|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Làn sóng rao bán khách sạn đang lan rộng

07:27 | 02/09/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 tái bùng phát đã khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn càng gặp nhiều khó khăn hơn. Làn sóng giảm giá, đóng cửa, rao bán bán khách sạn,... cũng vì thế mà ngày càng lan rộng.

Tiền cho thuê không đủ trả lãi, lượng rao bán khách sạn tăng nhanh

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng 8, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 16,3 nghìn lượt người, tăng 16,9% so với tháng 7. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kì năm trước.

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước đạt 322.500 tỉ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kì năm trước.

Nhiều trung tâm du lịch cũng ghi nhận số doanh thu giảm mạnh như Khánh Hòa giảm 59%; Quảng Nam giảm 53%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 42%; TP HCM giảm gần 42%; Đà Nẵng giảm gần 32%; Hà Nội giảm gần 18%;...

Ngoài ra, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng cũng giảm mạnh hơn 54% so với cùng kì năm. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng giảm mạnh so với cùng kì năm trước như Khánh Hòa giảm 76%; TP HCM giảm 72%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 67%; Quảng Nam giảm 66%; Kiên Giang giảm gần 65%; Đà Nẵng giảm gần 64%; Hà Nội giảm 42%;...

Làn sóng rao bán khách sạn lan rộng: Đã đến lúc không thể cầm cự thêm - Ảnh 1.

Khung cảnh vắng vẻ của hai khách sạn tọa lạc tại mặt tiền phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Hà Lê)

Vắng bóng khách quốc tế, khách du lịch nội địa cũng "đóng băng" do dịch COVID-19 khiến tình hình kinh doanh của lĩnh vực lưu trú bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều khách sạn phải giảm giá phòng, thậm chí là đóng cửa vì không có khách.

Khảo sát trên trang Agoda, loạt khách sạn 3- 5 sao tại vị trí trung tâm Hà Nội và TP HCM đang báo giá phòng giảm mạnh 60 - 80%.

Đơn cử, giá cho 1 phòng 2 người tại khách sạn 4 sao Silk Path (Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang được giảm giá tới 83% còn khoảng 1,3 triệu đồng/đêm, trong khi bình thường có giá gần 8 triệu đồng/đêm.

Hay như giá cho 1 phòng 2 người tại khách sạn 5 sao Hanoi Daewoo Hotel (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cũng chỉ còn 1,3 triệu đồng/đêm, giảm 83% so với mức giá bình thường (gần 8 triệu đồng/đêm).

Làn sóng rao bán khách sạn lan rộng: Đã đến lúc không thể cầm cự thêm - Ảnh 2.

Khách sạn hạng sang cũng giảm giá kịch sàn. (Ảnh chụp màn hình)

Tọa lạc tại trung tâm TP HCM (đường Nguyễn Huệ, Quận 1), khách sạn 6 sao The Reverie Saigon cũng đang có chính sách giảm giá mạnh để hút khách. Giá cho 1 phòng 2 người chỉ còn 5,5 triệu đồng/đêm, giảm 52% so với mức giá bình thường (11,5 triệu/đêm),...

Chính sách giảm giá kịch sàn cũng không kéo lại được khách để bù đắp doanh thu, nhiều chủ khách sạn không cầm cự được và phải rao bán.

Gõ từ khóa "bán khách sạn TP HCM", Google trả về 51 triệu kết quả tìm kiếm. Hầu hết thông tin đều thuộc nhóm khách sạn 1-3 sao, khách sạn 5 sao cũng có nhưng không nhiều.

Còn với từ khóa "bán khách sạn Hà Nội", Google trả về hơn 55 triệu kết quả tìm kiếm. Riêng với từ khóa "bán khách sạn tại phố cổ Hà Nội", Google trả về hơn 23 triệu kết quả tìm kiếm.

Làn sóng rao bán khách sạn lan rộng: Đã đến lúc không thể cầm cự thêm - Ảnh 3.

Khách sạn từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng đang được rao bán tràn lan. (Ảnh chụp màn hình)

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Đà Nẵng và Khánh Hòa. Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến lượng khách du lịch đến hai địa phương này sụt giảm mạnh. Nhiều chủ khách sạn và cơ sở lưu gặp nhiều khó khăn khi công suất buồng phòng dưới 5% buộc phải đóng cửa hàng loạt.

Cụ thể, tại Đà Nẵng, tình trạng rao bán khách sạn xuất hiện chủ yếu tại "phố khách sạn" ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Còn tại Khánh Hòa, theo tìm hiểu, nhiều khách sạn 3-4 sao thuộc khu phố Tây Nha Trang đang được rao bán với giá từ 80 đến hơn 200 tỉ đồng.

Một môi giới bất động sản tại Nha Trang cho biết, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, lượng khách gửi bán khách sạn nhiều hơn so với đợt dịch đầu tiên.

"Khoảng hơn ba năm trở lại, Nha Trang chỉ có tìm đất xây khách sạn nhưng giờ người ta đã rao bán vì không trụ nổi khi khách đến Nha Trang quá vắng. Dịch COVID-19 khiến chủ đầu tư của nhiều khách sạn mới xây không đủ kinh phí trả tiền ngân hàng nên phải bán", môi giới này cho biết.

Cũng theo các môi giới bất động sản, ngoài những chủ đầu tư vay mượn ngân hàng mua lại hoặc xây mới đã rao bán để cắt lỗ thì cũng có một số chủ khách sạn cũ muốn bán khách sạn của mình để đầu tư vào lĩnh vực mới.

Thị trường vẫn khó khăn trong ngắn hạn

Báo cáo mới đây của CBRE cho biết, dịch COVID-19 tái bùng phát đã khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn càng gặp nhiều khó khăn hơn. 

Sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới. Trong khi đó, du khách nội địa được kì vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi của thị trường và bù đắp phần nào sự sụt giảm lượng khách quốc tế trong năm 2020.

Làn sóng rao bán khách sạn lan rộng: Đã đến lúc không thể cầm cự thêm - Ảnh 4.

Một khách sạn tại một trong những khu phố đắt đỏ bậc nhất Thủ đô đang đóng cửa để sửa chữa. (Ảnh: Hà Lê)

CBRE nhận định, tình hình hoạt động của các khách sạn trong quí III sẽ tiếp tục khó khăn và không có nhiều biến chuyển so với quí II trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải cách li xã hội để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam dự báo, thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020 - 2021 sẽ luôn trong tư thế phòng thủ.

Hoạt động kinh doanh của thị trường có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Hiện nhiều tập đoàn/quĩ đầu tư đang săn đón những tài sản đang bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tuy nhiên, theo quan sát chung, thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế này ở phân khúc 4-5 sao, mà chủ yếu tập trung ở những phân khúc thấp hơn.

Song song với đó, nhiều cơ hội cũng mở ra khi những chủ sở hữu các chuỗi khách sạn cũng đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.

Đơn cử, hai chuỗi khách sạn quốc tế là InterContinential (Anh) và Accor (Pháp) cũng đang có kế hoạch sáp nhập trong bối cảnh ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19. Nếu hai bên "về một nhà", doanh nghiệp sau sáp nhập sẽ vượt qua đối thủ Marriott của Mỹ với tổng cộng 1,6 triệu phòng trên toàn cầu.

Đánh giá trong dài hạn, CBRE vẫn cho rằng, triển vọng phát triển của ngành khách sạn ở Việt Nam rất khả quan nhờ vào cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi và định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước.

Hơn nữa, Việt Nam được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó thành công và hiệu quả nhất trong đại dịch. Điều này đã giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, giúp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.