Lo sợ AI thống trị thế giới, người tiêu dùng Mỹ có xu hướng tránh các sản phẩm công nghệ cao
Tại Mỹ, gần 25% người trưởng thành sử dụng ChatGPT và hàng nghìn doanh nghiệp tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn lo sợ viễn cảnh AI thống trị thế giới như trong phim ảnh. Đây có thể là tin xấu đối với với các thương hiệu muốn thuyết phục người tiêu dùng mua sản phẩm gắn mác AI.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Hospitality Market and Management vào tháng 6 phát hiện rằng người tiêu dùng có khuynh hướng tránh những sản phẩm có mác “AI”.
Khoảng 200 người tham gia nghiên cứu được hỏi về ý định của họ khi mua các mặt hàng - từ tivi, máy hút bụi cho đến dịch vụ y tế - có một trong hai mô tả “sử dụng AI” hoặc “công nghệ cao”.
Giáo sư Dogan Gursoy tại Trường Kinh doanh Carson thuộc Đại học bang Washington, một trong những tác giả bài nghiên cứu, cho biết: “Trong mọi trường hợp, bất cứ khi nào chúng tôi đề cập ‘AI’ thay vì ‘công nghệ cao’, ý định mua hàng của người tiêu dùng đều giảm xuống.”
Khỏa sát trên 1.000 người của Cognizant cũng cho thấy đa số người tiêu dùng cảm thấy bị đe dọa bởi AI. Chỉ 30% người trả lời cho biết họ tin tưởng AI tạo sinh. Khoảng 28% đánh giá người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi ít nhất từ AI tạo sinh, thấp hơn doanh nghiệp, chính phủ và người lao động.
Nỗi sợ sống còn
Nỗi sợ AI thống trị con người vẫn khá phổ biến và bị khuếch đại bởi nỗi lo mất việc vì công nghệ này. Giáo sư Gursoy nêu ví dụ về suy nghĩ của một người tiêu dùng: “AI đe dọa danh tính của tôi, đe dọa danh tính của toàn nhân loại. Không có gì nên thông minh hơn con người”.
Đa số người tiêu dùng cũng nói lòng tin của họ đối với AI bị xói mòn bởi các tổ chức sử dụng công nghệ này, theo khảo sát của Cisco vào năm 2023.
Các nhà lập pháp Mỹ đang phản ứng với nỗi lo của công chúng. Sự lan tràn của các video deepfake đã thúc đẩy Tổng chưởng lý Andrea Campbell bang Massachusetts lên tiếng cảnh báo những doanh nghiệp sử dụng chúng phải tuân thủ luật bảo vệ người tiêu dùng và quyền riêng tư dữ liệu.
Việc Amazon sử dụng hệ thống quét lòng bàn tay để thanh toán tại các cửa hàng Whole Foods đã làm dấy lên lo ngại của các chuyên gia an ninh mạng, tờ Fortune cho hay.
Ông Evan Greer, Giám đốc nhóm vận động quy định công nghệ Fight for the Future, nói với CNBC: “Khi bạn giao phó dữ liệu của mình cho một tổ chức tư nhân, bạn tin tưởng rằng công ty đó sẽ đảm bảo được an toàn cho dữ liệu. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, có lẽ bạn không nên làm vậy”.
Quảng bá thế nào mới đúng?
Do công chúng ngờ vực về AI, các thương hiệu sản xuất và quảng bá sản phẩm sử dụng AI sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai. Họ cần phải thuyết phục người tiêu dùng về lợi ích của AI trong một sản phẩm.
Giáo sư Gursoy chỉ ra: “Nhiều người đặt câu hỏi như sau: ‘Vì sao tôi cần AI trong máy pha cà phê của mình, hoặc trong tủ lạnh hay máy hút bụi?’”
Rắc rối là chưa công ty nào có chiến lược thành công trong lĩnh vực này. Ông Gursoy cho biết: “Các công ty chưa làm tốt việc truyền tải thông điệp đó. Họ cố giữ bí mật về việc phát triển AI. Tuy đó là điều có thể thông cảm được, người tiêu dùng cũng cần được biết rằng dữ liệu của họ an toàn”.
Để người tiêu dùng mua các mặt hàng được hỗ trợ bởi AI, trước tiên các thương hiệu cần xoa dịu những lo lắng xung quanh công nghệ này. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần nêu rõ lợi ích của sản phẩm nhờ có AI và tăng cường tính minh bạch về việc thu thập và sử dụng dữ liệu.
Giáo sư Gursoy nói tiếp: “Một số người sẽ không bao giờ mua các sản phẩm AI. Nhưng đối với phần đông còn lại, doanh nghiệp cần khéo léo thúc đẩy họ”.