|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ACV đề xuất chi hơn 3.455 tỷ đồng xây dựng đường cất hạ cánh số 2 sân bay Long Thành

15:24 | 26/08/2024
Chia sẻ
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất chi 3.455,6 tỷ đồng để xây dựng đường cất hạ cánh số 2, nhằm nâng cao năng lực khai thác của sân bay Long Thành, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong vận hành, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo Báo Chính phủ.

ACV cho biết, tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.411,7 tỷ đồng. Trong đó, việc xây dựng đường cất hạ cánh số 2 khoảng 3.455,6 tỷ đồng và việc san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 khoảng 1.956,1 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ACV, việc đầu tư đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga T3 còn nhằm nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đường khu bay, đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả các công trình đã đầu tư trong giai đoạn 1.

Ngoài ra, cảng hàng không này cần đảm bảo có thêm đường cất hạ cánh để tránh toàn bộ sân bay bị ảnh hưởng đóng cửa trong trường hợp xảy ra sự cố máy bay, bảo trì hoặc sửa chữa đường cất hạ cánh, xử lý sự cố thiên tai.

Vì vậy, ACV đề xuất xây dựng đường cất hạ cánh số 2 dài 4.000m song song với đường cất hạ cánh số 1, đường lăn song song, hệ thống các đường nối, đèn tín hiệu, biển báo đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống trang thiết bị quản lý bay và các công trình khác đồng bộ đảm bảo khai thác.

Theo nghiên cứu, khu vực xây dựng đường cất hạ cánh số 2 nằm hoàn toàn trong phạm vi đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 1810 ha đã được giải phóng mặt bằng. ACV đã nhận bàn giao triển khai dự án và diện tích này đã hoàn thành thi công san nền, thoát nước giai đoạn 1.

Về khu vực Nhà ga hành khách T3, ACV đề xuất diện tích khu vực san nền khoảng 181 ha. Hiện khu vực này đã được giải phóng mặt bằng và nằm trong khu xây dựng sân bay giai đoạn 2 đang được UBND tỉnh Đồng Nai quản lý.

Khối lượng đất đào thừa từ công tác san nền khu vực nhà ga T3 dự kiến khoảng 20 triệu m3 sẽ được điều phối ra khu vực đất dự trữ, tiếp giáp với khu trữ đất 722 ha (khu vực nền đắp của giai đoạn sau) ở phía Đông Nam sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Phối cảnh sân bay Long Thành (Ảnh: VGP).

ACV nhấn mạnh, việc xem xét xây dựng đường cất hạ cánh số 2 Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác, đảm bảo an toàn trong khai thác và khai thác hiệu quả các công trình đã đầu tư trong giai đoạn 1.

Đồng thời, việc nghiên cứu xây dựng đường cất hạ cánh số 2 thời điểm này sẽ có thuận lợi, có thể tận dụng các cơ sở hạ tầng đang phục vụ thi công giai đoạn 1. Việc xây dựng thực hiện trong thời gian này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động khi đưa Cảng giai đoạn 1 vào khai thác.

"Do đặc thù tính chất đất đỏ, bụi sét mịn của khu vực Long Thành nên quá trình thi công xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực Nhà ga hành khách T3 sau khi đi vào hoạt động sẽ gây hiện tượng phát tán bụi mịn, ảnh hưởng công tác vận hành của sân bay, gây ô nhiễm môi trường và có thể gây nguy hiểm đến hoạt động của tàu bay", ACV lý giải.

Nếu đề xuất này được thông qua, hai hạng mục quan trọng tại dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2 (2025 - 2030) sẽ được đẩy lên nghiên cứu đầu tư ngay từ năm 2024, đưa công trình vào khai thác từ quý I/2027.

Về nguồn vốn thực hiện đầu tư dự án, với dự án thành phần 1, ACV cho biết sẽ huy động từ nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn hợp pháp khác. Đối với dự án thành phần 2, ACV đề xuất kiến nghị sử dụng vốn đầu tư công. 

Anh My

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.