'Lấy bằng đại học để theo con đường kinh doanh là sự lãng phí thời gian'
Giúp các tiểu thương mở rộng kinh doanh, chợ trực tuyến Zilingo có thể trở thành ‘kỳ lân’ | |
Bí quyết đơn giản để kinh doanh nhà hàng thành công |
Cử nhân, kỹ sư không có những kỹ năng cần thiết để kinh doanh
Là chủ của một doanh nghiệp in ấn, Vũ Xuân Độ, một cử nhân kinh tế, thừa nhận anh không thể ứng dụng bất kỳ kiến thức nào trong quá trình học vào công việc kinh doanh.
"Trường đại học dạy quản trị kinh doanh, nhưng không dạy kỹ năng bán hàng - thứ quan trọng nhất đối với người khởi nghiệp", Độ phát biểu.
Độ kể rằng anh may mắn vì một người họ hàng dẫn dắt anh vào con đường kinh doanh trong ngành in ấn từ khi anh còn là sinh viên năm thứ nhất.
"Quá trình thực chiến trong 4 năm đại học chẳng những giúp tôi có chút vốn và sự tự tin, mà còn giúp tôi tự học kỹ năng bán hàng. Đó là thứ quý nhất của tôi trên hành trình kinh doanh", anh kể.
Vũ Minh Hiếu, chàng trai tạo ra cộng đồng học tập kỹ năng kinh doanh với hàng trăm nghìn thành viên. Ảnh: NVCC |
Tốt nghiệp một trường đại học kỹ thuât danh tiếng ở thủ đô, làm thuê 5 năm trước khi lập công ty, Đỗ Ngọc Kỳ, giám đốc một công ty thiết kế đồ họa, nói rằng anh phải tự cập nhật kiến thức để có thể hiểu tình hình thị trường và nhu cầu của khách hàng.
"Giáo trình kỹ thuật và công nghệ của các trường đại học luôn chậm tới hàng thập kỷ so với thực tế", Kỳ nói.
Chẳng hạn, theo anh, phần lớn chương trình đào tạo hoạt hình máy tính ở các trường hiện nay không cung cấp kiến thức về đồ họa thời gian thực, trong khi đây là công nghệ mới quan trọng nhất đối với ngành.
"Ngay cả giáo trình của các trường đại học hàng đầu cũng không bắt kịp thực tiễn xã hội. Tình trạng đó khiến tôi cảm thấy quãng thời gian 5 năm tôi dành cho trường đại học là sự lãng phí. Một số bạn của tôi đi làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học và giờ họ vẫn có sự nghiệp kinh doanh thành công", Kỳ thổ lộ.
Vũ Minh Hiếu - một chàng trai chuyên đào tạo kỹ năng bán hàng - nhận định bằng đại học, cao đẳng không phải là điều kiện cần để kinh doanh.
Quan điểm của Hiếu là mọi người có thể học kinh doanh từ 5 nguồn: thầy trên bục giảng, các thần tượng, những người xung quanh, trải nghiệm của bản thân, sách và Internet.
"Tôi nhận thấy Internet là nguồn cung cấp kiến thức lớn nhất trong thời buổi hiện nay. Ngoài ra, Internet còn giúp chúng ta kết nối với thế giới, tạo dựng mối quan hệ", Hiếu phát biểu.
Chi phí học cao đẳng, đại học ngày càng cao
Cùng học một trường kỹ thuật ở Hà Nội, nhưng Vương Trung Hiếu, phó giám đốc một công ty du học ở TP Hồ Chí Minh, nhận thấy chi phí học tập của anh cao gấp rưỡi so với người anh họ hơn anh 7 tuổi.
"Chi phí để lấy bằng đại học cứ tăng dần theo từng năm. Ngoài lý do mặt bằng chi phí sinh hoạt tăng, nhu cầu học thêm của sinh viên tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến sinh viên phải chi nhiều tiền hơn thế hệ trước để lấy tấm bằng", Hiếu bình luận.
Giáp Văn Đại, người sáng lập công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ cao toàn cầu PFM Global. Ảnh: Nhạc Dương |
Vì chi phí học cao đẳng hay đại học có xu hướng tăng dần, Hiếu khuyên nhiều bạn trẻ học những chương trình ngắn hơn đại học - như lập trình hay đồ họa - để vào đời nhanh hơn. Anh từng gặp nhiều doanh nhân chỉ học những chương trình từ 6 tháng tới 2 năm mà vẫn kinh doanh thành công.
Giáp Văn Đại, người sáng lập công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ cao toàn cầu PFM Global, là một trong những doanh nhân không lấy bằng đại học. Nhận thấy chương trình đào tạo lập trình viên của FPT-Aftech rất thiết thực và bài bản, anh đăng ký học ở đây. Ngay trong lúc học, Đại ứng tuyển vào công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS) để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Anh lập PFM Global với mơ ước thành lập các sàn giao dịch tiền tệ, chứng khoán hay thậm chí tiền ảo ở nước ngoài. Hiện nay, Đại là một trong vài doanh nhân nổi trội trong lĩnh vực blockchain ở Việt Nam.
Bằng cấp không làm nên khác biệt nếu muốn tích lũy kinh nghiệm
Hà Quốc Khánh, giám đốc một công ty vận tải, nhận định rằng ngay cả khi doanh nhân tương lai muốn làm thuê để tích lũy kinh nghiệm, bằng cao đẳng hay đại học cũng không cần thiết.
"Bây giờ, dù không hoặc chưa có bằng đại học, các bạn trẻ vẫn có vô số cơ hội tích lũy kinh nghiệm và mối quan hệ bằng cách làm thuê cho doanh nghiệp. Trên thực tế, tôi không còn cảm thấy ấn tượng trước những bạn có bằng cao đẳng, đại học, mà đánh giá năng lực của họ trong quá trình thử việc", Khánh phát biểu.
Một số doanh nhân cho rằng bằng cấp không phải là điều kiện cần thiết để kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Ảnh: wideopeneats.com |
Không đủ điểm để vào giảng đường, Vũ Minh Điềm, chủ một chuỗi nhà hàng hải sản ở Hà Nội, quyết định làm việc cho một nhà hàng ở tuổi 19, khi nhiều bạn cùng lớp cấp ba vào các trường đại học hay cao đẳng. Trong quá trình làm việc, anh lần lượt đảm nhiệm mọi công việc của nhà hàng và học hỏi mọi kỹ năng cần thiết. Hành trình thăng chức của anh bắt đầu với vị trí trưởng nhóm và kết thúc với chức vụ quản lý nhà hàng.
"Sau 8 năm làm thuê, tôi trở thành người quản lý nhà hàng với mức lương và vị trí mà các bạn cùng lớp tốt nghiệp đại học phải mơ ước. Nhưng đúng lúc ấy, tôi cảm thấy đã đủ kinh nghiệm, vốn và quan hệ để tự kinh doanh nên đã thôi việc để mở nhà hàng", Điềm nói.
Điềm vẫn tiếc vì không đủ điểm vào đại học, song công nhận rằng một tấm bằng không phải là điều kiện cần thiết để kinh doanh trong ngành dịch vụ.
"Có thể các bạn trẻ sẽ không thể khởi nghiệp trong mảng công nghệ nếu không có bằng kỹ thuật, nhưng các bạn hoàn toàn có thể kinh doanh mảng dịch vụ dù không có bằng cấp. Việc mà các bạn cần thực hiện sớm là tích lũy kinh nghiệm từ những người đi trước. Đối với người không có bằng cấp, xin vào các cơ sở dịch vụ để tích lũy kỹ năng là việc đơn giản hơn nhiều so với lĩnh vực công nghệ hay giáo dục", Điềm bình luận.
Xem thêm |