Liệu Pháp và Hà Lan có cứu được Air France-KLM?
Sau khi chính phủ nhiều nước có kế hoạch rót tiền để giữ cho các thương hiệu vận tải hàng không của mình tiếp tục tồn tại, thì nay đến lượt Pháp và Hà Lan đang phải phối hợp để cứu cho hãng Air France-KLM khỏi bị sụp đổ.
Giống như Lufthansa và các hãng hàng không chính của Mỹ, Air France-KLM sẽ được hưởng khoản viện trợ tài chính khổng lồ từ Pháp và Hà Lan để vượt qua khủng hoảng. Từ nhiều tuần qua, Pháp và Hà Lan vẫn tiếp tục các cuộc thảo luận về khoản tài chính này.
Nhiều khả năng Pháp và Hà Lan sẽ sớm công bố các khoản vay được chính phủ hai nước bảo đảm để cấp cho Air France-KLM với tổng số tiền là 6 tỷ euro, trong đó 4 tỷ euro là của Pháp.
Dự kiến, một số ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thanh khoản dưới dạng các khoản vay được hai quốc gia bảo đảm.
Bên cạnh đó, Pháp và Hà Lan cũng đã từng xem xét một số giải pháp khác, bao gồm cả việc bơm vốn trực tiếp thông qua phát hành cổ phiếu mới, cũng như trái phiếu chuyển đổi.
Giả thuyết về việc bơm vốn này vẫn có thể được thực hiện trong trung hạn, bao gồm cả khả năng quốc hữu hóa tạm thời Air France-KLM giống như lời Thủ tướng Pháp Edouard Philippe từng đề cập trước đó.
Chính phủ Pháp và Hà Lan, mỗi bên đang nắm giữ 14% vốn của Air France-KLM, dường như muốn gác lại những bất đồng lâu nay sang một bên để tìm kiếm tiếng nói chung liên quan đến việc phải hỗ trợ cho Air France-KLM bằng mọi cách.
Tuy nhiên, việc bơm vốn cho Air France-KLM cũng sẽ cần một khoảng thời gian chuẩn bị trong vài tháng.
Ngay cả khi Air France-KLM vốn không bị đe dọa nhiều như một số hãng khác, thì với khoảng 6,1 tỷ euro tiền mặt có sẵn từ giữa tháng Ba, tập đoàn cũng sẽ rất cần tiền mặt để đối phó với ít nhất hai tháng doanh thu gần như bằng không.
Ngoại trừ các chuyến bay chở hàng và các chuyến bay hồi hương, Air France-KLM đã cắt giảm 95% các chuyến bay và 180 máy bay trên tổng số 220 chiếc phải ngừng hoạt động kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Việc cắt giảm 80% nhân viên trong thời gian ngắn đã giúp hãng giảm gần như hoàn toàn hạng mục chi phí cố định đầu tiên, đó là tiền lương.
Tuy nhiên, giống như tất cả các hãng hàng không khác, Air France-KLM tiếp tục phải chịu các khoản chi phí thuê máy bay trong khoảng một nửa đội bay, bảo hiểm, bảo dưỡng máy bay và một số chi phí cố định khác như hoàn trả các khoản nợ vốn chiếm khoảng 50% chi phí hoạt động của hãng.
Tổng cộng, Air France-KLM có thể sẽ phải chi từ 1 tỷ euro đến 2 tỷ euro mỗi tháng để tiếp tục hoạt động cầm chừng và sẵn sàng cho sự phục hồi.
Tuy nhiên, khoản tiền này gần bằng khoản thiếu hụt hàng tháng hiện nay mặc dù tháng Tư là khoảng thời gian hoạt động hàng không cao điểm và hoạt động đặt chỗ cho tháng tiếp theo đã giảm xuống bằng không.
Ngoài ra, sớm hay muộn Air France-KLM cũng sẽ phải bồi thường cho hàng nghìn hành khách đã bị hủy chuyến bay trong thời gian qua.
Như vậy, những khoản tín dụng bổ sung sắp tới sẽ cho phép Air France-KLM ứng phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế kéo dài, đồng thời tiếp tục thanh toán cho các khoản chi đến hạn cũng như đổi mới đội bay.
Ngoài ra, khoản tín dụng vay bổ sung 6 tỷ euro trên sẽ đưa Air France-KLM lên ngang tầm với các đối thủ quốc tế lớn khác, vốn cũng được hưởng các khoản hỗ trợ tài chính lớn từ chính phủ các nước khác.
Chẳng hạn như mỗi hãng hàng không lớn của Mỹ đều nhận được hỗ trợ khoản vay từ 10 tỷ USD (9,25 tỷ euro) đến 12 tỷ USD.
Hãng Singapore Airlines cũng nhận được khoản tín dụng tương đương. Còn hãng Lufthansa cũng có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính từ một khoản vay trị giá tới 11 tỷ euro.