Liệu ECB có ngừng chương trình mua trái phiếu chính phủ?
Biểu tượng ECB bên ngoài trụ sở tại Frankfurt, Đức. Nguồn: Martin Leissl/Bloomberg |
Từ tháng 3/2015, ECB bắt đầu mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp với số lượng lớn, khoảng 60 tỷ euro/tháng. Mục tiêu của chương trình này, thường được giới chuyên gia ngân hàng và kinh tế gọi là “nới lỏng định lượng” (Quantitative Easing – QE), là kích thích lạm phát và tăng trưởng trong khu vực eurozone.
Giới chuyên gia Đức chỉ trích QE là cách không chính thức mà ECB áp dụng để hỗ trợ tài chính cho chính phủ các nước châu Âu. QE đã đi ngược lại Hiệp ước Maastricht được ký kết vào năm 1992, trong đó có các quy định về điều hành liên minh tiền tệ châu Âu.
Một số khác lại lên tiếng chỉ trích Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức (FCC) có trụ sở tại thành phố Karlsruhe và yêu cầu tòa hủy chương trình mua trái phiếu chính phủ của ECB. Tuy nhiên, cả FCC và Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) đều đứng về phía ECB, dẫn điều khoản rằng ủy ban tiền tệ buộc phải tuân thủ giới hạn tự đặt ra và chỉ ra rằng ECB không được phép mua hơn 1/3 trái phiếu chính phủ mỗi nước để không trở thành chủ nợ chính của các quốc gia khu vực eurozone.
Giới hạn 1/3 này đang đến rất gần, nếu ECB tiếp tục mua trái phiếu chính phủ với tốc độ hiện tại, có khả năng ngân hàng này sẽ sở hữu hơn 1/3 trái phiếu chính phủ Đức vào mùa hè 2018.
“Đó là lý do trong cuộc họp vào thứ Năm (26/10), ECB có thể sẽ không thảo luận về việc có hạn chế mua trái phiếu chính phủ trong năm tới hay không và ở mức độ nào”, ông Jörg Krämer, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Commerzbank, viết trong bài phân tích vừa được công bố.
“Chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ quyết định dứt khoát về việc hạn chế mua trái phiếu chính phủ và ngân sách mua sẽ giảm còn 20 tỷ euro/tháng”, theo ông Uve Burkert, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng LBBW của Đức. Dự báo lạc quan này dựa trên 2 yếu tố. “Thứ nhất, tình hình chính trị đang khá ổn định, và thứ hai, tăng trưởng kinh tế trong khu vực eurozone rất khả quan. Vì thế, ECB không cần lo ngại về một cuộc suy thoái tại bất kỳ quốc gia nào”, ông Burkert cho biết trong một buổi phỏng vấn với kênh truyền hình DW của Đức.
Jens Krämer, chuyên gia phân tích của ngân hàng Nord LB, cũng đồng tình với quan điểm trên. Tuy nhiên, ông hy vọng ngân sách mua trái phiếu chính phủ của ECB sẽ ít hơn, còn khoảng 30 tỷ euro/tháng, bằng một nửa con số hiện nay, vào tháng 1/2018.
Theo ông Krämer, từ giữa năm sau, ECB có thể cắt giảm ngân sách mua trái phiếu chính phủ xuống còn 10 tỷ euro/tháng. “Khi đó sẽ không còn ai gặp khó xử, thị trường sẽ có thời gian để thích nghi khi ECB chấm dứt chương trình QE vào mùa thu năm sau”.
Ông Uwe Burkert cho rằng các quốc gia Nam Âu, bên hưởng lợi chính từ chương trình QE, sẽ không phản ứng mạnh với động thái trên của ECB. “Nếu ECB cho thị trường thấy rằng tình hình đang đủ ổn định để nói lời tạm biệt với chương trình mua trái phiếu chính phủ thì các tổ chức tài chính tư nhân có thể quay trở lại thị trường trái phiếu châu Âu với tâm lý lạc quan hơn và sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ các nước Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha”, ông Burkert nói với DW.
Thật ra tình hình kinh tế ba quốc gia Nam Âu này đang khá ổn định. Hy Lạp dường như đã vượt qua giai đoạn suy thoái và đang hướng đến lần tăng tổng giá trị sản xuất (GO) đầu tiên trong gần một thập kỷ qua. Có ý kiến cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB cuối cùng cũng phát huy tác dụng và một trong hai mục tiêu của chương trình mua trái phiếu chính phủ cũng đã đạt được.
Tình trạng đồng euro mạnh lên so với đồng USD thời gian gần đây đã khiến ngân hàng trung ương các quốc gia châu Âu đau đầu, bởi việc này có thể khiến tình hình xuất khẩu của các nước gặp khó khăn cũng như hủy hoại các thành quả kinh tế vốn còn khá khiêm tốn. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ làm tăng lãi suất khu vực eurozone càng khiến đồng euro mạnh hơn so với USD. Có ý kiến cho rằng điều này có thể khiến ECB thận trọng hơn trong việc cắt giảm ngân sách mua trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, ông Uwe Burkert không đồng tình với ý kiến trên. Thứ nhất, tỷ giá hiện tại giữa đồng euro và USD chưa tăng đến mức báo động. Thứ hai, đồng USD cũng có thể mạnh lên. “Nếu Mỹ cải cách thuế, tôi nghĩ chính phủ của ông Trump có thể làm được điều này, thì tỷ giá đồng euro và USD sẽ cân bằng trở lại”.
Điều này đồng nghĩa với việc Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, đồng thời giữ cho đồng euro không tăng quá giới hạn cho phép.
Theo một nghiên cứu của Commerzbank, vấn đề nghiêm trọng nhất mà khu vực eurozone đang đối mặt - tình trạng nợ nần của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình - không chỉ chưa được giải quyết mà còn trầm trọng hơn trong những năm gần đây.
Điều này có nghĩa cuộc khủng hoảng trong khu vực eurozone có thể quay lại bất cứ lúc nào và cho dù ECB có cắt giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ thì nguy cơ vẫn luôn rình rập và sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào.