Lãnh đạo Tập đoàn Cao Su: Xoá sở hữu chéo tại KCN Nam Tân Uyên bằng cách mua lại cổ phiếu không khả thi do giá quá cao
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: GVR) diễn ra sáng nay, bên cạnh các báo cáo kinh doanh, ban lãnh đạo Tập đoàn đã dành thời gian giải đáp thắc mắc của cổ đông liên quan đến vấn đề khác, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tái cơ cấu sở hữu tại các đơn vị thành viên.
Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. (Nguồn: namtanuyen.com.vn)
Giải quyết sở hữu chéo
Một trong những nội dung quan trọng nhất hiện nay đó chính là việc rà soát, cơ cấu tại Tập đoàn theo chỉ thị Chính phủ. Hiện tập đoàn đang có sở hữu chéo tại 19 doanh nghiệp, trong đó có 7 công ty trong nước và 12 công ty nước ngoài.
Tại cuộc họp, phần đề xuất của Ban kiểm soát cũng nhấn mạnh rằng HĐQT tập đoàn Cao Su cần phải tập trung vào thực hiện tái cơ cấu những doanh nghiệp chưa hiệu quả; thực hiện chuyển đổi mô hình quản trị phù hợp với tình hình mới.
Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến chủ trương xử lý sở hữu chéo tại các Công ty thành viên. Ông Phạm Văn Thành, Thành viên HĐQT GVR, cho biết thực tế Tập đoàn đang vướng vi phạm khi công ty mẹ cùng góp vốn tại các công ty con.
"Thực tế, việc này thực hiện trước khi luật doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2014. Trước đây, cách làm này tỏ ra hiệu quả khi có thể phát huy được toàn bộ nguồn lực của các thành viên trong Tập đoàn để triển khai dự án", ông Thành nói.
Hiện nay, do nhà nước nắm cổ phần chi phối nên giải quyết vấn đề này phải tuân theo các quy định và thủ tục phức tạp. Hiện Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước đang làm việc với tập đoàn và đưa ra một số phương án sau.
Định hướng xử lý dứt điểm sở hữu chéo ông Thành cho biết, cách đơn giản nhất là thực hiện việc bán cổ phần của Công ty mẹ hoặc của công ty con. Dù vậy, thực tế có những khó khăn nhất định.
Thứ nhất, với các công ty hiện trong giai đoạn đầu tư cơ bản thì rất khó bán hoặc bán được sẽ không hiệu quả. Do đó, hướng xử lý là chuyển công ty con thành công ty TNHH một thành viên, sau khi các công ty này hoạt động ổn định sẽ bán cổ phần ra công chúng.
Với các công ty tại nước ngoài, việc chuyển sở hữu tại 12 công ty tại nước ngoài hiện nay sẽ gặp vấn đề về thuế chuyển nhượng. Hiện giá cao su đang thấp mức giá bán khó đạt hiệu quả. Sau khi Uỷ ban phê duyệt, GVR sẽ thực hiện việc thoái vốn.
Còn với các công ty trong nước khác, đặc biệt là trường hợp sở hữu chéo tại CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), vấn đề các nhà đầu tư quan tâm là ai sẽ thực hiện việc bán vốn, GVR hay PHR sẽ bán ra để xoá sở hữu chéo.
Theo ông Thành, phương án được phê duyệt ban đầu mà GVR đề nghị là công ty thành viên là Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) bán vốn tại Nam Tân Uyên cho công ty mẹ theo hình thức trở thành cổ đông chiến lược. Tập đoàn VRG sẽ mua lại để nâng sở hữu lên 51% vốn tại Nam Tân Uyên.
"Tuy nhiên, giá cổ phiếu NTC hiện ở mức khá cao. Nếu Cao su Phước Hòa bán với giá thấp thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. Cho nên, Tập đoàn quyết định sẽ không thực hiện việc phát hành cho cổ đông chiến lược để nâng sở hữu tại Nam Tân Uyên nữa mà một trong hai sẽ bán cổ phiếu NTC ra thị trường theo đúng quy định.
Cuối cùng là việc thực hiện, việc lựa theo phương án nào Tập đoàn sẽ trình Uỷ ban, nếu Uỷ ban quyết định lựa chọn phương án nào thì Tập đoàn sẽ thực hiện phương án đó", ông Thành cho hay.
Trên thị trường, cổ phiếu NTC của Nam Tân Uyên đang gây sốt trong giới đầu tư khi liên tục lập đỉnh mới. Giá chốt cuối ngày 12/6 ở mức 149.000 đồng/cp/, tăng hơn 10 lần kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2016.
Giá cổ phiếu NTC từ khi niêm yết tới nay tăng lên gấp 10 lần. (Nguồn: VNDirect)
Danh sách cổ đông hiện tại, công ty mẹ GVR (đang sở hữu 66% vốn tại Cao su Phước Hòa) đang sở hữu 3,27 triệu cp, tương đương 22,4% cổ phần tại NTC; Cao su Phước Hòa đang sở hữu 5,26 triệu cp NTC, tương đương 32,9%. Các cổ đông khác nắm 39,7% vốn NTC.
Việc cổ phiếu NTC tăng mạnh trong những năm gần đây nhờ vào việc các khu công nghiệp ngày càng đang đắt khách. Với lợi thế từ đất của Công ty mẹ, lợi nhuận của NTC được dự báo sẽ còn tăng trưởng lợi nhuận trong những năm tới khi dự án mới vào hoạt động.
Ngoài NTC, một tên tuổi khác có sở hữu chéo giữa Tập đoàn Cao Su và NTC là CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP) cũng đang làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán nhờ những khoản lợi nhuận kết xù từ KCN. Cổ phiếu SIP đã tăng trần lên tục kể từ ngày lên sàn ngày 6/6.
Hiện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sở hữu 13,53% vốn tại SIP, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên nắm giữ 9,02% vốn tại đây.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sáng 12/6
Có thể phát triển 5.000 - 7.000 ha KCN theo nhu cầu thị trường
Theo ông Phạm Văn Thành cho biết, dù GVR đang có rất nhiều đất nhưng định hướng phát triển của các khu công nghiệp của Tập đoàn hiện nay còn phục thuộc vào quy hoạch đất đai của từng địa phương và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiện các KCN của Tập đoàn có KCN An Điền tại Bình Dương diện tích 300 hecta có thể mở rộng, Nam Tân Uyên đoạn II 360 hecta, một KCN đang làm thủ tục là Nam Pleiku tại tỉnh Giai Lai và một số khu quy mô nhỏ khác.
"Tập đoàn sẽ cố gắng đẩy nhanh việc phát triển các KCN để tận dụng cơ hội từ đầu tư nước ngoài tăng mạnh và đây là nguồn thu lớn trong tương lai. Định hướng giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển khoảng 5.000 - 7.000 ha ở khu vực Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên" ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, vị này cũng nói rõ kế hoạch triển khai cụ thể sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả làm việc chung với địa phương. Ông Thành cũng cho biết, thực tế quy trình cấp phép triển khai khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Tuỳ theo tình hình thực tế, VRG sẽ xin phép các cấp chính quyền để thực hiện các dự án này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/