|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liên danh Hàn Quốc tư vấn quản lý khai thác sân bay Long Thành

20:17 | 30/08/2024
Chia sẻ
Sau 4 tháng mời thầu, Liên danh Incheon Airport được ACV chọn là đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thông tin được Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư - ACV) công bố ngày 30/8. Liên danh bao gồm hai thành viên, đứng đầu là Tập đoàn cảng hàng không quốc tế Incheon (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần dịch vụ tư vấn PMI (Việt Nam).

Trong đó, Tập đoàn cảng hàng không quốc tế Incheon được đánh giá cao về tư vấn công tác quản lý, khai thác cảng hàng không với nhiều năm kinh nghiệm được các tổ chức hàng không quốc tế đánh giá cao.

ACV ký hợp đồng với liên danh Incheon Airport ngày 30/8. (Ảnh: Thái Hà).

Theo chủ đầu tư, ngành hàng không dân dụng thế giới đang có nhiều thay đổi với xu thế sân bay thông minh (smart airport) được tích hợp sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo (AI), sân bay xanh (green airport), giảm phát thải CO2.... Những yếu tố này góp phần gia tăng cạnh tranh giữa các cảng hàng không quốc tế.

Long Thành là sân bay có quy mô lớn cùng nhiều hệ thống công nghệ hiện đại, tiên tiến được áp dụng trong trong đầu tư, xây dựng. Việc quản lý, khai thác sân bay sẽ đóng vai trò then chốt, quyết định hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đầu tư của dự án.

Dự án sân bay Long Thành đang đồng loạt thi công 4 gói thầu lớn gồm: nhà ga hành khách, đường băng, hai tuyến giao thông kết nối và đài kiểm soát không lưu. Hiện nhà thầu huy động đến công trường hơn 8.000 nhân lực, máy móc thi công ngày đêm, tiến độ các gói thầu đều đảm bảo. Theo kế hoạch, ngày 2/9/2026, Long Thành sẽ đón chuyến bay thương mại đầu tiên.

Diện mạo nhà ga sân bay Long Thành sau một năm thi công, tháng 8/2024. (Ảnh: Phước Tuấn).

Với diện tích 5.000 ha, Long Thành là sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Theo quy hoạch, đây sẽ là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.

Dự án chia làm 3 giai đoạn với tổng công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa một năm. Trong đó, giai đoạn một công suất 25 triệu hành khách và hơn một triệu tấn hàng hóa một năm.

Phước Tuấn

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD.