|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lĩnh vực kinh doanh mới nở rộ ở Trung Quốc: Các sản phẩm phục vụ người cao tuổi

15:19 | 24/12/2023
Chia sẻ
Các công ty nội địa và doanh nghiệp đa quốc gia đang thay đổi sản phẩm và chiến lược marketing để lấy lòng người lớn tuổi Trung Quốc.

Người đã về hưu có nhiều thời gian đi du lịch hơn người đang đi làm. (Ảnh minh hoạ: Reuters). 

Thay đổi theo khách hàng

Các doanh nghiệp đang bắt đầu quan tâm tới một nhóm khách hàng tiềm năng ở Trung Quốc: những người cao tuổi. Dân số Trung Quốc đang già hoá nhanh hơn nhiều các quốc gia đang phát triển khác và nước này hiện có số người cao tuổi lớn nhất thế giới.

Trong số 1,412 tỷ dân, Trung Quốc đã có hơn 280 triệu người ở độ tuổi trên 60. Cùng lúc đó, tỷ suất sinh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang sụt giảm nhanh chóng.

Số lượng người lớn tuổi ngày càng tăng đang thúc đẩy các công ty trong nước và doanh nghiệp đa quốc gia đánh giá lại cơ hội tăng trưởng dài hạn ở Trung Quốc. Không ít doanh nghiệp đã thay đổi sản phẩm và chiến lược tiếp thị để thu hút những khách hàng tiềm năng này, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết. 

Những công ty trước đây tập trung vào trẻ sơ sinh giờ lại nhắm đến người cao tuổi. Doanh nghiệp công nghệ thiết kế ứng dụng điện thoại phù hợp hơn với người dùng lớn tuổi, công ty bán lẻ trực tuyến giới thiệu nhiều người cao tuổi trong quảng cáo hơn.

Phục vụ cho du khách lớn tuổi trở thành nguồn thu lớn của các công ty lữ hành sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Các video dạy nhảy dành cho người cao tuổi cũng thu hút được đông đảo khán giả.

Ông Colin Liang, trưởng bộ phận nghiên cứu về thị trường Trung Quốc tại công ty quản lý tài sản Redwheel, bình luận: “Mô hình tiêu dùng sẽ thay đổi. Xu hướng này không thể bị đảo ngược”.

 

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số của Trung Quốc hiện nay là gần 20% và sẽ tăng lên 28% vào năm 2040. Tỷ suất sinh năm 2022 là 1,09, thấp hơn cả số liệu của Nhật Bản là 1,26. Tỷ suất sinh cho biết số con mà một người phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời.

Một số công ty đa quốc gia đã nhận thấy áp lực từ sự thay đổi nhân khẩu học tại Trung Quốc.

Kao, hãng chăm sóc cá nhân khổng lồ của Nhật Bản, đã ngừng sản xuất tã lót dùng một lần ở Trung Quốc vào mùa hè vừa qua.

Gã khổng lồ thực phẩm và đồ uống Nestlé thông báo vào tháng 10 rằng họ sẽ đóng một nhà máy sản xuất sữa cho trẻ sơ sinh ở Ireland. Nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang châu Á.

ÔNg Ulf Mark Schneider, CEO Nestlé, giải thích: “Rõ ràng, tỷ suất sinh trên khắp thế giới đang giảm và tỷ lệ sinh ở Trung Quốc rất thấp. Nhu cầu của thế giới ngày nay không còn như trước nữa”.

Tháng trước, công ty thực phẩm Pháp Danone đã cho ra nhãn hiệu Fortimel chuyên về các sản phẩm dinh dưỡng y tế dành cho người lớn tại thị trường Trung Quốc. Các loại đồ uống đóng chai mới của hãng nhắm đến những bệnh nhân vừa xuất viện và đang hồi phục sau phẫu thuật, ung thư hoặc đột quỵ.

Theo Danone, việc dân số của Trung Quốc ngày càng già hoá và những người mắc bệnh mãn tính trên đà tăng là động lực để họ thực hiện chiến lược mới. Đồng thời, Danone còn cho biết thêm rằng họ đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về thói quen ăn uống và sở thích về khẩu vị của các bệnh nhân Trung Quốc.

Thách thức và giải pháp

Một trong những thách thức mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt là người về hưu thường có sức mua yếu hơn người đi làm. Nhiều người sống dựa vào tiền lương hưu và phần lớn tài sản của họ gắn chặt với bất động sản, trong khi giá nhà ở Trung Quốc đang sụt giảm. Điều này nhiều khả năng sẽ khiến họ chọn lọc kỹ càng hơn về những gì nên mua.

Ông Hoaxin Mu, nhà kinh tế tại ngân hàng Natixis, nhận xét: “Người lớn tuổi không mua iPhone hay xe điện. Có thể họ sẽ chuyển từ chi tiêu cho hàng hóa sản xuất sang dịch vụ”.

Yum China, công ty vận hành hàng nghìn quán KFC, Pizza Hut và Taco Belt ở Trung Quốc, đang điều chỉnh menu để thu hút khách hàng lớn tuổi hơn.

Ông Warton Wang, Giám đốc KFC ở Trung Quốc, nói với các nhà đầu tư gần đây: “Miễn là chúng tôi chọn đúng món ăn và đúng cách marketing, nhóm khách hàng lớn tuổi sẽ tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng công ty”.

WeChat, ứng dụng nhắn tin của gã khổng lồ internet Tencent và Taobao, nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba, đều có các phiên bản ứng dụng với phông chữ được phóng to và nút bấm lớn hơn thông thường. Người dùng WeChat còn có thể bấm chọn để tin nhắn được đọc to thành tiếng.

Mạng xã hội Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, có “chế độ dành cho người cao tuổi” với phông chữ lớn hơn, nút rõ ràng hơn và độ tương phản màu sắc mạnh hơn. Douyin cũng thiết lập đường dây nóng phục vụ khách hàng để dạy người lớn tuổi cách dùng điện thoại di động, bảo vệ bản thân trước các trò lừa đảo và trả lời những thắc mắc của họ về việc lướt mạng.

Bà Ashley Dudarenok, nhà phân tích marketing ở Trung Quốc, cho biết người cao tuổi ở Trung Quốc thường dậy sớm từ lúc 5 giờ sáng và xem các video ngắn để giải trí. Bà nói tiếp: “Nhiều người lớn tuổi giết thời gian bằng video, một phần bởi họ cô đơn”.

Bà Dudarenok nói rằng thế hệ người cao tuổi cũng đang thúc đẩy sự bùng nổ của của ngành du lịch nội địa vì họ có nhiều thời gian đi chơi hơn người đang đi làm.

New Oriental Education & Technology gần đây đã thành lập bộ phận kinh doanh mới chuyên tổ chức các chuyến tham quan theo chủ đề văn hóa ở Trung Quốc cho người trung niên và người lớn tuổi. Giá cổ phiếu New Oriental ở New York tăng mạnh trong năm nay.

Giang