|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo tại FECON đồng loạt đăng ký thoái bớt vốn khi cổ phiếu FCN tăng cao kỷ lục

10:35 | 26/12/2021
Chia sẻ
Thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo tại CTCP FECON (Mã: FCN) đồng loạt đăng ký bán bớt hàng triệu cổ phiếu sau khi cổ phiếu FCN có nhịp tăng hơn 115% trên thị trường chứng khoán.

Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), hàng loạt lãnh đạo tại Công ty cổ phần FECON (Mã: FCN) đã thông báo bán ra cổ phiếu FCN trong thời gian gần đây.

Cụ thể, ngày 24/12, ông Trần Trọng Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT đã đăng ký bán 200.000 cổ phiếu FCN từ ngày 29/12 đến ngày 27/1/2022 nhằm đáp ứng "nhu cầu tài chính cá nhân". Nếu hoàn tất, ông Thắng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại FECON xuống 0,42% vốn, tương đương 666.461 đơn vị.

Cùng ngày, ông Phùng Tiến Trung, Thành viên HĐQT cũng đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu nhằm giảm sở hữu xuống mức 238.177 đơn vị, chiếm tỷ lệ 0,15%. Với mục đích tương tự, bà Nguyễn Thị Nghiêm, Giám đốc Tài Chính tại công ty đăng ký bán hết toàn bộ 10.151 cổ phần đang sở hữu từ ngày 29/12 đến 27/1/2022.

Làn sóng các vị lãnh đạo và người có liên quan đăng ký thoái bớt một phần vốn tại FECON đã diễn ra kể từ đầu tháng 12.

Cụ thể, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT công ty đã đăng ký bán gần 1,48 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 6,48 triệu cổ phiếu về 5 triệu đơn vị, tương đương 3,18% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 20/12 đến ngày 18/1/2022.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc FECON cũng đăng ký bán 60.200 cổ phiếu để giảm sở hữu về mức 238.493 cổ phiếu. Theo đăng ký, ông Thanh sẽ thực hiện giao dịch từ 22/12 đến 20/1/2022 nhằm giải quyết nhu cầu cá nhân.

Ngoài ra, ông Nguyễn Song Thanh, thành viên HĐQT đã hoàn tất bán ra 30.000 cổ phiếu trong ngày 22/12, qua đó chỉ còn sở hữu 1.471 cổ phiếu FCN.

Đối với giao dịch của người có liên quan, bà Hà Thị Chín, em gái ông Hà Thế Phương, Phó Chủ tịch HĐQT công ty đăng ký bán toàn bộ 1.876 cổ phiếu từ ngày 22/12 đến 20/1/2022.

Lãnh đạo tại FECON đồng loạt đăng ký thoái bớt vốn khi cổ phiếu FCN tăng cao kỷ lục - Ảnh 1.

Nhiều lãnh đạo tại FECON đăng ký bán bớt cổ phiếu thời gian gần đây. (Nguồn: NV tổng hợp).

Việc thoái vốn của loạt lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu FCN vừa trải qua chuỗi tăng nóng. Cụ thể, kể từ cuối tháng 9 đến hết phiên 24/12, cổ phiếu FCN đã tăng 115% từ 13.600 đồng/cp lên mức 29.500 đồng/cp, đánh dấu vùng giá cao nhất của mã này kể từ khi niêm yết tới nay.

Trong một diễn biến khác, mới đây, FECON đã chào bán thành công 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ, qua đó tăng vốn điều lệ từ 1.254 tỷ đồng lên 1.574 tỷ đồng. Số cổ phiếu trong đợt phát hành trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng hai năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Trong đó, Quỹ đầu tư hạ tầng Red One (nhà đầu tư trong nước) đã mua 16 triệu cổ phiếu. Số còn lại được bán cho Công ty CP Raito Kogyo (nhà đầu tư nước ngoài). Sau đợt chào bán, tỷ lệ sở hữu của hai nhà đầu tư này tại FECON lần lượt là 10,16% và 25,51% vốn điều lệ.

Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 416 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực về vốn để kịp thời thực hiện các kế hoạch đầu tư kinh doanh đã đặt ra của Công ty.

Theo kế hoạch, Công ty sẽ dùng 216 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và 200 tỷ để trả nợ các khoản vay nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Về tình hình kinh doanh lũy kế 9 tháng năm, FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.209 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 71,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 14,5% so với 9 tháng năm 2020.

Lãnh đạo tại FECON đồng loạt đăng ký thoái bớt vốn khi cổ phiếu FCN tăng cao kỷ lục - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu FCN trên thị trường. (Ảnh: TradingView).

Thảo Bùi

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến bằng 75% hàng không là đắt hay rẻ?
Không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ vẫn làm việc bình thường trên tàu điện nhờ có kết nối internet là lợi ích vượt trội đường sắt cao tốc. Vì vậy, giá vé đường sắt cao tốc dù cao vẫn có thể cạnh tranh được với hàng không.