|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hành trình trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu của nhân dân tệ

11:24 | 30/09/2016
Chia sẻ
Ngày 1/10, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ chính thức trở thành một trong 5 đồng tiền dự trữ toàn cầu trong giỏ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
hanh trinh tro thanh dong tien du tru toan cau cua nhan dan te Nhân dân tệ rục rịch vào giỏ tiền dự trữ của IMF

Việc nhân dân tệ được IMF liệt vào SDR, cùng với USD, euro, bảng Anh và yen, sẽ bàn đạp lớn để Trung Quốc đạt được tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, đặc biệt là khi thị phần của nhân dân tệ trong hệ thống thanh toán toàn cầu đang giảm xuống gần thấp nhất 2 năm.

Mặc dù Trung Quốc từ lâu luôn bị chỉ trích về hành vi thao túng tỷ giá của nhân dân tệ nhưng Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde từng khẳng định, Trung Quốc đang hướng tới việc mở cửa hơn và biết chơi “trò chơi kinh tế” theo đúng nguyên tắc.

Cùng nhìn lại hành trình trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu của nhân dân tệ.

1948

Ngày 1/12/1948: Đảng Cộng sản Trung Quốc phát hành đồng nhân dân tệ đầu tiên trước khi lên nắm quyền điều hành đất nước (Đại lục) vào ngày 1/10/1949. Sau đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng được thành lập.

1978

Tháng 12/1978: Trung Quốc thực hiện cải cách và ban hành chính sách mở cửa dưới thời ông Đặng Tiểu Bình.

1979

Tháng 3/1979: Ủy ban Ngoại hối Trung Quốc được thành lập để giám sát và quản lý công tác kiểm soát nhân dân tệ. Ngân hàng Trung Quốc được chỉ định làm ngân hàng ngoại hối.

1980

Ngày 1/4/1980: Chứng chỉ Ngoại hối (FEC) được ban hành với tư cách là một đồng tiền nhưng chỉ dành cho người nước ngoài. Tỷ giá hối đoái chính thức khi đó là 1 FEC đổi 1 nhân dân tệ.

1981

Tháng 1/1981: Để khuyến khích xuất khẩu, Trung Quốc thiết lập giá thanh toán cuối ngày (settlement price) đối với nhân dân tệ dùng cho mục đích ngoại thương là 2,8 nhân dân tệ đổi 1 USD. Đối với nhân dân tệ dùng cho các mục đích khác thì tỷ giá hối đoái chính thức là 1,5 nhân dân tệ đổi 1 USD.

1985

Ngày 1/1/1985: Cả hai tỷ giá hối đoái trên được thống nhất về 2,8 nhân dân tệ đổi 1 USD.

1990

Ngày 17/11/1990: Tỷ giá hối đoái chính thức được điều chỉnh lên 5,22 CNY/USD.

1990

Tháng 11/1993: Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành tài liệu nhằm định hướng mục tiêu dài hạn của cơ chế thả nội tỷ giá hối đoái và hoán đổi toàn diện với nhân dân tệ.

1994

Ngày 1/1/1994: Trung Quốc thống nhất tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường ở 8,70 CNY/USD dù là trong cơ chế thả nổi tỷ giá. Động thái này đã kéo tỷ giá chính thức của nhân dân tệ giảm 40%. FEC theo đó bị ngưng sử dụng.

Ngày 18/4/1994: Hệ thống Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc được thành lập ở Thượng Hải, cho phép thị trường giao dịch và định giá thanh toán cuối phiên cho nhân dân tệ so với USD, yen và đôla Hong Kong. Tuy nhiên chỉ những tài khoản vãng lai mới được thực hiện giao dịch này.

1995

Tháng 6/1995: Với biện pháp meo tỷ giá nhân dân tệ hiệu quả, tỷ giá USD/CNY duy trì ở khoảng 8,30 nhân dân tệ trong suốt 10 năm.

1996

Tháng 12/1996: Trung Quốc cho phép các ngân hàng nước ngoài ở Quận Pudong (Thượng Hải) thực hiện giao dịch nhân dân tệ và cho phép nhân dân tệ được hoán đổi tự do đối với các tài khoản vãng lai.

1997 - 1998

Năm 1997 – 1998: Một số quốc gia, như Mỹ và Nhật Bản, kêu gọi Trung Quốc ngừng làm suy yếu đồng nhân dân tệ trong thời điểm châu Á xảy ra khủng hoảng tài chính trước lo ngại gây phản ứng liên hoàn.

2002

Ngày 28/3/2002: Thống đốc PBOC khi đó là ông Đới Tường Long cho biết, Trung Quốc đang xem xét đề xuất của IMF nhằm định giá nhân dân tệ với giỏ tiền tệ hơn là chỉ với USD.

Ngày 7/11/2002: Ủy ban quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc ban hành luật cho phép giới đầu tư nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu hạng A niêm yết bằng nhân dân tệ thông qua chương trình Nhà đầu tư Tổ chức Nước ngoài Đạt tiêu chuẩn (QFII).

2003

Tháng 5/2003: Chính phủ Mỹ kêu gọi Trung Quốc định giá lại hoặc thả nổi nhân dân tệ sau khi một số hãng sản xuất của Mỹ phàn nàn rằng, việc Trung Quốc định giá thấp nội tệ đang tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng.

2004

Ngày 1/10/2004: Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên và Bộ trưởng Tài chính khi đó Từ Phóng Minh gặp gỡ bộ trưởng tài chính của nhóm G4 ở Washington. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc – khi đó là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, được chính thức mời tham dự Hội nghị G7.

2005

Ngày 3/2/2005: Thượng nghị sĩ Mỹ Charles Schumer và Lindsey Graham kêu gọi áp thuế 27,5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Trung Quốc không gỡ bỏ dần các biện pháp kiểm soát nhân dân tệ.

Ngày 21/7/2005: Trung Quốc chấm dứt neo tỷ giá nhân dân tệ đối với USD và cho biết sẽ để nội tệ biến động so với một rổ tiền tệ. Ngay lập tức, nhân dân tệ tăng 2,1% lên 8,11 CNY/USD.

2007

Ngày 18/5/2007: PBOC tăng biên độ giao dịch của nhân dân tệ so với USD, từ 0,3% lên 0,5%.

2010

Ngày 25/5/2010: Chủ tịch khi đó – ông Hồ Cẩm Đào – phát biểu tại Buổi đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc ở Bắc Kinh, cam kết sẽ đều đặn cải cách đồng nhân dân tệ.

Ngày 19/6/2010: PBOC cam kết tăng tính linh hoạt cho tỷ giá hối đoái nhân dân tệ nhưng không đề cập đến khung thời gian. PBOC loại bỏ việc định giá lại 1 lần với nhân dân tệ.

Ngày 17/8/2010: Trung Quốc công bố chương trình thử nghiệm, cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư vào nhân dân tệ trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng. Chương trình bắt đầu triển khai với các ngân hàng trung ương nước ngoài, ngân hàng thanh toán - bù trừ xuyên biên giới ở Hong Kong, Macau và các tổ chức tín dụng liên quan đến thanh toán thương mại.

2011

Ngày 16/12/2011: Trung Quốc chạy chương trình QFII thử nghiệm, cho phép một số quỹ quản lý tài sản và công ty chứng khoán nước ngoài đổ tiền vào nhân dân tệ trên thị trường đại lục.

2012

Ngày 14/4/2012: Trung Quốc nới biên độ giao dịch của nhân dân tệ lên 1% từ 0,5%.

2013

Ngày 12/7/2013: Trung Quốc nâng hạn ngạch của chương trình QFII lên 150 tỷ USD từ 80 tỷ USD và mở rộng quy mô chương trình cho một số thành phố, như Singapore và London.

2014

Ngày 17/3/2014: Trung Quốc nới biên độ giao dịch của nhân dân tệ lên 2% từ 1%.

Ngày 19/6/2014: Trung Quốc cho phép giao dịch trực tiếp giữa nhân dân tệ và bảng Anh.

Ngày 30/9/2014: Trung Quốc cho phép giao dịch trực tiếp giữa nhân dân tệ và euro trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng của nước này.

Ngày 17/11/2014: Trung Quốc thành lập sàn giao dịch chứng khoán liên kết giữa Hong Kong và Thượng Hải với tổng giá trị giao dịch xuyên biên giới là 3,5 tỷ USD/ngày. Hong Kong cũng gỡ bỏ quy định hạn chế hoán đổi nhân dân tệ với người dân.

2015

Ngày 4/8/2015: IMF cho biết Trung Quốc cần cố gắng nhiều hơn nữa nếu muốn nhân dân tệ được liệt vào SDR. IMF cho biết việc thay đổi trong rổ tiền tệ sẽ được hoãn lại đến cuối tháng 9/2016.

Ngày 11/8/2015: PBOC hạ giá nhân dân tệ bằng cách hạ kỷ lục 1,9% trong tỷ giá cố định hàng ngày của nội tệ, kích hoạt làn sóng bán tháo mạnh nhất kể từ năm 1994. Sau đó, Trung Quốc ban hành phương pháp mới nhằm quyết định tỷ giá tham chiếu hàng ngày cho nhân dân tệ. Theo đó, các chuyên gia tạo lập thị trường phải xem xét tỷ giá chốt phiên trước, tình hình cung – cầu ngoại tệ và những biến động lớn trong các cặp tỷ giá chủ chốt.

Ngày 10/9/2015: PBOC tuyên bố sẽ cho phép các ngân hàng trung ương và quỹ quản lý tài sản công của nước ngoài tham gia vào thị trường tiền tệ đại lục.

Ngày 25/9/2015: Sau cuộc gặp gỡ của hai nguyên thủ Barack Obama và Tập Cận Bình, hai bên đưa ra một tuyên bố chung cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ việc đưa nhân dân tệ vào giỏ SDR nếu đồng tiền này đạt được những yêu cầu mà IMF đưa ra.

Ngày 30/11/2015: Hội đồng quản trị IMF tuyên bố, nhân dân tệ đáp ứng được tiêu chuẩn có thể sử dụng tự do và sẽ được liệt vào rỏ SDR vào ngày 1/10/2016.

Ngày 11/12/2015: Trung Quốc thành lập chỉ số theo dõi tỷ giá hối đoái giữa nhân dân tệ với nội tệ của 13 quốc gia vốn là đối tác thương mại của nước này.

2016

Ngày 4/1/2016: Trung Quốc quyết định tăng giờ giao dịch đối với nhân dân tệ, nhằm tạo ra căn cứ để tính toán giá trị hàng ngày của SDR. Theo đó, giờ giao dịch chính sẽ kết thúc vào lúc 23h30 thay vì 16h30.

Ngày 8/1/2016: Trung Quốc kết thúc chuỗi 8 ngày liên tiếp hạ tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ - động thái gây sốc trên các thị trường tài chính và làm tăng nguy cơ chiến tranh tiền tệ trên toàn cầu. Việc PBOC bơm ngoại tệ vào thị trường để cứu nhân dân tệ hồi tháng 12/2015 đã khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 108 tỷ USD.

Ngày 26/5/2016: Trung Quốc bán trái phiếu chính phủ ở London và đây cũng là lần đầu tiên nước này phát hành trái phiếu chính phủ ở nước ngoài, không tính Hong Kong. Hồi tháng 10/2015, PBOC cũng từng phát hành trái phiếu kỳ han 1 năm ở London.

Ngày 21/7/2016: Tính đến tháng 6/2016, thị phần của nhân dân tệ trong hệ thống thanh toán toàn cầu giảm xuống còn 1,72% - mức thấp nhất kể từ năm 2014, theo số liệu của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Con số này tăng nhẹ lên 1,86% trong tháng 8/2016.

Ngày 1/10/2016: Nhân dân tệ sẽ chính thức được liệt vào rổ SDR với thị phần 10,92% - thấp hơn nhiều so với USD (41,73%) nhưng cao hơn yen (8,33%).

Thiên An