|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Loạt bất cập của chính sách cản bước Nhựa Bình Minh khôi phục sản xuất

19:56 | 27/09/2021
Chia sẻ
Tương tự nhiều doanh nghiệp khác, Nhựa Bình Minh đang gặp phải tình trạng không thể bán được hàng vì "ngăn sông cấm chợ" chưa kể việc kêu gọi người lao động quay trở lại tái sản xuất cũng gặp rào cản về các vấn đề như xác nhận tiêm chủng.

Sau những khó khăn do dịch COVID-19 về đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đang rục rịch chuẩn bị để sớm tái hoạt động khi dịch dần được kiểm soát. Tuy nhiên, những vướng mắc về chính sách đang cản bước khôi phục hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. 

Khó vận chuyển hàng vì thiếu tính liên kết vùng

Tại buổi tọa đàm "Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tổ chức ngày 25/9, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), đã chia sẻ hai khó khăn chính mà bản thân doanh nghiệp đang gặp phải.

Vướng mắc đầu tiên đối với Nhựa Bình Minh đó là tính liên kết vùng. Ông Ngân cho biết hiện chỉ riêng TP HCM vẫn đang trong tình trạng "khóa tương đối chặt", các công trình xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông, miền Tây hay miền Trung đều khá cởi mở nhưng công ty không thể vận chuyển vật tư vì tình trạng "ngăn sông cấm chợ". 

Ông cho rằng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, doanh nghiệp không thể nào phục hồi sản xuất.

Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh: 'Đừng để chúng tôi đi tới nửa đường thì bị ngăn lại, đi dọc đường thì bị dừng lại' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh. (Ảnh: Nhựa Bình Minh).

Vấn đề thứ hai, theo ông Ngân, là nguồn nhân lực. Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh chia sẻ, công ty có khoảng 98% tỷ lệ người lao động tiêm mũi 1 và 81% đã được tiêm mũi 2. 

Tuy nhiên, khi xem xét về tính sẵn sàng của người lao động để tham gia tái sản xuất kinh doanh (việc chích ngừa COVID-19 bằng vắc xin; công nhân nằm ở vùng xanh, đỏ, vàng; hay giấy chứng nhận tiêm chủng xanh, vàng) cho thấy rất nhiều bất cập trong đó có độ trễ về cập nhật xác nhận tiêm chủng trên hệ thống đang gây khó khăn cho công ty để gọi người lao động về làm việc.

"Chúng tôi đang cố gắng giao tiếp với từng người lao động hàng ngày để xem có thể huy động được họ hay chưa. Nhưng những thông tin chung để nhận được rất khó và như vậy khi không chuẩn bị sẵn sàng lực lượng lao động thì không thể tái sản xuất", ông Ngân bày tỏ.

Hiện, Nhựa Bình Minh có 3 nhà máy và đang duy trì thực hiện 3T (3 tại chỗ "sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ"). Trong tháng 7, công ty đã duy trì 50% hoạt động kinh doanh, tháng 8 chỉ còn lại 20% và đến thời điểm hiện tại quay lại trên 50%. Ông Ngân cho biết việc tham gia hoạt động sản xuất của người lao động về cơ bản là tốt, chỉ gặp rào cản duy nhất là tâm lý.

Chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp: Mông lung, thiếu tính thực thi

Nói về các phương án chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nhà nước mới đưa ra gần đây, ông Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng các chính sách này vẫn còn mông lung nên rất khó để doanh nghiệp định hướng tái sản xuất. 

Bên cạnh đó, độ trễ về chính sách khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Tức, trong một khoảng thời gian ngắn chính sách được định hình, doanh nghiệp rất khó để làm kịp các công việc gồm tiếp cận, đọc hiểu chính sách và truyền tải xuống các cấp quản lý phía dưới.

Cuối cùng là những bất cập về khả năng thực thi của chính sách. Ông Ngân cho rằng các đề nghị chính sách được đề xuất rất nhiều nhưng đôi khi một chính sách đưa ra ai cũng thấy hợp lý nhưng khả năng thực thi để đạt hiệu rất lâu và thấp khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Về giải pháp tháo gỡ, Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh đề nghị: "Thành phố và Chính phủ phải thực sự nhất quán (về chính sách) để chúng tôi đừng đi tới nửa đường thì bị ngăn lại rồi không thể hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ hai, cập nhật nguồn nhân lực thật sự rõ ràng, nếu không khó có thể huy động được nguồn lao động tái sản xuất. Với Nhựa Bình Minh hai cái đó là khó khăn nhất".

"Tôi tin rằng nếu chính sách ngày càng mở hơn, hợp lý hơn thì khả năng quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhựa Bình Minh là khá tốt. Tuy nhiên, chúng tôi mong chính sách phải rõ ràng, nhất quán, không mông lung, độ trễ đủ để cho các doanh nghiệp thực thi chính sách của mình. Đồng thời, quá trình thực thi của các cơ quan quản lý Nhà nước cố gắng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp", ông Ngân chia sẻ.

Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh: 'Đừng để chúng tôi đi tới nửa đường thì bị ngăn lại, đi dọc đường thì bị dừng lại' - Ảnh 2.

Ống nhựa do Nhựa Bình Minh sản xuất. (Ảnh: Nhựa Bình Minh).

BVSC: Hoạt động bán hàng của Nhựa Bình Minh sẽ phục hồi trở lại vào nửa sau tháng 9

Nhựa Bình Minh vừa trải qua quý II với lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 73% xuống còn 42 tỷ đồng, đây là quý ghi nhận lợi nhuận sau thuế thấp nhất trong 10 năm trở lại của doanh nghiệp này. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 2.605 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 157 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và giảm 51% so với cùng kỳ.

Tại cuộc họp các chuyên viên phân tích và nhà đầu tư gần đây, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết doanh thu tháng 7 của công ty khá thấp với mức 244 tỷ đồng, giảm gần 39% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo từ Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). 

Trong đó, sản lượng tiêu thụ giảm hơn 46% xuống còn 5.013 tấn, chủ yếu được hỗ trợ bởi hai tuần đầu tiên của tháng 7, trước khi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Trong nửa đầu tháng 8, sản lượng tiêu thụ của công ty chỉ đạt 664 tấn. Theo ban lãnh đạo, tiêu thụ trong giai đoạn này chủ yếu được thúc đẩy bởi các dự án đặc thù, chẳng hạn như bệnh viện dã chiến, nơi các quy trình vận chuyển đang được ưu tiên. Nhựa Bình Minh kỳ vọng hoạt động bán hàng sẽ phục hồi trở lại vào nửa sau tháng 9 khi Chỉ thị 16 được nới lỏng.

Năm 2021, BVSC dự báo doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh giảm 0,3% so với năm trước, còn 4.627 tỷ đồng; lợi nhuận ròng đạt 213,5 tỷ đồng, giảm 59%, phản ánh tác động nặng nề của đợt tái bùng phát COVID-19.

Tường Vy