Lỗ hơn 200 tỷ đồng, hãng vận tải biển đổ lỗi cho ngành gạo
Theo báo cáo tài chính quý IV/2016 vừa được Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (MCK: VNA) công bố, doanh thu thuần đạt 117 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận khoản lỗ 51 tỷ.
Lũy kế cả năm của VNA ghi nhận doanh thu 532 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lỗ hơn 205 tỷ, trong khi mức thu năm ngoái là 695 tỷ đồng và lỗ xấp xỉ 40 tỷ. Do khoản lỗ vượt quá số vốn điều lệ thực góp 200 tỷ đồng nên mới đây, cổ phiếu của công ty bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM liệt vào nhóm có nguy cơ hủy niêm yết.
Theo giải trình từ ban lãnh đạo Vinaship, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á trong năm qua giảm mạnh khiến thị trường truyền thống của công ty bị thu hẹp là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng.
Vinaship báo lỗ sau thuế liên tiếp 5 năm do thị trường vận tải biển bị cạnh tranh quyết liệt.
Doanh thu giảm mạnh còn xuất phát từ việc số lượng tàu tham gia vận tải nhiều trong khi hàng hóa khan hiếm, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt và làm cước vận tải giảm bình quân từ 30% đến 50% một chuyến. Đội tàu 10 chiếc phải chuyển hướng sang vận tải những mặt hàng có giá trị thấp như: clinker, đá vôi, than nội địa… Ngoài ra, hiệu suất chuyến cũng giảm do mật độ vận chuyển quá đông, gấp nhiều lần khả năng giải phóng của các cảng nên thời gian chờ bốc dỡ hàng hóa bị kéo dài.
Trong năm qua, công ty có 5 tàu lên đà sửa chữa lớn nhưng vì năng lực hạn chế của nhà máy, cộng thêm thời tiết ảnh hưởng xấu nên tiến độ chậm hơn dự kiến. Đến cuối quý IV/2016 vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữ cho tàu Mỹ Hưng và Vinaship Diamond.
Đại diện công ty cho biết thêm, giá nguyên liệu sau thời gian duy trì ở mức thấp đã tăng mạnh trở lại khiến doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng không nhỏ. Cụ thể, giá dầu FO cuối năm tăng 65,8% và DO tăng 91,1% so với thời điểm đầu năm.
Hoạt động kinh doanh của Vinaship bắt đầu lao dốc từ năm 2012 khi lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức âm 28,3 tỷ đồng. Khoản lỗ tăng liên tục qua các năm và năm qua là lần đầu tiên con số này vượt mức tổng vốn điều lệ.
Trong kế hoạch kinh doanh đề ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, các chỉ tiêu về sản lượng vận tải và doanh thu đều được cắt giảm còn khoảng 92%. Riêng lợi nhuận sau thuế, công ty không đặt chỉ tiêu cụ thể mà cho biết đang cố gắng tìm kiếm các hợp đồng dài hạn và tiếp tục cơ cấu nợ để giảm lỗ tối đa nhưng đến nay vẫn không thực hiện được.
Tính đến cuối năm 2016, tổng cộng tài sản công ty và vốn chủ sở hữu đều giảm hơn 100 tỷ đồng so với năm trước, lần lượt còn 948,2 và 77,4 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đại diện sở hữu 51% vốn Nhà nước.