Những ngân hàng lớn nào vạ lây vì sự liều lĩnh của 'Hổ con' Phố Wall?
Các quỹ đầu cơ đang có một năm khó khăn. Tháng 1, nhà đầu tư nhỏ lẻ đuổi đánh thành công những tay bán khống sừng sỏ như Melvin Capital Management. Mới tuần trước, Archegos Capital Management của "Hổ con" Phố Wall Bill Hwang bị gọi ký quỹ (margin call) lớn "chưa từng có" và phải bán tháo 20 tỷ USD cổ phiếu trong một ngày.
Câu hỏi lớn đặt ra là ai sẽ hấp thụ khoản lỗ giao dịch lên đến hàng tỷ USD?
Ông Hwang, người từng bị margin call năm 2008 sau sự sụp đổ của Lehman Brother, lại một lần nữa gây ra hỗn loạn trên Phố Wall. Với đòn bẩy cực cao, tài sản của ông nằm trong khoảng 5-10 tỷ USD nhưng tổng vị thế của ông có thể lên đến hơn 50 tỷ USD, Bloomberg cho biết.
Hôm 26/3, Morgan Stanley và Goldman Sachs đã thanh lý 20 tỷ USD vị thế cổ phiếu ViacomCBS và Discovery của ông Hwang thông qua các giao dịch lô lớn.
Đến phiên 29/3, Morgan Stanley tiếp tục bán lô cổ phiếu ViacomCBS trị giá 2,2 tỷ USD. Trong khi đó, cả Nomura lẫn Credit Suisse đều cảnh báo rằng hai ngân hàng này có thể đã phải chịu tổn thất "đáng kể" từ các giao dịch với một khách hàng Mỹ. Nomura ước tính thiệt hại vào khoảng 2 tỷ USD còn Credit Suisse không cung cấp con số cụ thể. Ông Hwang là khách hàng của bộ phận chứng khoán trong cả hai ngân hàng này.
Tài liệu gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy đến cuối năm 2020, Nomura nắm giữ vị thế đáng kể trong những cổ phiếu mà ông Hwang yêu thích như ViacomCBS, Tencent Music Entertainment, GSX Techedu Vipshop và Discovery. Tương tự, Credit Suisse cũng có thể phải đối mặt với khoản lỗ nhiều tỷ USD.
Một câu hỏi đáng đặt ra là tại sao chuyện lại xảy đến nông nỗi này? Làm thế nào mà một vài mã cổ phiếu truyền thông Mỹ và công nghệ Trung Quốc ít người biết đến có thể gây ra tổn thất lớn đến vậy?
Lời giải thích dễ hiểu là lòng tham. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ hồi phục và lợi suất trái phiếu gia tăng, các quản lý quỹ đầu cơ như ông Hwang tiếp tục bám đuổi mục tiêu kiếm tiền nhanh chóng.
Cuối năm ngoái, quỹ đầu cơ bắt đầu bán ra các vị thế lớn nhất và thanh khoản tốt nhất, đó là cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Cùng lúc, các quỹ cũng mua vào những cổ phiếu tụt hậu trong cùng ngành với hy vọng chúng sẽ bứt phá cùng với đà tiến của kinh tế Mỹ.
Công ty truyền thông Mỹ như ViacomCBS và Discovery là "con cưng" mới của quỹ đầu cơ. Nhiều khoản đầu tư của ông Hwang có triển vọng sẽ bắt kịp với nền kinh tế trong năm nay và các ngân hàng như Morgan Stanley và Goldman Sachs sẵn sàng tài trợ giao dịch bằng cách cấp margin.
Một quỹ lớn như Archegos của ông Hwang dễ dàng khiến giá cổ phiếu của các công ty nhỏ dậy sóng chỉ với động thái mua vào. Mặt khác, các sự kiện bất thường như sự thất bại của đợt phát hành thêm cổ phiếu của Viacom tuần trước có thể gây ra hệ quả khôn lường.
Cổ phiếu truyền thông như Viacom bị bán tháo nhanh hơn hẳn cổ phiếu công nghệ, kích hoạt các cuộc gọi ký quỹ từ phía ngân hàng muốn lấy lại tiền.
Ngân hàng cũng có một phần trách nhiệm trong biến cố mà Archegos gây ra vì đã tạo điều kiện cho ông Hwang dùng đòn bẩy cực cao. Các ngân hàng hẳn cũng biết rõ rằng một số cổ phiếu Trung Quốc mà ông Hwang mua vào có biến động lớn, thanh khoản kém và có ít sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư tổ chức.
Các ngân hàng có thể kiếm hàng trăm triệu USD tiền lãi từ việc cung cấp các khoản vay margin cho "Hổ con" Hwang. Nhưng với các vị thế 50 tỷ USD, đòn bẩy thực tế của ông Hwang lên tới 5 lần. Nếu có vấn đề xảy ra và ông Hwang không thể hoàn trả tiền vay, các ngân hàng sẽ phải tổ chức một đợt bán tháo. Và đó là những gì đã xảy ra trong thực tế.
Goldman trấn an khách hàng rằng các khoản lỗ từ ông Hwang không nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi Goldman và Morgan Stanley tung ra loạt giao dịch lô lớn, liệu còn có người nào sẵn sàng mua các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc ít người biết đến hay không? Nomura và Credit Suisse có thể phải gánh phần lớn tổn thất vì chậm chân trong việc thanh lý vị thế của ông Hwang.