Lỡ hẹn thoái vốn nghìn tỉ tại nhiều ‘ông lớn’ đầu ngành
Thoái vốn DNNN sinh lời 'khủng', bán 1 đồng thu về gần 9 đồng |
Theo Quyết định 1232 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020, Nhà nước thực hiện thoái khoảng 60.000 tỉ đồng vốn tại các doanh nghiệp. Trong đó năm 2017 thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm 2018 thoái 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái 62 doanh nghiệp, năm 2020 thoái 28 doanh nghiệp.
Kết quả đến ngày 22/11/2018, Nhà nước đã thoái được 5.067 tỉ đồng, thu về 10.499 tỉ đồng. Tổng nguồn tiền thu được từ việc bán vốn nhà nước chỉ bằng gần 7,6% kết quả của năm 2017. Trong đó, có 13 doanh nghiệp theo quyết định 1232, chiếm 7,2% kế hoạch.
Đáng chú ý, nhiều khoản thoái vốn tại các Tổng công ty, Tập đoàn khả năng cao sẽ không thể thực hiện trong năm 2018 như kế hoạch đưa ra.
Danh sách các các Tổng công ty, Tập đoàn chưa thoái vốn theo Quyết định 1232. Nguồn: Phan Quân tổng hợp |
Theo kế hoạch, Nhà nước dự kiến thoái 20% vốn cổ phần tại TCT Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (Mã: ACV) trong năm 2018 và 10,4% trong năm 2019. Sau thoái vốn, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ của công ty, thông qua Bộ Giao thông vận tải. Giá trị sổ sách của phần vốn dự kiến thoái tại ACV là 6.816 tỉ đồng.Xin hoãn, lùi thời hạn thoái vốn
Liên quan đến việc thoái 20% vốn điều lệ (tương đương giá trị sổ sách hơn 4.300 tỉ đồng) tại ACV, tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, Chủ tịch Lại Xuân Thanh cho hay, Chính phủ vẫn yêu cầu ACV xây dựng phương án thoái vốn, có thể thực hiện trong năm 2018 hoặc 2020, thoái một lần hoặc chia nhiều lần. Phía ACV cũng nghiêng về phương án chào bán đấu giá công khai, không bán cho cổ đông chiến lược.
Tuy nhiên, nếu theo phương án chào bán từng đợt vào năm 2018 và 2020, dường như kế hoạch thoái vốn tại ACV không thành công vì chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2018.
Tại một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đầu ngành khác, Nhà nước dự kiến thoái 24,86% vốn điều lệ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) với giá trị sổ sách của khoản vốn dự kiến thoái là 3.217 tỉ đồng. Sau thoái vốn, nhà nước nắm giữ 61% vốn điều lệ tại Petrolimex thông qua đại diện phần vốn là Bộ Công thương.
Tháng 7 năm nay, Petrolimex có văn bản báo cáo Bộ Công thương để xem xét báo cáo Thủ tướng về phương án thoái vốn. Theo đó, Petrolimex đề xuất phương án nâng tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 49%, đồng thời chậm thoái vốn đến năm 2019 – 2020, thay vì 2018 như kế hoạch.
Trước đề nghị của Petrolimex, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, Tập đoàn cần thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thoái vốn trong năm nay, vì thị trường chứng khoán vẫn đang phát triển tốt.
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một động thái rõ ràng cho thấy việc thoái vốn tại Petrolimex cho thể được thực hiện trong trong năm 2018.
Thoái vốn tại các tổng công ty, tập đoàn. Ảnh minh họa |
“Bặt vô âm tín” với kế hoạch thoái vốn
Trong năm 2018, Bộ Công thương cũng có kế hoạch thoái toàn bộ 53,48% vốn điều lệ tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT). Giá trị sổ sách của phần vốn dự kiến thoái là 2.674 tỉ đồng. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 tổ chức vào cuối tháng 6, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc thoái vốn, ông Lê Tiến Trường - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinatex cho biết, việc tổ chức thoái vốn của Vinatex sẽ do Bộ Công thương chủ trì.
Tới đây, nếu phần vốn Nhà nước được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước hoặc SCIC thì các đơn vị này sẽ đứng ra tổ chức thoái vốn. Ông nhấn mạnh thông tin chi tiết thuộc thẩm quyền của cơ quan sở hữu vốn Nhà nước nhưng có thể sẽ không thoái vốn trong giai đoạn này.
Cập nhật về tình hình thoái vốn tại Vinatex, cho đến thời điểm giữa tháng 11, vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào được đưa ra về phương án, hình thức chào bán cổ phần.
Một số doanh nghiệp khác cũng đang trong tình trạng “bặt vô âm tín” kế hoạch thoái vốn và nhiều khả năng sẽ lỡ hẹn với kế hoạch năm nay như tại TCT Thép Việt Nam - CTCP (Mã: TVN), TCT Dược Việt Nam - CTCP (Mã:DVN), TCT Máy và Thiết bị Công nghiệp – CTCP (Mã: MIE), TCT Xây dựng Hà Nội – CTCT (Mã: HAN)…
Thoái vốn không thành công vì giá chào bán cao
Trái với các trường hợp trên, Bộ Xây dựng không thành công trong việc thoái vốn cổ phần tại Tổng Công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC). Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, Bộ Xây dựng thực hiện thoái 17,97% vốn điều lệ tại Viglacera, giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 36%.
Phương án thoái vốn được Bộ Xây dựng đưa ra vào cuối tháng 5 là bán cổ phần với giá đặt lên là giá trần của ngày giao dịch nhưng tối thiểu là 26.100 đồng/cp và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.
Kết quả từ ngày 27/6 đến 21/7, không có cổ phiếu VGC nào được bán. Đáng chú ý, ngay trong ngày đầu tiên chào bán cổ phần là (28/6), cổ phiếu VGC giảm sàn từ 23.800 đồng/cp xuống 21.500 đồng/cp với 5,5 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm 2018 tổ chức ngày 29/6, đại diện Viglacera cho biết Bộ Xây dựng đã đặt lệnh bán ra nhưng áp lực bán quá mạnh đưa mức giá giảm sâu thấp hơn mức giá tối thiểu của Bộ yêu cầu là 26.100 đồng/cp.
Bên cạnh đó, đại diện Viglacera cho biết công ty sẽ xin gia hạn và báo cáo lên Bộ Xây dựng và quyết tâm hoàn thành việc thoái vốn đến đầu quý IV/2018.
Cập nhật đến thời điểm 22/11, chưa có thông tin nào cho thấy kế hoạch thoái vốn được tái khởi động. Như vậy, nhiều khả năng việc thoái vốn tại Viglacera sẽ không thể thực hiện được trong năm 2018 theo kế hoạch đưa ra.