|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

KOCHAM: DN Hàn Quốc sẽ liên kết mạnh mẽ với DN Việt Nam xây chuỗi cung ứng mới

12:38 | 09/05/2020
Chia sẻ
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định các DN Hàn Quốc sẽ cùng DN Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh COVID-19, đồng thời cam kết đồng hành, cùng Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai.

Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, sẽ nổi lên ở vị trí cao hơn trong danh sách lựa chọn của nhà đầu tư

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Hong Sun, việc chuyển đổi mô hình sau khi trải qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19 luôn phải đối mặt với những thách thức mới.

Lãnh đạo KOCHAM: Các DN Hàn Quốc sẽ liên kết mạnh mẽ với DN Việt Nam để xây dựng chuỗi cung ứng mới phục hồi kinh tế trong bối cảnh COVID-19 - Ảnh 1.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao việc luôn cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt là những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Điều này đã củng cố niềm tin cho cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc một cách hiệu quả trở lại sản xuất kinh doanh sau dịch, đại diện KOCHAM đề nghị Chính phủ nối lại đường bay với những nước đã cơ bản đã khống chế được đại dịch như Hàn Quốc để các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động... có thể sang Việt Nam làm việc và trở lại trạng thái bình thường mới.

Phó Chủ tịch KOCHAM khẳng định, phía Hàn Quốc sẽ phối hợp để thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo qui định.

Khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, lãnh đạo KOCHAM cam kết, với môi trường kinh doanh ổn định, và giải pháp chống dịch hiệu quả của Việt Nam, KOCHAM sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh COVID-19, đồng thời cam kết đồng hành, cùng Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai.

Cùng quan điểm với Phó Chủ tịch KOCHAM, hãng tin Reuters cũng vừa mới có bài viết với nội dung Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn, hấp dẫn sau đại dịch. Theo đó, Reuters cho rằng, với số ca mắc COVID-19 ít, tỉ lệ hồi phục cao và hiện không có ca tử vong, Việt Nam sẽ có diều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sớm hơn so với các quốc gia khác.

Reuters cũng dẫn lời ông Michael Sieburg, Công ty tư vấn YCP Solidiance cho biết, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ nổi lên ở vị trí cao hơn trong danh sách lựa chọn của nhà đầu tư.

Ngay trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp có trụ sở, chi nhánh tại Trung Quốc cũng đã hướng tới Việt Nam như một lựa chọn đa dạng hóa chuỗi cung ứng trước các tác động của chiến tranh thương mại.

Kiến nghị phát động phong trào "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" những tháng cao điểm

Để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Chính phủ cần giao Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Công thương, VCCI… triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mục đích là chủ động tham gia kiến tạo, vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam chứ không thụ động chờ họ tìm đến.

Để doanh nghiệp Việt đủ sức trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, cần sớm xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện các yêu cầu quốc tế hóa và số hóa; thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. Nhà nước kiến tạo cần có các đối tác đồng hành là cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo và có trách nhiệm.

Theo ông Lộc, hiện khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt là thị trường tiêu thụ, vì thế ông Lộc đề nghị cần phát động những tháng cao điểm (ít nhất từ nay đến cuối năm) phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, ông Lộc cũng kiến nghị thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ là trưởng ban chỉ đạo, để triển khai có hiệu quả và cộng hưởng được nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp trên mặt trận phục hồi kinh tế sau dịch.

Khánh Hà