|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lấp lỗ hổng cơ chế quản lý cho thương mại điện tử

20:15 | 24/07/2024
Chia sẻ
Hàng giả, hàng kém chất lượng đã, đang len lỏi vào các ngõ ngách của đời sống và ai cũng có thể là “nạn nhân” nếu không có kỹ năng lựa chọn, mua hàng.

Sàn thương mại điện tử ShopeeFood. Ảnh: BNEWS phát

Thương mại điện tử là kênh phát triển kinh tế tiềm năng và tạo xung lực phát triển cho nền kinh tế nhưng trong lĩnh vực này, cả người mua và người bán đều thiếu kỹ năng và kinh nghiệm đã tạo ra những lỗ hổng cho đối tượng lợi dụng trục lợi. Chính vì vậy, hàng giả, hàng kém chất lượng đã, đang len lỏi vào các ngõ ngách của đời sống và ai cũng có thể là “nạn nhân” nếu không có kỹ năng lựa chọn, mua hàng. Hơn nữa, trước bối cảnh quy định hiện hành chưa thể bắt kịp với sự phát triển, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện thể chế để đẩy lùi tiêu cực đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên thương mại điện tử.

Nhận định từ các chuyên gia, sự bùng nổ của công nghệ, nhất là với phương thức kinh doanh qua mạng xã hội đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, việc bán hàng trực tuyến đang là hình thức phổ biến giúp cho người bán và người mua tiết kiệm được thời gian, chi phí thanh toán...

Tuy vậy, song hành với sự tăng trưởng ấn tượng, thương mại điện tử cũng là nỗi lo của nhiều người tiêu dùng và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Bởi,  Internet và thương mại điện tử đều có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như vi phạm pháp luật trên website, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội về không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng… 

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay: Hiện nay, có tình trạng nhiều đối tượng thường lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán sản phẩm giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho". Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động.

Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Do vậy, các đối tượng này sẽ sử dụng phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Mặt khác, nhiều shop đã sử dụng chiêu trò mua đơn để tạo lượt bán ảo cho sản phẩm mồi khách, kèm theo đó là đặt hàng nhiều lượt đánh giá ảo với những đánh giá tốt nhằm dụ người tiêu dùng chốt đơn.

Chị Nguyễn Ngọc Anh ngụ tại phố Kim Đồng- Hà Nội chia sẻ: Mới đây nhận được tin nhắn qua Facebook của một người chào bán sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Qua trao đổi, chị đã được gửi link đến một trang bán hàng trực tuyến và cho biết sản phẩm bán tại trang này giá cao bởi phải đóng thuế và chi phí hoa hồng. Cùng đó, người này cũng hướng dẫn nếu mua qua tin nhắn, chuyển khoản giá sẽ rẻ hơn 1/3 so với giá niêm yết.

Theo chị Nguyễn Ngọc Anh, do tâm lý ham rẻ và sính hàng ngoại nên đã đồng ý đặt mua đơn hàng có giá trị lớn. Thế nhưng, khi nhận hàng mới phát hiện ra đó chỉ là hàng giả, kém chất lượng. Liên lạc qua tài khoản bán hàng thì đã phản bác lại thông tin đưa ra và sau đó đã chặn không thể vào nhắn tin bình luận hay điện thoại phản hồi.

Tương tự, chị Bùi Thị Cúc tại Long Biên- Hà Nội cũng trong tình trạng khóc dở mếu dở vì mới ra Hà Nội nhập khẩu nên không biết nhiều địa chỉ mua hàng truyền thống. Chính vì vậy, chị Cúc đã lên mạng tìm thông tin sản phẩm và phấn khởi vì mua được sản phẩm đúng ý, giá hời. Tuy nhiên, do sản phẩm có giá trị cao nên số điện thoại hotline của trang bán hàng điện tử này đã điện thoại yêu cầu chuyển khoản trước sau đó mới giao hàng bởi số lượng có hạn. Lo lắng sợ cháy hàng mất lượt chị Cúc đã nhanh chóng chuyển khoản và chờ đợi nhưng hai tuần vẫn không thấy hàng tới tay. Liên hệ lại với số điện thoại luôn trong tình trạng thuê bao không liên lạc được và trang điện tử bán hàng cũng đã khoá.

Bà Lê Ngọc Minh, đại lý phân phối của một số thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản tại Hà Nội cho biết: Hiện nay, không ít trang thương mại điện tử đăng bán sản phẩm mỹ phẩm của những thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ bất ngờ. Do đó, người tiêu dùng nên cẩn thận trong việc lựa chọn nhà cung cấp, tránh tiền mất tật mang.

Chủ một thương hiệu yến sào tại Hà Nội cũng bày tỏ việc nhiều gian hàng thương mại điện tử đăng bán các sản phẩm được giới thiệu là yến sào Khánh Hòa, Phú Yên... được niêm yết mức giá rẻ khó tin. Tuynhiên, đây rất có khả năng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, với các chiêu trò lừa đảo trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến, nạn nhân thường là người mua hàng, bị lừa mua phải hàng giả, hàng kém chất hay lượng thậm chí là không nhận được hàng khi đã chuyển tiền. Mới đây, lại xuất hiện một chiêu lừa mới nhằm chiếm đoạt tiền khuyến mãi của sàn thương mại điện tử Shopee.

Theo đó, cả trăm chiếc hộp đựng hàng là tang vật của những vụ lừa đảo. Nhiều chiếc hộp, bên ngoài ghi rõ tên hàng hóa là điện thoại đắt tiền nhưng bên trong chỉ là chai nước. Một ổ nhóm gồm 4 đối tượng lừa đảo vừa bị bắt giữ. Đối tượng khai nhận, đã cùng đồng phạm lập ra các gian hàng ảo trên ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee để chiếm đoạt tiền của sàn thương mại điện tử này thông qua mã giảm giá, khuyến mại.

Đối tượng Lưu Thành Luân - Xã Bản xèo, Bát xát, Lào Cai khai nhận đã phối hợp với các thành viên trong nhóm tạo các gian hàng ảo rao bán khoảng hơn 600 sản phẩm là máy ảnh, khẩu trang. Số tiền chiếm đoạt được khoảng hơn 500 triệu dùng để chia cho các thành viên trong nhóm chi tiêu cá nhân.

Mặc dù chỉ ít ngày sau khi bắt giữ ổ nhóm lừa đảo trên, cơ quan công an cũng bắt giữ 1 đối tượng ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Cũng với thủ đoạn áp mã giảm giá trên các gian hàng ảo, đối tượng này đã chiếm đoạt của Shopee hàng trăm triệu đồng.

Nhân viên một shop đang chốt đơn cho khách mua online trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiktok và trang Facebook. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Lê- Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ- Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: Thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Các hành vi vi phạm trên không gian mạng rất tinh vi, phức tạp và đa dạng. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hiệu lớn liên quan đến hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử...

Thống kê cho thấy, năm 2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng liên quan tới những vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Ở một góc khuất khác, mạng xã hội liên tục nổi sóng bởi những phiên livetream hàng trăm tỷ đến từ các chủ kênh TikTok như Quyền Leo Daily, Tiktoker Võ Hà Linh… Vì vậy, không ít người bày tỏ sự nghi ngờ rằng đây có phải là những con số ảo, được thổi phồng lên bởi chính chủ và truyền thông. Các nghi vấn đơn ảo, chiêu trò marketing… đặt ra ngày càng nhiều.

Liên quan đến việc quản lý chất lượng và bảo đảm quyền lợi của khách hàng cũng như giá bán qua sàn thương mại điện tử, livestream rẻ hơn đang gây bất ổn và hoang mang trên thị trường, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, một số cử tri của các tỉnh đã gửi phản ánh về tình trạng này và băn khoăn về vai trò của cơ quan chức năng trong quản lý, xử lý vi phạm về kinh doanh trên môi trường mạng.

Với vai trò cơ quan chủ quản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để quản lý được hoạt động livestream bán hàng, không chỉ là trách nhiệm của ngành công thương mà còn là trách nhiệm của rất nhiều ngành khác. Ngoài ra, cần có sự chia sẻ thông tin trong quản lý giữa các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý sai phạm, nhất là chống thất thu thuế trong môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, do hoạt động này biến hóa khôn lường, các quy định pháp luật hiện nay cần tiếp tục được rà soát để sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Bởi đây là lĩnh vực mới, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều gặp phải.

“Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, quy mô thương mại hiện tại khoảng 21 tỷ USD và sẽ còn phát triển nữa trong tương lai. Vì thế, phải tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đánh giá từ giới phân tích, trước những lỗ hổng khi giao dịch trực tuyến, bất cứ sàn thương mại điện tử nào cũng có thể trở thành nạn nhân của chiêu trò trên. Hệ lụy đi kèm sẽ là quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi bị chiếm mất cơ hội mua hàng khuyến mãi. Bởi, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian rộng lớn, xuyên biên giới nên phải xem đây là không gian như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Do đó, cần thêm chế tài đủ mạnh cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời phát hiện, loại bỏ sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người trong việc chống hàng giả trên thương mại điện tử.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Uyên Hương

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.