Liệu có giải pháp thị trường cho tín dụng đen?
Khởi tố đối tượng cho vay lãi suất 'cắt cổ' 20%/tháng | |
CEO KPMG Việt Nam: Cần chính thức hoá tín dụng đen |
Hệ thống bảo vệ pháp luật không đủ mạnh dẫn tới sự phát triển nở rộ và rộng khắp của các hoạt động cho vay tín dụng đen. Ảnh: THÀNH HOA |
Tín dụng đen là gì?
Bên cạnh hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) được quy định và kiểm soát chặt chẽ bởi Luật các TCTD, hoạt động cho vay theo các quan hệ dân sự cũng được quy định rất chặt chẽ ở Việt Nam trong cả hệ thống pháp luật dân sự và hình sự. Mức lãi suất cho vay theo các quan hệ dân sự thông thường được định khung rõ ràng. Theo quy định hiện tại, mức lãi suất thỏa thuận tối đa trong các giao dịch dân sự là 20%/năm của khoản tiền vay, phần vượt trên mức này không được pháp luật dân sự công nhận khi có tranh chấp, và khi mức lãi suất vượt quá năm lần mức trên thì người cho vay phạm tội cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, hệ thống bảo vệ pháp luật không đủ mạnh dẫn tới sự phát triển nở rộ và rộng khắp của các hoạt động cho vay tín dụng đen, nằm ngoài quy định của pháp luật. Họ thường là một nhóm cá nhân hoạt động tương đối có tổ chức, có khi lên đến hàng trăm người và tất nhiên không được cơ quan chức năng cho phép, tiến hành cho vay với lãi suất cao từ vài chục đến vài trăm phần trăm một năm. Hoạt động cho vay và thu hồi nợ vay của các nhóm tín dụng đen hoàn toàn nằm ngoài các quy định của pháp luật.
Khi người cho vay không nhìn vào thu nhập của người vay để cho vay, ranh giới giữa cho vay tín dụng đen và cho vay tiêu dùng lãi suất cao trở nên mờ nhạt.
Mặc dù giống về hình thức, tín dụng đen về thực chất không phải là quan hệ vay vốn đơn thuần. Những người cho vay tín dụng đen và các TCTD được cấp phép khác nhau về bản chất mô hình hoạt động chứ không chỉ là phục vụ các phân khúc khách hàng khác nhau, mức độ rủi ro cho vay khác nhau và mức lãi suất cao thấp tương ứng.
Các TCTD hoạt động trên nguyên tắc cho vay và thu hồi vốn vay từ thu nhập của người vay vốn. Việc thu hồi nợ vay từ phát mại tài sản bảo đảm là việc bất đắc dĩ ngoài ý muốn, tốn kém chi phí và gây nhiều ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của các tổ chức này. Những người cho vay tín dụng đen thì khác, họ chấp nhận cho vay những đối tượng không có thu nhập trả nợ. Với lãi suất thường cắt cổ, việc vay vốn trong phần lớn trường hợp chỉ là cái bẫy để bần cùng hóa người vay. Người vay tín dụng đen không thể trả nợ, bắt buộc người thân phải trả nợ thay và bước cuối cùng là phải gán tài sản của mình và gia đình để trả nợ. Điều kiện tất yếu để hoạt động được, các đối tượng cho vay xã hội đen luôn phải sử dụng các hình thức thu hồi nợ phi pháp, mang tính bạo lực và tội phạm.
Quan hệ cung - cầu?
Việc vay vốn của một cá nhân hay tổ chức không phải là nhu cầu mang tính tự thân. Nó mang tính thứ phát từ các nhu cầu khác như việc tiêu dùng, đầu tư của người vay. Một hoạt động tín dụng sẽ lành mạnh nếu nó phục vụ cho mục đích tiêu dùng hay đầu tư hợp lý, chính đáng của người vay. Tuy nhiên, ít ai đi vay tín dụng đen với mức lãi suất khủng khiếp cho các nhu cầu mang tính chính đáng như vậy. Việc tìm đến tín dụng đen trong hầu hết trường hợp lại xuất phát từ các nhu cầu mang tính tội phạm của người vay như đánh bạc, xử dụng ma túy, đảo nợ vay ngân hàng hay đơn giản là trả nợ các khoản vay tín dụng đen khác... Tín dụng đen nguy hiểm nhất cho xã hội ở chỗ nó hướng đến đối tượng người vay đang thực hiện các hành vi phạm pháp và do đó thúc đẩy việc phạm tội được thực hiện. Có lẽ trong xã hội Việt Nam hiện nay, sự kết hợp giữa các đối tượng cho vay tín dụng đen với tổ chức cờ bạc là dễ bắt gặp hơn cả.
Một nhóm đối tượng khác là những người có nhu cầu về tiêu dùng hay đầu tư kinh doanh chính đáng nhưng không đủ điều kiện vay vốn của các TCTD. Có nhiều lý do khác nhau như không có tài sản bảo đảm, đã từng có nợ xấu, doanh nghiệp mới thành lập, các chỉ tiêu tài chính hay nguồn thu nhập trả nợ nhiều rủi ro... Nhóm này gọi chung là các đối tượng dưới chuẩn của các TCTD. Có thể vì nhiều hoàn cảnh khách quan đặc biệt như xáo trộn trong chính sách tín dụng của các ngân hàng làm nguồn vốn vay bị cắt đột ngột khiến họ phải tìm đến tín dụng đen để tiếp tục kinh doanh.
Đây là trung tâm của các tranh luận khi nhiều người cho rằng tín dụng đen có vai trò tích cực giúp nhóm đối tượng này có khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, mặt trái là để chấp nhận mức lãi suất tín dụng đen, nhóm đối tượng dưới chuẩn này thường dựa trên kỳ vọng quá mức so với thực tế về kế hoạch kinh doanh và nguồn trả nợ của mình. Xét về góc độ cá nhân người vay, gánh nặng vay nợ tín dụng đen sẽ rất dễ khiến họ bị bần cùng hóa. Xét về góc độ xã hội, nguồn lực xã hội bị lãng phí khi được đưa vào các dự án quá rủi ro.
Tín dụng dưới chuẩn: giải pháp thị trường cho tín dụng đen?
Tín dụng đen là hoạt động tội phạm và cần được trấn áp bằng các công cụ bảo vệ pháp luật. Việc phát triển thị trường tài chính, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên sẽ không có một giải pháp thị trường triệt để.
Nhiều người cho rằng phát triển tín dụng dưới chuẩn với mức lãi suất cao như thời gian gần đây của các công ty tài chính là giải pháp thị trường ngăn cản sự phát triển của tín dụng đen. Tuy nhiên cũng rất có thể đấy chỉ là một sự thay thế tín dụng đen bằng một hình thức khác có bản chất giống nhau.
Trên thị trường tín dụng hiện nay, nhiều công ty tài chính có mức lãi suất cho vay tiêu dùng có thể lên đến 40-50%/năm hoặc cao hơn nếu không trả nợ đúng hạn. Thực chất đây là mặt bằng của lãi suất tín dụng đen. Mức lãi suất cao như vậy sẽ gần như bất khả thi cho bất kỳ một kế hoạch sử dụng vốn và trả nợ nào. Khi người cho vay không nhìn vào thu nhập của người vay để cho vay, ranh giới giữa cho vay tín dụng đen và cho vay tiêu dùng lãi suất cao trở nên mờ nhạt. Phương án thu hồi nợ vay trong những trường hợp này đều giống nhau, dùng các biện pháp mang nhiều tính bạo lực để ép người vay hay người thân của họ bán tài sản trả nợ.