Loạt cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo sau vụ cháy tài khoản của 'Hổ con' phố Wall
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc giảm 160 điểm nhưng đóng cửa xanh 98 điểm, lập đỉnh mới 33.171 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite kết phiên mất lần lượt 0,1% và 0,6%.
Cổ phiếu của hai hãng truyền thông Mỹ là ViacomCBS và Discovery giảm lần lượt 1,6% và 6,7%. Trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước (26/3), giá hai cổ phiếu này cùng lao dốc 27%.
Theo CNBC, nguyên nhân dẫn tới đà giảm sốc này là quỹ đầu cơ tỷ đô Archegos bị gọi ký quỹ và bị bán giải chấp các vị thế liên quan tới cổ phiếu ViacomCBS và Discovery.
Archegos được thành lập bởi ông Bill Hwang - cựu phân tích cổ phiếu của quỹ đầu cơ Tiger Management và là học trò của "Phù thủy phố Wall" Julian Robertson, vì vậy nên ông còn được gọi với biệt danh "Hổ con" (Tiger nghĩa là hổ).
Trong thời gian gần đây, Archegos đã xây dựng vị thế khổng lồ trong các cổ phiếu truyền thông Mỹ thông qua hợp đồng hoán đổi (swap). Đây là một loại công cụ phái sinh được giao dịch phi tập trung (OTC), cho phép nhà đầu tư mua bán mà không cần phải công khai thông tin.
Tỷ lệ đòn bẩy của swap cũng cao hơn mức bình thường. Ông Hwang ký hợp đồng swap với hàng loạt ngân hàng phố Wall, dùng đòn bẩy margin cực cao (có thể lên tới 5:1 hoặc 7:1) để đặt cược vào đà tăng của cổ phiếu ViacomCBS và Discovery. Vì các giao dịch swap không được công khai nên các ngân hàng cũng không biết ông Hwang đã ký kết với những ai, tổng vay nợ margin lớn đến đâu.
Đầu tuần trước, thương vụ chào bán cổ phiếu trị giá 3 tỷ USD của ViacomCBS thông qua hai ngân hàng là Morgan Stanley và JPMorgan đổ bể, dẫn tới cổ phiếu truyền thông này bị bán tháo trên diện rộng. Những khoản đặt cược lớn và dùng đòn bẩy cao của Archegos lập tức rơi vào rắc rối.
Các vị thế của Archegos trong cổ phiếu truyền thông ViacomCBS bị gọi ký quỹ, Archegos buộc phải nạp thêm tiền vào tài khoản nhưng rồi vẫn bị bán giải chấp tổng cộng hơn 20 tỷ USD.
Ngân hàng "thiệt hại đáng kể"
Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới bị ảnh hưởng bởi vụ bán tháo này, kéo theo giá cổ phiếu của các nhà băng lao dốc trong phiên 29/3.
Nomura - trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản - cho biết một trong các chi nhánh của mình ở Mỹ bị "thua lỗ lớn" vì các giao dịch với một khách hàng Mỹ. Tuy Nomura không nói rõ tên của khách hàng nhưng nhiều khả năng đó chính là Archegos.
Ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản này cho biết đang đánh giá quy mô thiệt hại, ước tính có thể vào khoảng 2 tỷ USD. Cổ phiếu Nomura cắm đầu giảm 14% trong phiên đầu tuần 29/3.
Credit Suisse (Thụy Sỹ) cho biết bản thân mình và một số ngân hàng khác (không nêu tên cụ thể) cũng bị thiệt hại và đang bắt đầu đóng các vị thế với một tổ chức giấu tên. Giá cổ phiếu Credit Suisse lao dốc 15% sau thông báo này.
Trong một thông cáo gửi ra, Credit Suisse cho biết: "Hiện vẫn còn quá sớm để định lượng chính xác khoản lỗ từ việc đóng vị thế này. Tuy nhiên, có thể con số sẽ rất lớn và ảnh hưởng đáng kể tới kết quả kinh doanh quý I của Credit Suisse, bất chấp xu hướng tích cực được đưa ra trong báo cáo giao dịch tháng này".
Theo CNBC, các đại gia ngân hàng khác gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley và Deutsche Bank đều đã bán giải chấp vị thế của Archegos liên quan tới các cổ phiếu internet Trung Quốc như Baidu, Tencent và Vipshop. Tuần trước, các cổ phiếu Trung Quốc này cũng bị bán tháo tương tự như Discovery và ViacomCBS của Mỹ.
Deutsche Bank ngày 29/3 cho biết đã giảm đáng kể giá trị chịu rủi ro liên quan tới Archegos mà không phát sinh lỗ. Giá cổ phiếu Deutsche Bank vẫn giảm 3,3%.
"Chúng tôi đang xử lý nốt những vị thế còn lại với quy mô không đáng kể, và chúng tôi kỳ vọng sẽ không phát sinh thua lỗ từ hoạt động này", ngân hàng lớn nhất nước Đức cho hay.
Một nguồn tin của CNBC cho biết Morgan Stanley cũng tránh được thiệt hại từ các giao dịch của Archegos. Giá cổ phiếu ngân hàng này giảm 2,6% phiên 29/3.
Một người phát ngôn của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nói: "Chúng tôi đã theo dõi tình hình và thảo luận với các thành viên thị trường từ tuần trước".