|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lĩnh vực tiền mã hoá học được gì từ vụ 'sụp đổ' của các ngân hàng truyền thống?

08:30 | 19/03/2023
Chia sẻ
Nếu nghiêm túc, toàn bộ lĩnh vực tiền số có thể học hỏi được khá nhiều từ cách thất bại của ngân hàng truyền thống, đặc biệt là trong nỗ lực kiểm soát, quản lý giao dịch và quản trị rủi to.

Eric Sumner, Giám đốc nội dung tại ReBlonde, một công ty PR công nghệ chuyên về blockchain và Web3, đã có những phân tích và đánh giá khách quan về triển vọng tiền điện tử trong mối tương quan với loạt sự kiện gần đây, Coindesk đưa tin.

Theo ông, một số nhà điều hành ngành công nghiệp tiền số sẽ chỉ ra những thất bại của Silicon Valley Bank, Silvergate Capital và Signature Bank như một bằng chứng nữa cho thấy các tổ chức tài chính truyền thống (TradFi) không hiệu quả và không đáng tin cậy.

Các vụ đóng cửa ngân hàng là bài học cho tiền số

Nhiều người chơi bitcoin thường bày tỏ quan điểm rằng lưu trữ tiền mã hoá trong ví là cách hiệu quả để họ tránh các rủi ro, nỗi sợ hãi về tài chính. Xu hướng đó thúc đẩy quan điểm rằng các ngân hàng không có gì để cung cấp cho ngành công nghiệp tiền điện tử về cơ sở hạ tầng, cơ chế đánh giá rủi ro và tuân thủ quy định.

Ý tưởng rằng Silicon Valley Bank (SVB) đóng cửa cho thấy tiền số “an toàn hơn” là một quan điểm tương đối phiếm diện – ví lưu trữ tiền số trên thực tế khó có thể thay thế được cho ngân hàng.

Toàn bộ ngành công nghiệp tiền số cần chú trọng vào quy định, chính sách và minh bạch nếu muốn phát triển lâu dài. (Nguồn: The Telegraph).

Thực tế là SVB dường như đã quá lạc quan vào động thái của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) do không dư đoán được mức lãi suất bị thúc đẩy bởi lạm phát vào thời điểm mua trái phiếu chính phủ. Điều đó dẫn đến một cuộc tháo chạy ngân hàng quy mô lớn sẽ có tác động lan tỏa trong toàn bộ ngành công nghệ, nhưng hiện tại điều đó không có nghĩa là SVB đã làm sai.

Trường hợp của SVB hoàn toàn trái ngược với công ty tiền số FTX – FTX đã sử dụng các quỹ của nhà đầu tư ngay lập tức nhưng không thông báo, sau đó làm mất tất cả tiền của khách hàng. Điều tương tự cũng xảy ra với Celsius Network và vô số công ty tiền điện tử khác.

Nhiệm vụ của tiền số với tư cách là một ngành công nghiệp là cung cấp một bối cảnh tài chính thay thế để có thêm tùy chọn cho khách hàng, tránh được các rủi ro, sai lầm của ngân hàng truyền thống.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, có quá nhiều người sáng lập các công ty tiền điện tử đang sao chép các lỗi của TradFi vì họ từ chối học các bài học mà ngân hàng đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ.

Đầu tiên, hầu hết các nhà lãnh đạo tiền số đều tạo dựng công ty với nền tảng công nghệ thay vì tài chính và không dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu lịch sử tài chính. Quá say mê với vẻ đẹp của công nghệ blockchain, những người sáng lập như vậy quên rằng từ xưa đến nay, ngân hàng thực sự làm khá tốt những gì họ làm.

Các ngân hàng xuất sắc trong việc thực hiện những nhiệm vụ như tận dụng tài sản và đánh giá rủi ro, đồng thời đảm bảo minh bạch về hoạt động vay và cho vay.

Do vậy, thay vì tạo lại toàn bộ hệ sinh thái tài chính từ đầu, các dự án tiền số nên xây dựng dựa trên những điều mà các ngân hàng đã làm tốt. Từ đó, họ có thể xác định chính xác các vấn đề và tập trung giải quyết chúng.

Những quy định về tiền mã hoá đang có hiệu lực

Một số người sáng lập công ty tiền số cũng bỏ lỡ thực tế là quy định của chính phủ có thực sự mang lại hiệu quả. Một trong những chủ đề chính của cải cách tài chính dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Obama là Đạo luật Dodd-Frank, nỗ lực hạn chế khả năng chấp nhận rủi ro của các ngân hàng khi sử dụng tiền công.

Theo một cuộc khảo sát của Grant Thornton, trong khi vẫn còn tranh luận về hiệu quả tổng thể của cuộc cải cách Phố Wall, các nhà lãnh đạo ngành đều đồng ý rằng các yêu cầu về vốn và các bài kiểm tra căng thẳng đều có hiệu quả lâu dài.

Việc giới thiệu một số tính năng và sản phẩm blockchain nhất định đưa ra các câu hỏi về quy định dành riêng cho tiền điện tử, chẳng hạn như cách phân loại các loại tài sản kỹ thuật số khác nhau và cách giải quyết vấn đề về ví lưu trữ.

Cách tiếp cận khái niệm để điều chỉnh tiền số đã tồn tại trong các luật như Dodd-Frank. Bên cạnh đó, cũng giống như không cần phải phát minh lại các phương thức TradFi đã hoạt động, nên không cần phải bắt đầu ý tưởng quản lý lại tiền số từ đầu.

Có một số ít các quy tắc để ngăn chặn các giao dịch lừa đảo, không minh bạch nhưng điều đáng nói là những công ty tiền điện tử không phải lúc nào cũng tuân thủ.

Vào tháng trước, SEC đã công bố rằng họ đang xem xét đề xuất tác động những đơn vị giám sát tiền điện tử để ngăn chặn hành vi chơi xấu.

Chủ tịch Gary Gensler thậm chí còn sử dụng ví dụ về Bernie Madoff và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để biện minh cho động thái mới. Thế hệ tiếp theo của các nhà lãnh đạo tiền số nên hoan nghênh đề xuất đó và có cách tiếp cận thực sự đối với quy trình điều tiết.

Tiền điện tử đã tự coi mình là giải pháp thay thế cho TradFi, nhưng có quá nhiều nền tảng dường như đang xây dựng các sản phẩm nhái TradFi mà không tuân thủ các quy tắc. Nếu những người sáng lập có thể bắt đầu bằng cách giải quyết vấn đề đó, thì có lẽ tiền số sẽ bắt đầu vươn lên được vị thế cạnh tranh với ngân hàng truyền thống.

Thu Phương