|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Hổ con' phố Wall phải bán tháo 20 tỷ USD, báo hiệu nhiều đau thương sắp tới với các quỹ đầu cơ

18:23 | 29/03/2021
Chia sẻ
Nguồn tin của Bloomberg cho biết Archegos Capital Management của ông Bill Hwang đã buộc phải bán tháo 20 tỷ USD cổ phiếu vào ngày 26/3. Nhiều khả năng kịch bản này sẽ lặp lại do nhiều quỹ đầu cơ khác cũng theo đuổi chiến lược tương tự ông Hwang trong thời gian qua.
Cuộc bán tháo 20 tỷ USD của 'Hổ con' Hwang báo hiệu các quỹ đầu cơ sẽ có thêm vết thương mới - Ảnh 1.

Ông Bill Hwang, người sáng lập Archegos Capital Management. (Ảnh: Bloomberg).

Công ty truyền thông Mỹ ViacomCBS và nhà cung cấp dịch vụ dạy học trực tuyến Trung Quốc GSX Techedu có một điểm chung duy nhất: Cả hai đều là nạn nhân của đợt bán tháo 20 tỷ USD do Goldman Sachs và Morgan Stanley thực hiện ngày 26/3.

Loạt giao dịch lô lớn chưa từng có từ hai ngân hàng trên làm dấy lên lời bàn tán rằng một quỹ đầu cơ hoặc văn phòng quản lý tài sản gia đình gặp vấn đề và buộc phải bán ra. Nhiều người cũng lo ngại rằng đợt bán tháo chưa chấm dứt.

Mọi cặp mắt đổ dồn về phía ông Bill Hwang, một trong những "hổ con" được dạy dỗ bởi "Phù thủy Phố Wall" Julian Robertson. Chỉ với 23 triệu USD đầu tư ban đầu từ người thầy của mình, ông Hwang và quỹ đầu cơ Tiger Asia Management đã kết năm 2007 với gần 8 tỷ USD và tỷ suất lợi nhuận chuẩn hóa hàng năm hơn 40%.

Tuy nhiên, theo hãng tin IPO Edge, vào ngày 26/3/2021, Archegos Capital Management của ông Hwang đã phải bán ra nhiều cổ phiếu truyền thông bao gồm Discovery và ViacomCBS.

CNBC cho hay các đợt bán giải chấp (forced sale) của Archegos nhiều khả năng là do không đáp ứng được yêu cầu ký quỹ của hợp đồng phái sinh sử dụng đòn bẩy cao. Đến ngày 28/3, Bloomberg đưa tin khẳng định chính Archegos đứng đằng sau đợt bán tháo.

Ông Hwang không đưa ra bình luận nhưng những vị thế bị thanh lý phù hợp với phong cách đầu tư của ông. Điều quan trọng hơn cả là việc rất nhiều quỹ đầu cơ cũng sở hữu những mã cổ phiếu bị bán tháo tuần trước có thể báo hiệu rằng nỗi đau vẫn chưa chấm dứt.  

Ông Hwang bắt đầu sự nghiệp với việc đầu tư vào các công ty Đông Á và đặc biệt tập trung vào các ngành tăng trưởng nhanh như công nghệ và truyền thông. Nhiều vị thế bị bán tháo ngày 26/3 là cổ phiếu Trung Quốc, bao gồm 6,6 tỷ USD cổ phiếu Baidu, Tencent Music Entertainment và Vipshop.

Đây không phải lần đầu tiên ông Hwang bị vướng vào cuộc gọi ký quỹ (margin call) lớn. Cuối năm 2008, tờ Wall Street Journal đưa tin quỹ đầu cơ Tiger Asia của ông Hwang bị lỗ vì bán khống cổ phiếu xe hơi Volkswagen. Trong giai đoạn này, nhiều quỹ đầu cơ như Greenlight Capital của David Einhorn và SAC Capital của Steven Cohen cũng đặt cược chống lại Volkswagen. 

Giá Volkswagen tăng sốc 82% trong một ngày sau khi Porsche Automobil Holding cho biết công ty đã tăng sở hữu tại nhà sản xuất ô tô Đức. Diễn biến này đã giáng đòn đau vào các quỹ đầu cơ. Chứng chỉ quỹ Tiger Asia của ông Hwang mất 23% trong năm 2008.

'Hổ con' phố Wall phải bán tháo 20 tỷ USD, báo hiệu nhiều đau thương sắp tới với các quỹ đầu cơ - Ảnh 2.

Ông Hwang (bên phải) đi cùng luật sư của mình bước ra khỏi tòa án năm 2014. (Ảnh: Bloomberg).

Ông Hwang không còn giữ được phong độ như hồi trẻ. Năm 2012, ông bị phạt 44 triệu USD vì giao dịch nội gián một số cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc. Năm 2014, Hong Kong cấm ông tham gia thị trường trong 4 năm cùng với án phạt 5,3 triệu USD. Ông Hwang buộc phải đóng cửa quỹ Tiger Asia và thành lập công ty quản lý tài sản gia đình Archegos.

Người lạc quan có thể nhận định rằng đợt bán tháo lớn ngày 26/3 là sự kiện chỉ diễn ra một lần – cú vấp ngã lớn của một tay chơi huyền thoại hiện đang sa sút. Nhưng tình hình hiện nay không có chỗ cho sự lạc quan. 

Ông Hwang là đại diện điển hình của các nhà quản lý quỹ đầu cơ Phố Wall. Các khoản đặt cược của ông cũng là các khoản đặt cược của số đông. Có thể ông Hwang bị gọi ký quỹ sớm hơn người khác vì dùng đòn bẩy cao hơn. Nhưng chắc chắn ông không phải người duy nhất nắm giữ vị thế trong các công ty truyền thông Mỹ và doanh nghiệp Trung Quốc. Và điểm chung này tiềm ẩn rắc rối.

Các công ty truyền thông như ViacomCBS và Discovery có giá trị chịu rủi ro ròng "cao nhất kể từ năm 2016", bộ phận chứng khoán của Morgan Stanley cho biết. Tuần trước, khi ViacomCBS tận dụng đà tăng nóng để phát hành thêm cổ phiếu, các quỹ đầu cơ dùng đòn bẩy cao hẳn đã phải chịu áp lực lớn.

Cuộc bán tháo 20 tỷ USD của 'Hổ con' Hwang báo hiệu các quỹ đầu cơ sẽ có thêm vết thương mới - Ảnh 2.

Tương tự, các công ty Internet Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng là sân chơi ưa thích của quỹ đầu cơ. Nhưng trong bối cảnh kinh tế Mỹ phục hồi, dòng tiền nóng đổ vào cổ phiếu Trung Quốc năm ngoái đang sụt giảm nhanh chóng. Một lần nữa, nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ bị hủy niêm yết và rủi ro quan trị công ty.

GSX Techedu bị Muddy Waters Research cáo buộc giả mạo tới 80% doanh thu năm 2019. Giá cổ phiếu này bắt đầu lao dốc từ giữa tháng 3.

Các khoản đặt cược giống số đông góp phần khiến các quỹ đầu cơ bị lỗ trong tháng 3
50 cổ phiếu
được mua nhiều nhất
50 cổ phiếu
bị bán khống mạnh nhất
Chỉ số
Mỹ-0,8%4,6%2,7%
Châu Á -6,2%-3,4%0

Nguồn: Morgan Stanley Prime Brokerage; Bloomberg. Lưu ý: Chỉ số Morgan Stanley dùng là S&P 500 và chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương

Các quỹ đầu cơ đang trải qua quý I tồi tệ. Tháng 1, nhà đầu tư nhỏ lẻ đẩy lùi đội bán khống GameStop. Đến tháng 3, sự chuyển dịch nhanh chóng từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị giáng thêm đòn mới vào các quỹ đầu cơ, có lẽ đủ để đả thương cả một con "hổ con".

Trong cả hai trường hợp, thủ phạm cuối cùng đều là các vị thế có quá nhiều nhà đầu tư đeo bám, dù là bán khống hay mua vào. Đợt bán tháo ngày 26/3 không phải sự kiện riêng lẻ. Những người có chiến lược giống ông Hwang cũng sẽ gánh chịu nỗi đau tương tự.

Giang