Văn Thụ (TP Đà Nẵng), vợ và em gái Phan Văn Anh Vũ đã có kháng cáo xin hủy lệnh kê biên.

Sáng 5/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục diễn ra phiên xử phúc thẩm Phan Văn Anh Vũ,  hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng 17 bị cáo trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản tại Đà Nẵng. Phiên xử phúc thẩm tiếp diễn với phần thẩm vấn.

Tại phiên xử phúc thẩm, ngoài xét kháng cáo của 20 bị cáo, HĐXX cấp phúc thẩm cũng tiến hành xét kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án thâu tóm nhà đất tại Đà Nẵng.

Vợ và em gái Phan Văn Anh Vũ cho rằng nhà đất mua hợp pháp - Ảnh 1.

Phan Văn Anh Vũ luôn tỏ ra điềm tĩnh trong suốt phiên xử. (Ảnh: Trọng Phú)

Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vợ của Phan Văn Anh Vũ là bà Nguyễn Thị Thu Hiền có đơn kháng cáo đề nghị HĐXX xem xét và tuyên hủy lệnh kê biên đối với tài sản là nhà, đất tại số 22 Cô Giang.

Theo nội dung trình bày trong đơn kháng cáo, bà Hiền mua nhà đất số 22 Cô Giang bằng hình thức đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng trình tự thủ tục pháp luật, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, bà Phan Anh Hạnh Trinh, em gái của Phan Văn Anh Vũ gửi đơn kháng cáo tới tòa với nội dung: Việc mua bán nhà đất giữa Công ty IVC và Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng xuất phát từ yêu cầu của Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng, nên các bên mới thỏa thuận để đi đến ký kết hợp đồng kinh tế số 01-09/HĐKT ngày 22/1/2009. 

Theo bà Trinh, không phải là Phan Văn Anh Vũ đã thỏa thuận để mua nhà đất 34 Hoàng Văn Thụ theo hình thức chỉ định không qua đấu giá như cáo trạng nêu.

Theo đơn kháng cáo của bà Trinh, căn cứ vào các điều khoản đã thỏa thuận tại hợp đồng kinh tế giữa 2 công ty cùng với Quyết định số 3841/QĐ-UBND ngày 23/5/2009 của UBND TP Đà Nẵng về việc phê duyệt giá bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất với nhà số 34 Hoàng Văn Thụ, thì việc Phan Văn Anh Vũ chuyển số tiền 2,5 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng để nộp tiền đặt cọc theo ủy nhiệm chi là phù hợp với quy định.

Sau đó, UBND TP Đà Nẵng có quyết định cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại số 34 Hoàng Văn Thụ, Công ty IVC đã chuyển tiếp hơn 8,8 tỷ đồng bằng ủy nhiệm chi vào tài khoản Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng.

Như vậy, theo bà Trinh, việc Công ty IVC và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng thực hiện giao dịch mua bán nhà đất số 34 Hoàng Văn Thụ là không trái pháp luật.

Vợ và em gái Phan Văn Anh Vũ cho rằng nhà đất mua hợp pháp - Ảnh 2.

HĐXX phiên phúc thẩm. (Ảnh: Trọng Phú)

Ngoài ra, bà Trinh cũng trình bày trong đơn kháng cáo rằng Công ty IVC đã chuyển nhượng nhà, đất số 34 Hoàng Văn Thụ cho bà Trinh theo đúng quy định pháp luật và tài sản này không thuộc sự quản lý của Công ty IVC. Vì vậy, bà Trinh đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét và tuyên hủy lệnh kê biên đối với tài sản là nhà, đất số 34 Hoàng Văn Thụ.

Liên quan đến nhà, đất số 20 Bạch Đằng, cũng tại đơn kháng cáo, bà Phan Anh Hạnh Trinh cho rằng giao dịch mua bán nhà, đất nêu trên giữa Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng và Nguyễn Quang Thành (cựu Giám đốc Công ty Minh Hưng Phát) là hợp pháp.

Trong vụ án này, ngoài vợ và em gái của bị cáo Phan Văn Anh Vũ kháng cáo, Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc cũng có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, Công ty TNHH IVC, Công ty TNHH Phú Gia Compound, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước cũng có đơn kháng cáo.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước kháng cáo với nội dung Tòa án cấp sơ thẩm ra Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm theo hướng bất lợi cho phía công ty. Cụ thể, theo phía Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước, diện tích khu đất 29ha đã được UBND TP. Đà Nẵng chuyển giao cho Công ty Xây dựng 79. 

Sau đó, Công ty Xây dựng 79 chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Đa Phước theo đúng trình tự thủ tục được ghi nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trọng Phú