|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lẩu riêu, bún, phở, hủ tiếu,... tự sôi của Masan dùng để xuất khẩu có gì đặc biệt?

06:47 | 25/04/2023
Chia sẻ
Masan cho biết với công nghệ mới sản phẩm vẫn sẽ giữ được toàn bộ hương vị mà không cần phải đun nấu.

Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT The CrownX. (Ảnh: Masan Group).

Ngày 24/4, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) đã được diễn ra tại TP HCM. Đại diện cho Masan Consumer, ông Trương Công Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị The CrownX cho biết, mục tiêu của công ty trong 5 năm tới (2023-2027) là đạt doanh thu từ 80.000-100.000 tỷ đồng, trong đó 85% từ nội địa và 15% xuất khẩu.

Theo ông Thắng, hiện mảng xuất khẩu của công mới chiếm từ 3 đến 4% trong tổng doanh thu, Masan Consumer đặt mục tiêu đến 2027, doanh thu xuất khẩu sẽ chiếm 15% trong tổng doanh thu.

Đại diện Masan Consumer nêu quan điểm rằng muốn phát triển ở thị trường quốc tế, công ty sẽ có thế mạnh ở những sản phẩm như gia vị (nước mắm, tương ớt,...), đồ ăn, cà phê..., thay cho những sản phẩm thuộc phân khúc mỹ phẩm, thức uống...

Hiện tại, thị trường nước ngoài của công ty được xây dựng thương hiệu với các sản phẩm chủ lực Omachi, Vinacafe, Chinsu. Công ty cũng đã cho ra mắt nhãn hiệu Chinsu tại thị trường Nhật Bản. 

Masan Consumer dự kiến sẽ đưa các sản phẩm trên tham dự các hội chợ cũng như tiến vào thị trường Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu trong lần lượt tháng 5, tháng 8 và tháng 9.

Tại sự kiện họp cổ đông thường niên, Chủ tịch The CrownX đã giới thiệu sản phẩm xuất khẩu mới của công ty có tên “lẩu bò riêu cua Hà Nội”. Đây là sản phẩm lẩu tự sôi mà không cần nước nóng, bếp gas, không cần đồ khô.

Món lẩu này chỉ cần đổ nước lọc vào gói sản phẩm trong thời gian 5-10 phút sẽ tự đun nóng. Theo ông Thắng, không chỉ dừng lại ở lẩu, Masan Consumer sẽ cung cấp cho người tiêu dùng toàn cầu các sản phẩm bún, cháo, phở, hủ tiếu... theo hương vị Việt Nam.

Với công nghệ mới, Masan tự tin rằng sản phẩm vẫn sẽ giữ được toàn bộ hương vị mà không cần phải đun nấu. Hiện sản phẩm đã nhận được đơn đặt hàng xuất sang Nhật Bản. 

"Nếu một công ty có thể đưa thực phẩm Việt Nam ra ngoài thế giới thì chúng ta (Masan Group - vp) có thể làm điều đó tốt nhất", ông Trương Công Thắng khẳng định.

Ông Thắng đặt mục tiêu đến năm 2027, Masan có thể bước chân đưa hệ thống ra ngoài Việt Nam. Công ty cũng đưa ra mô hình Consummer Innovation Center (CIC) và chính thức vận hành tại trung tâm ở KCN Tân Bình trong quý III/2022.

"Mô hình này giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng và cho phép phát triển các sản phẩm mới trong vòng 4-6 tuần. Trong năm nay, Masan Consummer sẽ đưa ra nhiều sản phẩm mới với tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với hiện nay (dưới 40%) và hướng tới doanh số 32.000-34.000 tỷ đồng (Doanh thu Masan Consummer năm 2022 là 27.178 tỷ đồng - PV), ông Thắng nói.

Món ăn tự sôi đã có mặt tại Việt Nam

Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, trào lưu đồ ăn tự sôi đang được phổ biến nhiều hơn nhờ các video TikTok. Những món ăn tự sôi hiện đang được phân phối chủ yếu trên các sàn thương mại điện tử với đầy đủ các món như lẩu, bánh gạo cay, cơm, cháo, bún... Giá của sản phẩm dao động từ 70.000-200.000 đồng, tùy từng món.

 Hình ảnh sản phẩm lẩu tự sôi có xuất xứ từ Trung Quốc, được bán trên sàn TMĐT Lazada. (Ảnh chụp màn hình).

Đây là món ăn được đóng gói sẵn và không cần đến bất cứ công cụ làm nóng nào như bếp điện, đun sôi,… Cách sử dụng món tự sôi khá đơn giản. Người dùng có thể cho tất cả các nguyên liệu vào hộp, đổ nước vào rồi đặt chiếc hộp này lên một túi chứa chất liệu tự tạo nhiệt, giúp làm nóng nước và khiến món ăn được nấu chín, đun sôi.

Theo tìm hiểu, gói chứa chất tạo nhiệt gồm có các thành phần chính bên trong là magie, muối và sắt. Khi tiếp xúc với nước, các chất này phản ứng và tạo ra nhiệt, nhờ đó có thể làm nóng đồ ăn. 

Trào lưu đồ ăn tự sôi bắt nguồn từ Trung Quốc sau đó, nhanh chóng lan truyền nhờ sự tham gia tích cực của các nhà sáng tạo nội dung liên quan đến ẩm thực, lối sống trên các nền tảng mạng xã hội.

Doanh Chính