Cú lao dốc của chứng khoán Trung Quốc là lời cảnh báo cho thị trường Mỹ
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc mất 15% so với đỉnh 13 năm thiết lập hồi tháng trước. Lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt thay thế mọi niềm lạc quan về cuộc phục hồi kinh tế. Giống như những thị trường khác, đà tăng của thị trường Trung Quốc đã được dẫn dắt bởi nhà đầu tư theo đuổi một số ít cổ phiếu, nhiều người nhảy vào cuộc chơi khi sóng đã lên đến đỉnh.
Đến tháng này, CSI 300 tụt lại đằng sau chỉ số thế giới của MSCI với khoảng cách lớn nhất kể từ 2016 và các quỹ tương hỗ nổi tiếng nhất bị nghiền nát trong các cuộc bán tháo.
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang tìm cách giải quyết hệ quả của hàng loạt đợt cắt giảm lãi suất và hàng nghìn tỷ USD kích thích được tung ra vào năm ngoái. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tạm thời duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Số khác buộc phải hành động trước rủi ro lạm phát.
Tuần trước, Brazil trở thành nước đầu tiên trong Nhóm G-20 nâng chi phí lãi vay. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nhanh chóng theo sau. Na Uy cũng đang cân nhắc động thái tương tự, Bloomberg cho biết.
Từ tháng 2, thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu phản ánh vào giá khả năng tăng trưởng kinh tế và lạm phát đi lên, bàn luận về việc Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất sớm đến đâu. Tuy điều đó đã dẫn đến một số thị trường bị định giá quá cao như Nasdaq rơi vào vùng điều chỉnh kỹ thuật, không một chỉ số chứng khoán lớn nào trên thế giới giảm nhanh hơn Trung Quốc.
Ông Peiqian Liu, nhà kinh tế tại Natwest Markets cho biết: "Sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể cho toàn thế giới thấy thách thức đối với việc rút lại các biện pháp kích thích, do Trung Quốc là nước đầu tiên rơi vào và thoát ra khỏi đại dịch".
Trung Quốc có lý do chính đáng để rút lại các biện pháp kích thích sớm hơn các nền kinh tế lớn khác, bao gồm: khả năng kiểm soát đại dịch tốt hơn, tập trung vào việc giảm đòn bẩy và thiếu lựa chọn đầu tư cho người dân. Nhưng chắc chắn chứng khoán Trung Quốc đã đi trước mọi thị trường khác kể từ khi COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán.
Khi virus hoành hoành ở Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2020, chỉ số CSI 300 mất 12%, trong khi đó các thị trường khác vẫn tiếp tục leo lên tầm cao mới. Vài tuần sau, khi chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu bắt đầu tụt dốc giữa lo ngại rằng virus đang lan ra toàn cầu thì thị trường Trung Quốc đang hồi phục dựa trên hy vọng các biện pháp kích thích sắp được triển khai.
Đến tháng 7/2020, chứng khoán Trung Quốc nội địa nằm trong nhóm cổ phiếu nóng nhất thế giới. Ngày 10/2/2021, chỉ số CSI 300 chạm đỉnh, tăng 65% so với đáy năm ngoái rồi lại cắm đầu lao dốc.
Còn tại Mỹ, chứng khoán đã tăng 80% kể từ đáy hồi tháng 3 năm ngoái. Cũng như Trung Quốc, đà tăng của thị trường Mỹ được dẫn dắt bởi kỳ vọng về kinh tế mở cửa trở lại và các biện pháp kích thích khổng lồ.
Tuy Fed và chính quyền Biden không có ý định ngừng hỗ trợ trong tương lai gần, nhưng đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đến lúc đó, nhiều khả năng chứng khoán Mỹ cũng sẽ chịu chung số phận như Trung Quốc.
Credit Suisse đã hạ bậc xếp hạng chứng khoán Trung Quốc xuống mức tương đương khuyến nghị bán. Đây là lần hạ bậc thứ hai của Credit Suisse đối với chứng khoán Trung Quốc trong vòng 5 tuần.
Ông Jean-Louis Nakamura, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Lombard Odier Darier Hentsch viết trong thư gửi khách hàng: "Chúng tôi đã chốt lời cổ phiếu hạng A của Trung Quốc vào đầu tháng 2 do có khả năng chính sách vĩ mô sẽ bị thắt chặt".
Trung Quốc có lý do chính đáng để lo ngại về kích thích kinh tế quá mức. Trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc đã dùng tín dụng để thúc đẩy kinh tế. Hậu quả là khối nợ chồng chất từ hơn 10 năm trước đang đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính nước này.
Tiền từ nước ngoài đổ vào cổ phiếu vào trái phiếu từ năm ngoái cũng khiến các quan chức lo giá tài sản bị bóp méo, đặc biệt là nếu dòng tiền đổi hướng.
Theo Bloomberg, bài học từ quá khứ thôi thúc Trung Quốc tập trung vào rủi ro được tạo ra bởi thanh khoản quá dồi dào từ cả trong lẫn ngoài nước. Bắc Kinh đã hồi sinh chiến dịch cắt giảm đòn bẩy và tăng cường nỗ lực nhằm hạn chế tác động của "tiền nóng".
Ông Li-Gang Liu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citigroup viết trong báo cáo tháng 3: "Việc rút lại các biện pháp hỗ trợ trong đại dịch là một trong những bất ổn lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế và thị trường tài chính của Trung Quốc".