Lộ diện công ty chuyên đầu tư năng lượng tái tạo huy động hàng nghìn tỉ trái phiếu
Huy động 1.480 tỉ đồng trái phiếu cuối tháng 8
Theo công bố từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 vừa công bố đã phát hành xong 2 lô trái phiếu tổng cộng 730 tỉ đồng vào ngày 26/8. Trong đó, lô trái phiếu có giá trị 300 tỉ đồng với kì hạn 3 năm còn lô trái phiếu có giá trị 430 tỉ đồng với kì hạn 10 năm.
Công ty Mỹ Sơn 1 được thành lập ngày 9/5/2018 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỉ đồng. Tuy nhiên tới ngày 3/1/2019, Mỹ Sơn 1 lại giảm vốn điều lệ về 50 tỉ đồng sau đó lại tăng vốn lên 410 tỉ đồng ngày 16/4/2020.
Công ty Hoàng Sơn nắm 96% vốn của Mỹ Sơn 1 bên cạnh CTCP BB Power Holdings sở hữu 4% vốn.
Mỹ Sơn 2 được thành lập ngày 9/10/2018 với vốn ban đầu là 360 tỉ đồng. Tương tự Mỹ Sơn 1 thì ngày 22/3/2019, Mỹ Sơn 2 cũng giảm vốn điều lệ xuống còn 40 tỉ đồng.
Tới ngày 21/11/2019, Mỹ Sơn 2 lại tăng vốn điều lệ lên 350 tỉ đồng. Trong đó CTCP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn 2 nắm 98,75% vốn bên cạnh BB Power Holdings sở hữu 1,25% vốn còn lại.
Ban đầu, hơn 97% cổ phần của Mỹ Sơn 2 do Công ty Hoàng Sơn sở hữu sau đó được chuyển sang cho Hoàng Sơn 2.
Cũng vào ngày 26/8, Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 cũng công bố đã phát hành xong 2 lô trái phiếu với giá trị tổng cộng 750 tỉ đồng.
Trong đó, lô trái phiếu có giá trị 380 tỉ đồng với kì hạn 6 năm còn lô trái phiếu phiếu 370 tỉ đồng có kì hạn 10 năm.
Toàn bộ trái phiếu của Mỹ Sơn 1 và 2 đều được trả lãi định kì 3 tháng một lần.
Công ty Mỹ Sơn 1 và 2 cùng là công ty con của CTCP Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn (gọi tắt là Công ty Hoàng Sơn) và cùng có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất điện.
Hai đơn vị trên đang vận hành dự án điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và 2 cùng được xây dựng trên vùng đất của xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và do Công ty Hoàng Sơn là chủ đầu tư.
Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 được xây dựng trên diện tích 80 ha, công suất là 50 MWP với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng.
Còn dự án điện mặt trời Mỹ Sơn 2 có công suất 50 MWP, diện tích xây dựng lên tới 60 ha với tổng mức đầu tư là 1.200 tỉ đồng. Hai dự án dự kiến vận hành đầu năm 2020.
Hoàng Sơn và tham vọng trong mảng năng lượng sạch
Về công ty mẹ của Mỹ Sơn 1 và 2, CTCP Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn được thành lập tháng 5/2017 tại tổ 1, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình.
Công ty có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất điện. Sau nhiều năm không tăng vốn thì ngày 23/7 vừa qua, Hoàng Sơn đã tăng vốn từ 270 tỉ lên 420 tỉ đồng.
Theo cơ cấu cổ đông cập nhật mới nhất ngày 8/8/2018 thì ông Nguyễn Thanh Thanh, Chủ tịch HĐQT là cổ đông lớn nhất nắm 84,7% vốn của Hoàng Sơn.
Ông Nguyễn Nam Chung, Tổng giám đốc chỉ sở hữu 13,3% vốn tại đây bên cạnh hai cá nhân khác là Phạm Văn Huyền và Trần Khắc Định cùng sở hữu 1% vốn.
Ông Nguyễn Cao Sơn, thành viên HĐQT từng là cổ đông lớn nhất nắm 82,22% vốn của Công ty Hoàng Sơn trước khi chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thanh Thanh vào ngày 20/12/2016.
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Cao Sơn còn được biết tới là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hòa Bình, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội và là đại biểu quốc hội khó XIII.
Theo số liệu của người viết, doanh thu thuần năm 2019 gần 489 tỉ đồng, lợi nhuận gộp hơn 81 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa tới 1,8 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, qui mô tổng tài sản của Công ty Hoàng Sơn là 1.528 tỉ đồng, trong đó tổng nợ phải trả gần 1.258 tỉ đồng. Nợ phải trả của Công ty Hoàng Sơn bắt đầu tăng mạnh từ năm 2017 khi cuối năm này con số nợ phải trả chỉ gần 837 tỉ đồng.
Không chỉ có tham vọng ở mảng điện mặt trời mà Hoàng Sơn còn rót vào cả điện gió và thuỷ điện.
Giữa tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện gió Chơ Long, dự án nhà máy điện gió Yang Trung. Tổng công suất 300 MW, tổng mức đầu tư lên tới 9.022 tỉ đồng.
Trong đó, dự án điện gió Yang Trung có công suất 145 MW với vốn đầu tư 4.403 tỉ đồng. Dự án điện gió Chơ Long có công suất 155MW với vốn đầu tư dự kiến 4.619 tỉ đồng. Cả hai dự án có tỉ lệ vốn góp của nhà đầu tư chiếm 20% còn lại là vay từ ngân hàng.
Hai dự án điện gió dự kiến khởi công từ đầu năm 2021 và sẽ đưa vận hành từ tháng 10/2021.
Ngoài ra, ở mảng năng lượng, Công ty Hoàng Sơn còn đầu tư vào các dự án thuỷ điện ở Hoà Bình gồm: Thuỷ điện Đồng Chum 2 (công suất 9 MW) với tổng vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng; thuỷ điện Suối Nhạp A (công suất 4 MW) với tổng vốn đầu tư hơn 76 tỉ đồng.
Dự án Đồng Chum2 đi vào hoạt động từ năm 2015 còn Suối Nhạp A là năm 2010.
Không chỉ phát triển mạnh ở lĩnh vực năng lượng mà Công ty Hoàng Sơn sở hữu loạt dự án với quĩ đất "khủng" ở tỉnh Hoà Bình như: Hoàng Sơn Plaza; Công viên Tuổi trẻ HB; Khu liên hiệp thể thao (3,5 ha, tổng vốn đầu tư 175 tỉ đồng; đô thị sinh thái Sơn Anh – Hoà Bình (150 ha, tổng vốn đầu tư 797 tỉ đồng); đô thị sinh thái Sông Đà – Hoà Bình (400 ha, tổng vốn đầu tư 1.781 tỉ đồng); khu đô thị Nam Quảng trường Hoà Bình (60 ha, tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng).
Cuối tháng 8, Công ty Hoàng Sơn đã được UBND tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Dự án có diện tích gần 146,6 ha với tổng vốn đầu tư 650 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty Hoàng Sơn còn sở hữu trung tâm chuyên phân phối vật liệu xây dựng tại Hoà Bình.