Liệu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ có xáo trộn sau khi Elon Musk thâu tóm Twitter?
Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Khoảng 20 nhân viên tại nhiều mảng khác của Twitter đã tình nguyện giúp nhóm phụ trách bầu cử thực thi các chính sách liên quan tại thời điểm trọng yếu của nền chính trị Mỹ.
Trong các buổi đào tạo về sự cố truyền thông tuần này, các tình nguyện viên đã được chỉ cách phát hiện thông tin sai lệch về bầu cử, phát hiện các bot tuyên truyền và đánh dấu các bài viết có dấu hiệu vi phạm quy định của Twitter.
Kể từ năm 2018, Twitter đã huy động tình nguyện viên cho các cuộc bầu cử lớn theo cách này.
Nguyên nhân là bởi những người kiểm duyệt nội dung luôn rơi vào tình trạng quá tải trong một tuần trước và sau cuộc bỏ phiếu để gạn lọc thông tin sai sự thật, các chiến dịch tranh cử không lành mạnh và sự can thiệp của nước ngoài.
Tuy nhiên, trong kỳ bầu cử năm nay, Twitter đang gặp rắc rối lớn hơn bao giờ hết. Các tổ chức chính trị xấu có thể lợi dụng mạng xã hội này để đánh lừa cử tri hoặc làm suy yếu tính hợp pháp của kết quả.
Một năm sóng gió của Twitter
Twitter đã cố gắng vượt qua một năm hỗn loạn sau khi bị xáo trộn đội ngũ quản lý - bao gồm CEO; chứng kiến hàng trăm nhân viên rời đi; và bị một nhà lãnh đạo cấp cao tố cáo rằng công ty không có đủ nguồn lực để thực thi các chính sách an ninh bầu cử trên toàn cầu.
Thêm một yếu tố bất ổn nữa là tỷ phú Elon Musk đã hoàn thành thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD.
Musk đã hàm ý ông sẽ huỷ bỏ chính sách kiểm duyệt nội dung của Twitter, khôi phục tài khoản của một số người từng cáo buộc bầu cử có vấn đề và sa thải đến 75% nhân viên của nền tảng này.
Hiện chưa rõ những thay đổi của CEO Tesla sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch hỗ trợ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Twitter như thế nào, tờ Washington Post cho hay.
Ông Edward Perez, cựu Giám đốc cấp cao của Twitter, nhận định: “Quy mô của các thông tin sai lệch đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2020. Do đó, cũng không oan khi nghi ngờ liệu đội ngũ kiểm duyệt của Twitter có thể bắt kịp hay không”.
Phát ngôn viên Katie Rosborough của Twitter xác nhận rằng nền tảng này đã huy động tình nguyện viên trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Bà lưu ý rằng Twitter cũng đã thực hiện động thái tương tự trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và cuộc bầu cử gần đây ở Brazil.
“Mọi người sử dụng Twitter để tìm kiếm thông tin liên tục và đáng tin cậy về các cuộc bầu cử. Sự đầu tư vừa qua cho thấy tâm huyết của chúng tôi đối với nhiệm vụ cung cấp thông tin đó”, bà Rosborough bày tỏ.
Washington Post đã liên hệ Elon Musk để tìm hiểu dự định của ông trong những ngày đầu tiên làm chủ một trong những mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, Musk không phản hồi.
Hôm 26/10, vị tỷ phú đã ghé thăm trụ sở chính của Twitter tại San Francisco để trò chuyện cùng các giám đốc cấp cao. Ông dự kiến sẽ gặp gỡ các nhân viên khác trong hôm nay (ngày 28/10).
Kể từ khi đề nghị mua lại Twitter, Musk đã liên tục chỉ trích chiến lược kiểm duyệt thông tin của nền tảng này. CEO của Tesla gọi cách tiếp cận của Twitter là quá đà.
Musk cũng gợi ý rằng ông có thể sẽ dỡ bỏ lệnh cấm của Twitter đối với cựu Tổng thống Donald Trump - người từng nhiều lần cáo buộc cuộc bầu cử năm 2020 có gian lận và mọi dòng tweet của ông đều có thể làm đảo lộn chính trường Mỹ.
Tác động đến bầu cử
Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường đặt ra thách thức lớn cho các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter, một phần vì hàng trăm ứng viên Đảng Cộng hoà đã tin theo các cáo buộc của ông Trump về cuộc bầu cử hai năm trước.
Những ứng viên đó và người ủng hộ của họ đã sử dụng mạng xã hội để lan truyền những thuyết âm mưu về gian lận bầu cử, tờ Washington Post cho hay.
Tác động từ các quyết định của Twitter là rất lớn. Các chuyên gia cho biết những thông tin sai lệch trên mạng xã hội có thể làm xói mòn niềm tin của người dân Mỹ vào quy trình bầu cử.
Do đó, các nền tảng phải đưa ra quyết định khó khăn là nên giữ lại hay loại bỏ nội dung nào trong mùa tranh cử, bởi điều này có ý nghĩa hệ trọng với cả hai đảng trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện.
Hồi tháng 8, Twitter đã công bố kế hoạch kiểm soát nội dung cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Phần lớn giống chiến lược mà công ty đã triển khai trong các kỳ bầu cử trước đó, bao gồm quảng bá thông tin chính xác về kỳ bầu cử và ngăn chặn nguồn tin sai lệch.
Ngoài ra, Twitter cũng đã phát triển các trung tâm sự kiện cấp tiểu bang nhằm đưa thông tin đáng tin cậy về các cuộc bầu cử sơ bộ, tạo nhãn cho tài khoản ứng viên và thiết kế lại nhãn cho các tweet sai sự thật.
Song, trước đó, Twitter đã rút lại chính sách “liêm chính công dân” (civic integrity) sau khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 kết thúc.
Nội bộ công ty lo ngại rằng những người từ chối kết quả của cuộc bầu cử vẫn đang sử dụng mạng xã hội để lan truyền những lời nói dối và xuyên tạc, hai nguồn tin kể với Washington Post.
Khi được hỏi rằng liệu công ty có kế hoạch gì nếu nỗ lực kiểm duyệt thông tin gặp trục trặc khi Musk nắm quyền sở hữu Twitter, phát ngôn viên Rosborough đã từ chối bình.
Các nhân viên Twitter vẫn đang xúc tiến chương trình bảo vệ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Song, nhiều người bày tỏ lo ngại rằng Musk có thể sẽ sớm tạm dừng hoặc huỷ bỏ một số nỗ lực mà họ đang làm.
Một nhân viên cho hay: “Tôi nghĩ Elon Musk có thể sẽ phá bỏ những chính sách liên quan đến tính liêm chính công dân và ngừng thực thi chính sách [kiểm duyệt nội dung] ngay lập tức”.