Lí do Warren Buffett rót hàng tỉ USD vào doanh nghiệp Nhật Bản
Phải chăng Warren Buffett đang sàng lọc cổ phiếu theo phong cách giao dịch trong ngày (day trading)?
Đây là một câu hỏi quan trọng, vì nhà đầu tư nào xem xét một số chỉ số kiểu Buffett có thể dự đoán được khoản đầu tư lớn của ông vào 5 doanh nghiệp thuộc hàng lớn nhất Nhật Bản trước khi thông tin này được công bố hôm 30/8.
Giả sử bạn đang tìm kiếm thứ mà Berkshire Hathaway luôn để mắt đến, đó là tiền rẻ. Hãy xem xét tất cả các doanh nghiệp niêm yết trên thế giới rồi loại trừ những cổ phiếu được giao dịch với mức giá cao hơn giá trị sổ sách. Sau đó, tiếp tục bỏ qua những doanh nghiệp có tỉ suất dòng tiền tự do dưới 10% và không tạo được ít nhất 2 tỉ USD tiền mặt tự do mỗi năm.
Tiếp đến, hãy bỏ qua những doanh nghiệp năng lượng và nhà sản xuất xe cộ, vì cả hai ngành đều đang phải trải qua những biến động lớn và không thể đoán trước. Không cần quan tâm đến viễn thông, vì trong quá khứ Warren Buffett không mấy mặn mà với ngành này.
Bỏ qua cả ngành dịch vụ tài chính, do ngành này vốn đã chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway. Những cái tên nào còn sót lại?
Ba trong số 10 doanh nghiệp trên toàn thế giới đáp ứng những tiêu chí trên là các tập đoàn đa ngành của Nhật Bản: Mitsubishi, Marubeni và Sumitomo. Cả ba đều nằm trong số những công ty Berkshire Hathaway đã mua trên 5% cổ phần trong 12 tháng qua.
Về hai trong số 5 khoản đầu tư còn lại, Mitsui hơi yếu về tỉ suất dòng tiền tự do còn Itochu thì hơi đắt đỏ so với giá trị sổ sách. Tuy nhiên, cả hai đều có vẻ phù hợp với phong cách đầu tư của Warren Buffett, Bloomberg nhận xét.
Berkshire Hathaway thông báo tập đoàn "có ý định nắm giữ các khoản đầu tư ở Nhật Bản trong dài hạn" và sức hấp dẫn của các doanh nghiệp này cũng dễ nhận ra.
Theo CNBC, các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản thường được gọi chung là "sogo shosha", nghĩa là doanh nghiệp đa ngành. Bắt nguồn từ hệ thống keiretsu, các sogo shosha giống như chất keo kết dính nền kinh tế Nhật Bản, xây dựng các mạng lưới gồm nhiều ngành khác nhau, bao gồm vật liệu, tài chính, vận tải, máy móc và sản phẩm tiêu dùng.
Một trong những lí do khiến trước đây các tập đoàn Nhật Bản không thu hút được Warren Buffett là vì chúng thường có lợi suất thấp, ít tiền mặt, nợ nhiều và quan tâm đến lợi ích của các công ty chị em (sister company) hơn là cổ đông.
Tuy nhiên, những đặc điểm trên đã thay đổi trong thập kỉ qua. Đòn bẩy của những tập đoàn này giảm mạnh và các kế hoạch quản lí của họ đã chuyển đổi từ những lời hứa hẹn chiến lược mơ hồ sang các tiêu chuẩn tài chính rõ ràng hơn, ví dụ như dòng tiền tự do và ROE.
Một vài tập đoàn thậm chí còn cam kết về phần lợi nhuận sẽ chia cho nhà đầu tư dưới dạng cổ tức. Dù những con số này thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chúng cao hơn nhiều những gì các nhà đầu tư vào sogo shosha kì vọng.
Số cổ tức này mang lại cho nhà đầu tư mức lợi suất khá, khi xét đến mức định giá thấp thị trường gán cho các tập đoàn.
Sự thay đổi của các tập đoàn hàng đầu cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản đã chuyển biến như thế nào trong thời gian qua, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe.
Trong nhiệm kì của ông Abe, kinh tế Nhật Bản đã có cuộc phục hồi đáng chú ý dù nhiều người đã từng cho rằng nước này đang rơi vào suy thoái. Kể từ khi ông Abe trở lại nắm quyền lực vào năm 2012, chỉ số Topix của Tokyo đã hoạt động tốt hơn mọi thước đo chứng khoán toàn cầu ngoại trừ S&P 500 và mới đây là CSI 300 của Trung Quốc.
Trước đây, các tập đoàn đa ngành hàng đầu Nhật Bản cũng giống như Berkshire Hathaway nhưng không tập trung vào lợi ích cổ đông. Giờ đây khi chúng có vẻ đã tuân theo triết lí đầu tư giá trị, chẳng còn lí do nào ngăn cản Warren Buffett rót tiền.