|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Liều lĩnh rao bán đất của người khác

08:46 | 24/07/2018
Chia sẻ
Không chỉ phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp, nhiều đối tượng còn phân lô, bán nền trên đất quy hoạch, thậm chí rao bán cả đất của người khác.
lieu linh rao ban dat cua nguoi khac Cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo, rao bán đất nền trái phép tại huyện Hóc Môn, TP HCM

Sau thời gian tạm lắng, tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp lại rộ lên ở các quận, huyện vùng ven TP HCM, với thủ đoạn liều lĩnh hơn. Đáng nói là những đối tượng phân lô, bán nền đang hoạt động bất chấp những đợt kiểm tra của lực lượng chức năng từ phường, xã tới quận, huyện. Cuộc sống của người dân ở những nơi mà đối tượng phân lô, bán nền kiểu lừa đảo hoạt động theo đó hoàn toàn bị xáo trộn.

Trắng trợn gài bẫy

Theo cư dân ở đối diện UBND phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP HCM), cách đây không lâu, toàn bộ cư dân khu này bất ngờ khi thấy một nhóm người đến phát tờ rơi, quảng cáo "hô biến" khu đất gần nhà họ thành dự án Royal Gold Land với nền, lô như có thật để rao bán. Quá bất ngờ, người dân gọi báo chính quyền vì ở đây ai cũng biết khu đất này theo quy hoạch được duyệt từ năm 2008 thuộc diện đất quy hoạch cây xanh. Sau đó, chính quyền đã mời khoảng 20 đối tượng lên làm việc và nhắc nhở (vì lúc này họ chưa lừa bán được cho ai).

Sau khi nhắc nhở những đối tượng làm liều, chính quyền quận 12 và phường Đông Hưng thuận đã treo băng-rôn cảnh báo tại khu đất nhằm chặn tay những kẻ có ý đồ lừa gạt. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, thỉnh thoảng vẫn có những đối tượng dẫn khách đến chỉ trỏ vào khu đất theo kiểu mình làm chủ. Khi khách mua thấy băng-rôn cảnh báo của chính quyền, hỏi ngược lại thì những kẻ môi giới lại nói chính quyền "hù" chứ họ không có lừa gạt ai (?!).

lieu linh rao ban dat cua nguoi khac
Dù chính quyền đã treo băng-rôn cảnh báo ngay trên lô đất nhưng những đối tượng lừa đảo vẫn cố giăng bẫy người tìm mua. (Ảnh: Phạm Dũng)

"Chính vì thế mà thỉnh thoảng tôi lại tiếp một vị khách không mời hỏi về pháp lý lô đất. Nghe ra, khách lại ngao ngán lắc đầu" - bà H., cư dân gần khu đất, nói và cho hay chủ đất thực sự không hề rao bán đất.

Tương tự, một khu đất trên đường Dương Thị Mười (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) cũng bị một nhóm người lạ mặt rao bán công khai trên mạng internet với số tiền hàng chục triệu đồng mỗi mét vuông. Ngỡ đây đã là khu được phân lô rất đẹp, bởi giá khá cao nhưng khi xuống thực địa, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ bởi khu đất rộng hàng ngàn mét vuông này cỏ mọc um tùm. Đổi lại cho sự thất vọng của chúng tôi, nam thanh niên xưng là một trong những ông chủ của lô đất trấn an: "Thủ tục xong hết rồi anh. Chỉ cần đặt cọc giữ chỗ là vài tháng sau, anh thấy lô đất của anh đẹp như mơ liền".

Sáng "chủ đất" khẳng định vậy, chiều hỏi lại cư dân lân cận cùng chính quyền sở tại thì được xác tín đó là chiêu trò của những kẻ lừa đảo nhằm trục lợi tiền đặt cọc của khách hàng dính bẫy. Bởi đây là khu đất nằm trong quy hoạch công trình công cộng và một phần là hành lang an toàn lưới điện. Đặc biệt, chính quyền địa phương còn khẳng định chưa có cơ quan chức năng nào phê duyệt hoặc thỏa thuận cho bất kỳ dự án nào tồn tại trên khu đất này.

"Trước thực trạng trên, chúng tôi đã phát thông báo rộng rãi để cảnh báo người dân tránh bị lừa" - lãnh đạo UBND phường Tân Chánh Hiệp thông tin.

Tình trạng chính quyền ra sức ngăn chặn lừa đảo phân lô, bán nền còn kẻ lừa đảo xem việc ngăn chặn của chính quyền là chuyện "nhỏ" còn diễn ra ở cả Củ Chi, Bình Chánh và Thủ Đức. Cụ thể, ở xã Bình Mỹ và một số xã khác trên địa bàn huyện Củ Chi đang xảy ra tình trạng nhiều người ngang nhiên rao bán đất nền ở những khu đất được huyện Củ Chi chấp thuận đầu tư hạ tầng, cấm mua bán.

Từ đây, câu hỏi được đặt ra là chẳng lẽ các cơ quan chức năng bó tay với những kẻ âm mưu lừa đảo theo hình thức trên?

Có dấu hiệu tội lừa đảo

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, khẳng định việc bán "đất ảo" của dự án Royal Gold Land nay đã không còn (?!). Còn đối với khu đất trên đường Dương Thị Mười, ông Đức cho biết sau khi nhận phản ánh của Báo Người Lao Động, quận đã yêu cầu phường đi kiểm tra. Khi đến hiện trường có thấy dán một số thông báo rao bán đất. Lần theo thông tin trên thông báo, cán bộ phường đã gọi điện để xác định người đứng đằng sau những thông báo này là ai nhưng không ai nghe máy, sau đó không liên lạc được số điện thoại trên nữa (!). Theo ông Đức, hiện nay ra thực địa thì thấy người dân đang sử dụng bình thường, không có dấu hiệu san lấp đất hay phân lô, đóng cọc. Chính quyền đã đăng tải thông tin trên Facebook của phường, thông tin đến tổ dân phố, khu phố để người dân nắm thông tin, cảnh giác với những sự việc lừa đảo.

Để ngăn chặn những tình trạng trên tái diễn, ông Đức nói sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân; chính quyền tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý theo quy hoạch. "Khi phát hiện sẽ nhanh chóng xử lý lập biên bản, mời lên làm việc để răn đe. Cái nào đủ yếu tố hình sự thì chuyển cơ quan chức năng" - ông Đức khẳng định.

Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Củ Chi, thừa nhận ở địa phương có diễn ra tình trạng trên. Cách xử lý của huyện hiện tại là tăng cường kiểm tra, xử lý việc rao bán, tiếp thị của các đơn vị môi giới. "Khi hỏi những người tiếp thị thì được trả lời là có người khác nhờ đứng bán. UBND huyện cũng đã mời làm việc, lập biên bản cam kết không vi phạm. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm" - ông Bình nói.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, nếu dự án của pháp nhân thì phải tuân theo quy định về Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Chỉ sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, dự án được cơ quan quản lý cho phép bán thì pháp nhân mới được bán. Nếu bán khi chưa có đủ điều kiện thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính tùy theo mức độ vi phạm. Pháp luật hình sự hiện không xử lý pháp nhân trong trường hợp này. "Kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên nếu vi phạm thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền không cho phép tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản" - ông Hậu phân tích.

Tuy nhiên, ở trường hợp công ty bất động sản tự ý lập "dự án ma", rao bán cho người mua thì tùy theo số tiền thu được đó thu về cho pháp nhân hay cho các cá nhân trong pháp nhân đó mà xử lý. Nếu các cá nhân trong pháp nhân kinh doanh bất động sản chỉ mượn danh nghĩa công ty để kiếm lợi thì có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của người mua đất dự án "ma". Tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự: Hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến chung thân, phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phạm Dũng - Phan Anh - Trường Hoàng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.