|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lo chủ nghĩa bảo hộ ảnh hưởng nông sản xuất khẩu

21:40 | 05/01/2017
Chia sẻ
Năm 2017, một trong những khó khăn của ngành nông nghiệp là phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng quay trở lại, đặc biệt là việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và sự kiện Brexit.
lo chu nghia bao ho anh huong nong san xuat khau
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trong năm nay - Ảnh: TL

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại buổi họp báo diễn ra sáng nay (5-1), diễn biến thương mại toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ, rõ nét nhất là chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của các nước đang quay trở lại, đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản. Trong đó, đối với Việt Nam, nước có tới trên 50% giá trị nông sản phụ thuộc vào xuất khẩu thì việc tăng cường bảo hộ nông sản của các nước sẽ ảnh hưởng lớn tới giá trị xuất khẩu cũng như tốc độ sản xuất nông nghiệp trong năm 2017.

Bên cạnh chủ nghĩa bảo hộ, các nước còn đang đầu tư rất mạnh vào nông nghiệp như một cách để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của mặt hàng nông sản nước họ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc vừa qua đã quyết định đầu tư 450 tỉ đô la Mỹ cho tái cơ cấu nông nghiệp; Thái Lan đầu tư riêng cho ngành gạo 1,5 tỉ đô la Mỹ để khắc phục khó khăn về thị trường, Myanmar cũng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp sau khi đổi mới.

Trở lại năm 2016, theo ông Cường, đây là một năm khó khăn, vất vả nhất đối với ngành nông nghiệp khi thiên tai xảy ra khốc liệt trên khắp mọi vùng miền của đất nước. Ước tính, thiệt hại do thiên tai cho nền kinh tế năm 2016 là 39.000 tỉ đồng, gấp ba lần mức thiệt hại bình quân của 5 năm qua. Bên cạnh thiên tai, sự cố môi trường biển xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung cũng khiến ngành nông nghiệp lao đao. Cũng vì thế, lần đầu tiên trong lịch sử, tăng trưởng ngành nông nghiệp sáu tháng đầu năm 2016 giảm 0,18%. Tuy nhiên, xét chung cả năm, nông nghiệp đã lấy lại được đà tăng trưởng, GDP tăng 1,36%, xuất khẩu đạt mức kỷ lục 32,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 1,7 tỉ đô la Mỹ so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ và vẫn duy trì được 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên.

Trong đó, một trong những mặt hàng nổi bật là tôm nước lợ với kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 3,2 tỉ đô la Mỹ. Thịt heo cũng đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay với khoảng trên 30 triệu con, trong đó đàn giống chiếm khoảng 10%. Cùng với đó, đến nay 200 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn có thể sản xuất tới 25 triệu tấn sản phẩm, đủ cung cấp cho ngành chăn nuôi.

Trong năm 2016, mặt hàng rau quả cũng có sự phát triển và gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đây là năm đầu tiên xuất khẩu rau quả vượt lúa gạo với 2,4 tỉ đô la Mỹ, trong khi lúa gạo chỉ đạt 1,9 tỉ đô la Mỹ. Nếu tập trung phát triển tốt lĩnh vực này thì trong thời gian ngắn kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể tăng lên 3 tỉ đô la Mỹ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm. Thứ nhất, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia là những sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên và thịt heo. Thứ hai, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, thành phố. Thứ ba, nhóm sản phẩm vùng, miền là những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”.

“Ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu tốc độ phát triển nông nghiệp năm 2017 tăng 2,5-2,8% và mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 32,5 tỉ đô la Mỹ đến 32,8 tỉ đô la Mỹ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Sẽ chính thức cấm sử dụng chất Cysteamine trong tháng 1

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục đã đề xuất và sẽ chính thức cấm sử dụng chất Cysteamine, một chất có tác dụng như Salbutamol (chất tạo nạc trong chăn nuôi) trong tháng 1 này. Theo ông Vân, đây là chất mới, mặc dù là chất nội sinh nhưng một số cơ sở vẫn sử dụng.

Hiện nay, chưa có kết luận chính thức về việc chất này có độc hại hay có khả năng sinh trưởng, tạo nạc hay không. Tuy nhiên, khi thanh tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện một số cơ sở sử dụng. “Sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia, Bộ NN&PTNT đã chính thức đề xuất và trong tháng 1 sẽ chính thức ban hành, đưa Cysteamine vào danh mục cấm như chất vàng O, Salbutamol. Chất cấm sẽ bị điều chỉnh bằng hành vi vi phạm pháp luật”, ông Vân nói.

Thùy Dung