Ba giám đốc Twitter bị sa thải trong ngày đầu tiên Elon Musk tiếp quản công ty
Ngày 27/10, giờ Mỹ, Elon Musk đã chính thức trở thành chủ mới của Twitter. Việc đầu tiên ông làm là sa thải các giám đốc điều hành hàng đầu mà ông cáo buộc là đã gian dối. Đồng thời, Elon Musk cũng hạn chế nói về những kế hoạch sau khi tiếp quản nền tảng truyền thông xã hội này.
CEO Tesla, Elon Musk, trước đó cho biết ông muốn dọn dẹp các bot spam ảo trên Twitter, công khai thuật toán hiển thị nội dung cho người dùng và ngăn nền tảng này trở thành nơi chứa sự thù hận và chia rẽ, ngay cả khi hạn chế kiểm duyệt.
Song Musk vẫn chưa đưa ra chi tiết về cách ông sẽ thực hiện những mục tiêu này và ai sẽ là người điều hành công ty. Ông cho biết mình sẽ cắt giảm việc làm khiến 7.500 nhân viên Twitter đứng ngồi không yên.
Ông cũng cho biết rằng sẽ không mua lại Twitter để kiếm nhiều tiền hơn mà là “cố gắng giúp đõ nhân loại, những người mà tôi yêu thương”.
Sau khi tiếp quản Twitter, các nguồn tin của Reuters nói rằng Musk đã sa thải CEO Parag Agrawal ,CFO (Giám đốc tài chính) Ned Segal, Giám đốc chính sách và các vấn đề pháp lý, ông Vijaya Gadde.
Musk cáo buộc rằng những người này đã lừa dối ông và các nhà đầu tư về số lượng tài khoản ảo trên Twitter. Các nguồn tin nói thêm rằng, Agrawal và Segal đang ở trụ sở công ty tại San Francisco, nhưng sau khi thoả thuận được hoàn tất, hai người này đã bị hộ tống ra ngoài.
Hành trình mua lại Twitter của Elon Musk
Việc mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD là một câu chuyện đáng chú ý, đầy những khúc quanh, gieo rắc nghi ngờ về việc Elon Musk có hoàn thành thương vụ hay không. Sự việc bắt đầu từ ngày 4/4, sau khi Musk cho biết ông đang sở hữu 9,2% cổ phần Twitter, biến ông trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của mạng xã hội này.
Người đàn ông giàu nhất thế giới sau đó đã đồng ý tham gia Hội đồng quản trị Twitter, chỉ lưỡng lự vào phút cuối, và đưa ra đề nghị thay thế là mua lại công ty với giá 54,2 USD/cp. Lời đề nghị là có thật và chỉ trong một ngày cuối tuần sau đó vào tháng 4, hai bên đã đạt được thoả thuận với mức giá đề xuất.
Điều này diễn ra khi Musk không thực hiện bất kỳ việc thẩm định nào đối với các thông tin bí mật của Elon Musk, như thông lệ các vụ mua lại khác. Do vậy, những tuần sau đó, Elon Musk đã nghĩ lại.
Ông ấy chỉ trích công khai rằng các tài khoản ảo trên Twitter cao hơn nhiều so với con số mà công ty này công bố, với chưa đến 5% người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền. Các luật sư của ông sau đó cáo buộc Twitter không tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin về vấn đề này.
Sự việc lên đến đỉnh điểm khi ngày 8/7, Elon Musk yêu cầu chấm dứt thoả thuận mua lại với lý do công ty đã gian dối về các bot và bất hợp tác. 4 ngày sau, Twitter đã đệ đơn kiện Elon Musk tại Delaware, nơi công ty được thành lập, để buộc ông phải hoàn tất thỏa thuận.
- TIN LIÊN QUAN
-
Elon Musk sẽ tức giận nếu nhân viên không ngồi làm việc đến 9h tối 25/10/2022 - 16:42
Thời điểm đó, cổ phiếu của các công ty sở hữu mạng xã hội nói riêng và thị trường chứng khoán Mỹ nói chung đang lao dốc vì lo ngại những đợt tăng lãi suất của Fed sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Twitter cáo buộc Musk đã hối hận và muốn rút khỏi thoả thuận vì cho rằng mình đã bị trả hớ trong thương vụ.
Đa phần các chuyên gia pháp lý đều cho rằng Twitter có những bằng chứng mạnh nhất để chiến thắng trước toà. Bước ngoặt diễn ra vào ngày 4/10 khi Musk đề nghị hoàn tất thoả thuận như đã hứa. Thẩm phán tại Delaware đã cho ông thời hạn cuối cùng đến ngày 28/10 để kết thúc giao dịch và không phải hầu toà.
Ngày 27/10, Elon Musk đã bước vào trụ sở Twitter với một nụ cười và mang theo một chiếc bồn rửa mặt bằng sứ. Sau đó ông đã thay đổi mô tả hồ sơ trên trang cá nhân Twitter thành “Chief Twit” - tạm dịch: Ông chủ của Twitter.
Ông cũng cố gắng trấn an nhân viên về một đợt sa thải lớn sắp diễn ra và đảm bảo với các nhà quảng cáo rằng những lời chỉ trích trước đây của ông về kiểm duyệt nội dung sẽ không ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của mạng xã hội này.
“Twitter rõ ràng không thể trở thành một địa ngục tự do cho tất cả mọi người, nơi bất cứ điều gì cũng có thể được nói mà không có hậu quả” Musk viết trong một bức thư ngỏ. Musk chỉ ra rằng ông coi Twitter là nền tảng để tạo ra “siêu ứng dụng” cung cấp mọi thứ từ chuyển tiền, mua sắm đến gọi xe.
“Tiềm nang dài hạn của Twitter, theo quan điểm của tôi, là lớn hơn nhiều so với giá trị hiện tại của nó” Musk nói. Mặc dù vậy, thực tế Twitter đang phải vật lộn để giữ chân những người dùng tích cực nhất. Những người này chiếm chỉ chưa đầy 10% người dùng hoạt động hàng tháng nhưng tạo ra tới hơn 90% số tweet và mang về một nửa doanh thu cho mạng xã hội này trên toàn cầu.