|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sau một năm bùng nổ, chứng khoán Mỹ phải đối mặt nhiều bất trắc

12:42 | 24/03/2021
Chia sẻ
Một năm sau ngày rơi xuống hố sâu COVID-19, chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng ấn tượng 80%. Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cho thấy tỷ suất lợi nhuận trong 12 tháng tiếp theo khó có thể theo kịp thành tích vừa đạt được.

Vào ngày 23/3/2020, S&P 500 rơi xuống đáy sau khi khủng hoảng COVID-19 khiến chỉ số này mất 30% trong 22 ngày, mức giảm lớn nhất trong giai đoạn ngắn đến vậy. Tuy nhiên, ngày này cũng đánh dấu sự khởi đầu của thị trường giá lên mới. Được hỗ trợ bởi gói kích thích lớn chưa từng có, chứng khoán Mỹ thoát khỏi hố sâu và bắt đầu đà tăng không ngừng nghỉ.

Lịch sử chỉ ra rằng thị trường gấu lớn thường được theo sau bởi thị trường giá lên mạnh mẽ với lợi nhuận vượt trội trong hai năm đầu tiên. Tuy nhiên, nhà đầu tư Mỹ khó có thể kỳ vọng lợi nhuận trong 12 tháng tiếp theo sẽ vượt trội hơn hay thậm chí là bằng 12 tháng vừa qua. Con đường phía trước nhiều khả năng sẽ gập ghềnh hơn nhiều.

Sau một năm bùng nổ, chứng khoán Mỹ khó có thể duy trì sức mạnh ban đầu - Ảnh 1.

Từ sau Thế chiến thứ hai đến trước năm 2020, chứng khoán Mỹ có 5 lần rơi xuống thị trường gấu với mức giảm trên 30%. Dữ liệu từ LPL Financial cho thấy sau mỗi lần trượt dốc mạnh như vậy, thị trường đều đi lên trong hai năm tiếp theo. Tỷ suất lợi nhuận trung bình của năm thứ hai là 17%.

Đà tăng của năm thứ hai thường không mạnh mẽ bằng năm đầu tiên. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là cuộc hồi phục của thị trường sau cú sụp đổ chớp nhoáng năm 1987. Ngoài ra, năm thứ hai của thị trường giá lên mới cũng dễ xảy ra các đợt thoái lui với mức giảm trung bình là 10%, LPL cho biết.

Chứng khoán Mỹ đã tăng 80% kể từ đáy tháng 3 năm ngoái, đánh dấu cuộc mở màn thành công nhất cho một thị trường giá lên. Nhưng khởi đầu lịch sử này cũng có thể mở đường cho những đợt sụt giảm trong năm thứ hai và biến động ở tương lai.

Bà Lindsey Bell, Giám đốc đầu tư của Ally Invest nói với CNBC: "Bước vào năm thứ hai của thị trường tăng giá có thể là cột mốc đầy hứng khởi với nhà đầu tư, nhưng chưa chắc sức mạnh của thị trường sẽ còn nguyên vẹn".

Chỉ tiến thêm 4%?

Theo khảo sát tổng hợp ý kiến của 15 chuyên gia của CNBC, nhận định chung của Phố Wall là S&P 500 sẽ kết năm 2021 ở mức 4.099 điểm, cao hơn 4% so với đóng cửa phiên 22/3 là 3.940,6 điểm.

Sau một năm bùng nổ, chứng khoán Mỹ khó có thể duy trì sức mạnh ban đầu - Ảnh 2.

Thị trường giá lên chính thức được tuyên bố khi chỉ số S&P 500 lấy lại mọi mất mát trong đại dịch và kết phiên với mức điểm kỷ lục vào ngày 18/8/2020. Khi nhìn lại, giới phân tích xác định chu kỳ giá lên mới khởi nguồn từ đáy hồi tháng 3.

Tuy nhiên, sự kiện "thiên nga đen" của năm 2020 khiến thị trường giá lên hiện tại là độc nhất vô nhị. Trong quá khứ, thủ phạm của các cuộc khủng hoảng là sự trục trặc của thị trường tài chính. Nhưng lần này, thị trường sụp đổ là do đại dịch.

Và trái ngược với sự phục hồi chậm và ổn định trong các chu kỳ trước, sự phục hồi lần này diễn ra rất nhanh chóng nhờ hàng nghìn tỷ USD viện trợ từ Quốc hội và Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Ông Tom Essaye, nhà sáng lập Sevens Report cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng ta ở trong thị trường giá lên được sản xuất bởi chính phủ và Fed".

"Mức tăng khổng lồ của chứng khoán không tự nhiên mà đến. Về bản chất, chúng được tạo ra nhờ chính phủ chấp nhận vay nợ và thâm hụt khổng lồ để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Thực tế này thực sự làm thay đổi triển vọng của tương lai".

Nhiều chuyên gia tin rằng sức mạnh lâu dài của thị trường chứng khoán Mỹ phụ thuộc vào khả năng duy trì đà tăng mà không có các gói kích thích lớn. Tiền hỗ trợ từ chính phủ bắt đầu đổ vào tài khoản của người dân Mỹ ngay trong tháng này. 

Một khi tác động của chúng phai nhạt, Phố Wall đang đặt cược rằng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ nâng đỡ thị trường và đáp ứng những hứa hẹn lớn lao của giá cổ phiếu.

Thị trường chịu những rủi ro nào?

Hiện tại, chỉ số S&P 500 đang được giao dịch ở mức gấp hơn 21 lần thu nhập dự phóng cho năm tiếp theo, theo FactSet. Từ sau năm 2000, định giá chưa bao giờ đắt đỏ đến vậy.

Sau một năm bùng nổ, chứng khoán Mỹ khó có thể duy trì sức mạnh ban đầu - Ảnh 3.

Nhà sáng lập Essaye nói: "Về cơ bản, chúng ta đang chuyển đổi từ cuộc phục hồi do chính phủ nhen nhóm sang đà tăng được thúc đẩy tự nhiên nhờ kinh tế mở cửa trở lại. Hay ít nhất thì đó cũng đang là điều nhà đầu tư hy vọng".

Trong khi đó, lạm phát được dự đoán là sắp tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại và các biện pháp kích thích mạnh tay, khiến định giá chứng khoán cao ngất ngưởng trở nên không thể giải thích nổi. Mối lo này được thể hiện qua sự tụt hậu của chỉ số Nasdaq từ đầu năm đến nay, do lạm phát và lãi suất gia tăng sẽ bào mòn lợi nhuận tương lai của các công ty công nghệ.

Một mối nguy tiềm năng khác là tham vọng tăng thuế thu nhập doanh nghiệp của Tổng thống Joe Biden. Chuyên gia David Kostin của Goldman Sachs cảnh báo rằng kế hoạch thuế của ông Biden có thể khiến EPS của các công ty thuộc S&P 500 giảm 9%.

Tổng thống Mỹ đã báo hiệu ông sẵn sàng nâng thuế suất đánh vào doanh nghiệp lên 28% từ mức 21% hiện nay. Đồng thời, ông cũng tán thành tăng thuế đánh vào lãi từ đầu tư và cổ tức và nâng tỷ suất thuế thu nhập cá nhân cao nhất lên 39,6%.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.