|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lịch sử có lặp lại để Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới?

07:03 | 20/04/2018
Chia sẻ
CBC News đăng tải bài viết của tác giả Don Pittis, phóng viên cao cấp của hãng tin CBC Canada, nhận định cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ tạo động lực để Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới.
lich su co lap lai de trung quoc vuon len dan dau the gioi Nhìn lại 1 năm cuộc chiến thương mại ‘nảy lửa’ giữa Mỹ và Trung Quốc
lich su co lap lai de trung quoc vuon len dan dau the gioi Trung Quốc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cao su tổng hợp từ Mỹ
lich su co lap lai de trung quoc vuon len dan dau the gioi
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Tác giả Don Pittis nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa thúc đẩy chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang khiến đối thủ cạnh tranh thương mại trở nên nguy hiểm và mạnh hơn. Việc ông Trump dọa đánh thuế thêm 100 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc có thể là động lực giúp cho đối thủ của ông vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bài viết dẫn đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thương mại quốc tế cho rằng thay vì buộc Trung Quốc phải chịu đựng các mối đe dọa thương mại, Tổng thống Trump đẩy nhanh thời gian mà người khổng lồ châu Á có thể đánh bại Mỹ để chiếm vị trí nền kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới.

Viện dẫn ví dụ là chính nước Mỹ, các nhà phân tích chỉ ra rằng quan hệ thương mại Mỹ-Trung hiện nay giống như quan hệ thương mại Mỹ - Anh trước đây. Điều kiện khiến Mỹ trở thành nhà lãnh đạo kinh tế thế giới, vượt qua nước Anh hồi cuối những năm 1800, giờ đây đang lặp lại với Trung Quốc.

Giáo sư Walid Hejazi thuộc ngành Thương mại quốc tế của trường Thương mại Rotman, Đại học Toronto, chỉ ra rằng trong một số khía cạnh, lịch sử có thể lặp lại. Giáo sư Hejazi nói: “Cách đây 25 năm, Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ và châu Âu như một thị trường xuất khẩu của họ. Tuy nhiên, trong 1/4 thế kỷ này, nền kinh tế Trung Quốc đã tự biến đổi ít nhất như Mỹ đã làm trong những năm 1800”.

Ông Hejazi cũng cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại không phải là điều mà Trung Quốc muốn. Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng biện pháp tăng thuế đối với cả hàng hóa Mỹ và Trung Quốc, về ngắn hạn, sẽ gây ra tình trạng lạm phát cho người tiêu dùng Trung Quốc trong khi làm chậm lại nền kinh tế toàn cầu tổng thể mà Trung Quốc, Mỹ và Canada phụ thuộc.

Tuy nhiên, về lâu dài, cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc bằng việc nước này đa dạng hóa thị trường ở châu Á và các thị trường khác, đồng thời phát triển thị trường nội địa. Như vậy, “người thụ hưởng chính của một cuộc chiến tranh thương mại chính thức sẽ là Trung Quốc”.

Nhà bình luận kinh tế Martin Wolf cũng có chung nhận định trên khi chỉ ra trong một bài viết đăng trên tờ Thời báo Tài chính rằng “tiêu dùng cuối cùng trở thành động lực quan trọng nhất của nhu cầu phát triển trong nền kinh tế Trung Quốc”.

Không giống như những “con hổ” châu Á khác như Hàn Quốc và Singapore, khi nhu cầu trong nước tăng lên, Trung Quốc có thể ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn. Giống như Mỹ, Trung Quốc sẽ có lợi thế là “kinh tế của quy mô và một thị trường duy nhất”.

Trong khi đó, Jia Wang - phó Giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại học Alberta - cho biết Trung Quốc đang trên đường thay thế nhập khẩu công nghệ cao bằng việc tự phát triển. Tuy Bắc Kinh vẫn phụ thuộc Mỹ về nhập khẩu công nghệ chất lượng hàng đầu như máy bay phản lực của Boeing, nhưng Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất máy bay của riêng nước này.

Bà Jia Wang nói: “Một cuộc chiến thương mại sẽ chỉ khuyến khích Trung Quốc tăng cường thay thế nhập khẩu. Trong ít nhất 2 năm qua, Trung Quốc đã nộp đơn xin bằng sáng chế nhiều hơn bất kỳ nước nào khác”.

Đầu tư vào sở hữu trí tuệ là một trong những lý do khiến Trung Quốc có thể sẵn sàng đối đầu với Mỹ về một vấn đề nhạy cảm nhất trong các cuộc đàm phán thương mại là bảo vệ bằng sáng chế. Tuy nhiên, đó cũng là một dấu hiệu cho thấy “con ngựa đã ra khỏi chuồng” vì ở nhiều lĩnh vực, Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo về công nghệ. Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc đã làm cho nước này trở thành một cường quốc công nghệ độc quyền.

Điều đáng nói là khi Trung Quốc có thể bắt đầu thay thế hàng hóa của Mỹ như máy bay Boeing, Mỹ lại không thể làm tương tự với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ vẫn phụ thuộc một lượng hàng hóa tiêu dùng khổng lồ - quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, máy tính và điện thoại... nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đó là vì hàng hóa nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp người nghèo ở Mỹ khiến cho Mỹ không thể thay thế nhập khẩu bằng cách tự sản xuất trong nước. Mỹ không thể cạnh tranh với sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc.

Từ nhận định của các chuyên gia phân tích thương mại, tác giả Don Pittis kết luận rằng lợi thế mà chiến tranh thương mại mang lại cho Trung Quốc là điều kiện trở thành một nền kinh tế khổng lồ, ngày càng tinh vi hơn và cũng là động lực để Trung Quốc "soán ngôi" Mỹ vươn lên dẫn đầu thế giới.