'Loạn' giống lúa dỏm - Bài 1: Tràn lan giống lúa nhái, giả
Ông Nguyễn Văn Doi (Long Mỹ, Hậu Giang) mua trúng giống OM.18 “giả” của một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ CÔNG
Nhiều loại lúa giống giả, nhái nhãn hiệu các loại giống lúa nổi tiếng hiện đang được bày bán công khai trên thị trường, trong khi nông dân vẫn "vô tư" mua các loại lúa giống này về gieo sạ do không thể biết đâu là giống thật, đâu là giả.
Trong khi việc phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng như "bắt cóc bỏ đĩa", chưa đủ sức răn đe, các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất giống, kinh doanh lúa giống tại ĐBSCL hiện đang đau đầu trước tình trạng giống lúa vừa đưa ra thị trường đã bị nhái nhãn hiệu, làm giả bao bì rồi bày bán tràn lan trên thị trường. Nhưng nông dân là người lãnh hậu quả lớn nhất, do năng suất và chất lượng lúa không đạt như kỳ vọng.
Tràn lan lúa giống "lụi"
Đầu tháng 12 vừa qua, trong vai người có nhu cầu mua lúa giống, chúng tôi tìm đến điểm bán lúa giống của doanh nghiệp Hưng Phát (có trụ sở ghi trên bao bì là ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) ngay phía trước đường vào Viện Lúa ĐBSCL để hỏi mua giống lúa ST24. Sau khi bị từ chối với lý do "hết hàng", chúng tôi được giới thiệu đến kho lúa cách đó vài trăm mét và được hướng dẫn quay trở lại điểm cũ để làm thủ tục mua lúa giống ST24.
Khi chúng tôi nhấn mạnh là mua lúa giống chứ không phải lúa "thịt" để chà gạo, một nữ nhân viên ở đây trấn an: "Yên tâm, lúa này trồng lên tốt". Khi nghe chúng tôi đề nghị hướng dẫn cách trồng, nhân viên này khoát tay: "Trong hóa đơn có chỉ cách trồng". Trong khi đó, hóa đơn bán lẻ của cơ sở sản xuất lúa giống Hưng Phát chỉ có những thông tin lập lờ.
Chẳng hạn, sản phẩm được ghi là "ST24.LT", trong khi hướng dẫn cách trồng ghi "lúa khô, ngâm nước hai đêm (36-40 giờ)". Mỗi bao lúa 40kg được bán với giá 600.000 đồng. Nếu không hỏi kỹ lúa giống và không có hướng dẫn ngâm trồng, người mua dễ hiểu là lúa "lương thực" để ăn chứ không phải để làm giống, với chữ "LT" sau tên lúa ST24.
Sau khi thanh toán xong, chúng tôi lại được hướng dẫn trở lại kho cách đó vài trăm mét để nhận lúa. Tại đây, những bao chứa lúa ghi ST24.HP được chất phủ đầy bụi bặm ở một góc kho. Người quản lý tên P. không ngại giới thiệu với chúng tôi là doanh nghiệp này "có liên kết bán hàng cho viện lúa". "Chỗ này có thuê một cô chuyên làm nghiên cứu giống lúa nên bên ngoài có gì là ở đây có giống nấy", người này khẳng định.
Trước đó không lâu, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở Ba Đẹp ở thị xã Sóc Trăng bán hai loại lúa có bao bì ghi ST24.HP và OM18.HP. Vụ việc khiến phía Tập đoàn Lộc Trời (sở hữu giống OM18) và doanh nghiệp Hồ Quang Trí (sở hữu giống ST24) bức xúc vì cho rằng cơ sở này đang bán hàng vi phạm quyền bảo hộ giống của họ.
Tuy nhiên, bà Trần Ngọc Hiếu, chủ cơ sở Ba Đẹp, cho rằng chỉ mua giống lúa lương thực chất lượng cao ST24.HP và OM18.HP về sử dụng, không kinh doanh lúa giống. "Trên bao lúa có ghi rõ nhãn "Hưng Phát" khác biệt rõ với nhãn "Hồ Quang", "Lộc Trời". Lúa mua có hóa đơn, có nguồn gốc của doanh nghiệp Hưng Phát", bà Hiếu giải thích.
Cơ sở sản xuất giống Hưng Phát chuyển lúa “ST24.HP” cho người mua, dù giống lúa này không có trong danh mục được phổ biến của Cục trồng trọt - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Nhà sản xuất, kinh doanh "bó tay"
Trong văn bản trả lời cơ quan quản lý thị trường Sóc Trăng, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại VN không có hai giống lúa ST24.HP và
OM18.HP; đồng thời khẳng định việc đặt tên hai giống lúa của cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Hưng Phát đã "ảnh hưởng đến quyền đã có trước của các tổ chức, cá nhân khác".
Dù vậy, tại cơ sở của Hưng Phát, chỉ cần hỏi mua giống lúa ST24 và OM18, khách hàng sẽ nhận được sản phẩm với bao bì ST24.HP và OM18.HP mà chẳng ai biết được thực chất là giống lúa gì trong các bao ấy. Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của các giống lúa ST, cho biết không ít lần bị nhắn tin đe dọa, xúc phạm khi đấu tranh bảo vệ tác quyền giống lúa.
Cuối tháng 10-2019, Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) đã gửi "thư cảnh báo" đến ông Lê Tấn Đạt - giám đốc Công ty TNHH một thành viên lúa giống Đạt Nông (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) về việc công ty này đã "xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giống lúa OM18".
Theo văn bằng bảo hộ giống cây trồng do Cục Trồng trọt cấp ngày 2-4-2018 và hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng độc quyền đối với giống cây trồng giống lúa thuần OM18 với Viện Lúa ĐBSCL, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị độc quyền khai thác, kinh doanh giống lúa thuần OM18.
Thế nhưng, giống lúa này vẫn được Công ty Đạt Nông "vô tư" chào bán ra thị trường, trên bao bì ghi giống "OM18" của Đạt Nông, kèm theo đó là thông tin "Hạt giống được kiểm định, kiểm nghiệm bởi Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi An Giang".
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Tuyến - giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh An Giang (tên mới của Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi An Giang) - phủ nhận việc kiểm định, kiểm nghiệm giống OM18 cho Công ty Đạt Nông.
Theo ông Tuyến, ngay sau khi nhận được phản ảnh, cơ quan này đã mời lãnh đạo Công ty Đạt Nông làm việc và đại diện công ty này đã thừa nhận in sai sự thật trên bao bì sản phẩm lúa giống. "Còn việc xử phạt vi phạm hành chính như thế nào thuộc về Thanh tra Sở NN&PTNT TP Cần Thơ" - ông Tuyến nói.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lang (chuyên gia về lúa giống), để tạo ra một giống lúa mới phải mất đến 10 năm nhưng người làm nghiên cứu đâu thể tự bảo hộ quyền lợi của mình được, trong khi giống làm ra bị mang đi mua bán mà không hề xin phép. "Chỉ lo cho nông dân khi sử dụng giống không đảm bảo chất lượng" - bà Lang nói.
Ai dè, họ lừa tôi và bà con ở đây. Họ bán lúa giống RVT ngang. Lúa hai tầng, bông cỏ đầy đồng. Nhìn mà tôi rớt nước mắt.
Ông Nguyễn Văn Nở
Nông dân "lãnh đủ"
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nở (xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) cho biết vụ lúa đông xuân 2018-2019 vừa qua, nhiều nông dân tại địa phương này được một số "cò lúa" kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ giống lúa cao sản RVT với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg. Theo cam kết, sau khi thu hoạch, công ty bao tiêu thu mua với giá 7.200 đồng/kg, chưa kể nông dân sẽ được thanh toán lại tiền lúa giống sau.
"Nghe bao tiêu ai không ham nên tôi chấp nhận ký hợp đồng và mua hơn 200kg giống lúa RVT để mần 11 công đất của gia đình. Ai dè, họ lừa tôi và bà con ở đây. Họ bán lúa giống RVT ngang. Lúa hai tầng, bông cỏ đầy đồng. Nhìn mà tôi rớt nước mắt" - ông Nở bức xúc.
Để "cứu lúa" , ông Nở vừa mướn nhân công vừa lặn lội ra đồng cắt lúa tạp nhưng "cắt thì cắt chứ có hết đâu". "Có nhiều nguyên nhân khiến lúa người dân mần bị sụt giảm sản lượng. Nhưng lấy lúa ngang gieo sạ thì mấy ai trúng mùa" - ông Nở nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ đông xuân 2018-2019, năng suất lúa tại khu vực này ước đạt 800kg lúa tươi/công. Trong khi đó, một số cánh đồng ở Châu Thành A, Phụng Hiệp (Hậu Giang), năng suất đạt cả tấn lúa tươi/công.
Không chỉ sản lượng giảm mạnh, do giá lúa trên thị trường sụt giảm tại thời điểm thu hoạch, thương lái đến mua lúa của ông Nở và bà con có hợp đồng ở địa phương này không đúng giá với hợp đồng thỏa thuận ban đầu, khiến nhiều nông dân thua lỗ nặng.
"Đưa lúa ngang, mua giá thấp, hộ nào cũng thua lỗ. Vụ đông xuân đó 11 công đất của tui với cả trăm công của bà con ở đây đều lỗ. Họ đưa giống lúa sao mần vậy, chứ biết phân biệt giống giả giống thật gì đâu. Bị một lần là sợ, vụ tới tôi tự sản xuất giống cho an toàn" - ông M., một nông dân tại đây, cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, anh Bé - "cò lúa" (Vị Thủy, Hậu Giang) - thừa nhận đã kết nối với các doanh nghiệp ở TP.HCM để hỗ trợ lúa giống cao sản và bao tiêu đầu ra cho bà con. Tuy nhiên, anh Bé cũng không thể thẩm định được giống lúa có chất lượng hay không.
"Tôi không phủi trách nhiệm nhưng tôi đâu có biết giống nào giả, giống nào thật. Họ đưa cho bà con gieo sạ xuống đất rồi lúa gần chín trên đồng bà con phản ảnh tôi mới biết" - anh Bé nói.
Nhu cầu nhiều, nguồn cung ít
Ông Trần Anh Tuấn, phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hậu Giang, cho biết vấn nạn giống lúa "kém chất lượng" ở Hậu Giang liên tục xảy ra.
Lợi dụng lòng tin và thiếu hiểu biết của người dân, một số cơ sở cung cấp giống lúa "chui" đã đánh cắp bản quyền và nhái nhãn mác, bao bì của doanh nghiệp, công ty uy tín khác để bỏ "lúa ngang" vào bán cho bà con địa phương, thông qua các "cò lúa".
Theo ông Tuấn, nhu cầu sử dụng giống lúa cao sản và chất lượng của người dân ngày một nhiều, trong khi nguồn cung cấp giống chất lượng như: lúa thơm RVT, OM18, Đài Thơm 8 không đáp ứng đủ nhu cầu.
Mặt khác, khâu quản lý "cò lúa" ở địa phương còn khá lỏng lẻo... Do đó, năm nào Hậu Giang cũng xảy ra tình trạng người dân sử dụng giống lúa kém chất lượng, đặc biệt là giống RVT, OM18... Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan này đã phát hiện 2 cơ sở cung cấp giống "lúa ngang", với số lượng hơn 33 tấn giống lúa cao sản RVT...
"Khi mua lúa giống, nông dân cần chú ý những thông tin ghi trên bao bì từ cơ sở sản xuất đến địa chỉ để dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Trước khi ngâm lúa gieo sạ, bà con cần chú ý độ sạch lúa giống đạt 99%, tỉ lệ nảy mầm trên 80%... Có như thế, người dân sẽ hạn chế thất thoát kinh tế gia đình" - ông Tuấn khuyến cáo.