|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Làn sóng phá sản thứ hai của các nhà khai thác dầu khí ngoài khơi

05:35 | 11/07/2020
Chia sẻ
Các công ty vận hành giàn khoan dầu khí ngoài khơi và các nhà sản xuất dầu phải đối mặt với làn sóng phá sản thứ hai trong 4 năm trong bối cảnh giá dầu xuống thấp.
Làn sóng phá sản thứ hai của các nhà khai thác dầu khí ngoài khơi - Ảnh 1.

Làn sóng phá sản thứ hai của các nhà khai thác dầu khí ngoài khơi

Sự sụp đổ của ngành công nghiệp khai thác năng lượng ngoài khơi sẽ để lại tác động rất lớn. Trong những năm qua, các công ty khai thác và nhà cung cấp đã thúc đẩy đổi mới, giúp cho việc khai thác đá phiến và gió ngoài khơi hiệu quả và năm ngoái đã tạo ra khoảng 25% sản lượng dầu toàn cầu, theo Reuters.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dịch vụ ngoài khơi ghi nhận kết quả kinh doanh tồi tệ nhất của ngành dầu mỏ khi cổ phiếu của 10 công ty lớn nhất giảm 77% kể từ đầu năm.

4 trong số 7 công ty khoan và cung cấp dịch vụ dầu khí ngoài khơi lớn nhất hiện nay là Diamond Offshore Drilling Inc, Noble Corp, Seadrill Ltd và Valaris Plc đều đã buộc phải tìm kiếm giải pháp về thanh khoản với các chủ nợ hoặc bắt đầu các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ do đứng trước bờ vực phá sản.

Ngoài ra, hai công ty khác cũng đang tìm kiếm các khoản vay. Pacific Drilling tháng trước cho biết công ty này có thể phải sửa đổi các điều khoản về các khoản nợ và đang tìm kiếm nguồn vốn thay thế trong trường hợp các chủ nợ không chấp nhận các điều khoản mới. 

Shelf Drilling, công ty lớn thứ 9 về doanh thu, cũng đang muốn đàm phán với các chủ nợ về các giao ước cho vay có hiệu lực vào năm tới.

Sự hỗn loạn của ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi "sẽ thay đổi mọi thứ theo nhiều cách”, ông Simen Lieungh, Giám đốc điều hành Odfjell Drilling có trụ sở tại Na Uy, nhận định.

Làn sóng phá sản thứ hai của các nhà khai thác dầu khí ngoài khơi - Ảnh 2.

Nguồn: Rystad Energy

Triển vọng mờ nhạt

Lĩnh vực này đã đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh hoạt động thăm dò bị thu hẹp do chi phí cao và sự xuất hiện của dầu đá phiến của Mỹ. 

Sau đó, một loạt mỏ ngoài khơi có trữ lượng khổng lồ được phát hiện tại khu vực Nam Mỹ và châu Phi đã khơi dậy mối quan tâm của các “ông lớn” dầu mỏ đối với các dự án ở những vùng nước sâu. Điều này đã góp phần dẫn đến sự bùng nổ của các hợp đồng khai thác dầu khí ngoài khơi hai năm trước.

Vào đầu năm, các nhà đầu tư đã kì vọng vào sự phục hồi của thị trường với giá Brent ở mức 60 USD/thùng. 

Tuy nhiên, hi vọng đã mờ dần khi đại dịch COVID-19 làm “tiêu tan” nhu cầu tiêu thụ năng lượng và đẩy giá dầu giảm xuống dưới 20 USD/thùng vào tháng 4. 

Trong tháng 6, số lượng giàn khoan đang vận hành đạt mức thấp nhất kể từ năm 1986 khi các công ty dầu mỏ hủy bỏ hoặc trì hoãn hợp đồng.

Hai năm trước khi các nhà thầu khai thác dầu khí ngoài khơi rơi vào khủng hoảng, họ đã được các công ty sản xuất dầu “chìa tay” giúp đỡ. 

Từ năm 2014 đến 2016, khi giá dầu thô giảm xuống còn 26 USD/thùng từ mức hơn 100 USD/thùng, các tập đoàn dầu mỏ lớn đã phân chia công việc cho nhà thầu để duy trì hoạt động thăm dò và khai thác các vùng biển của Brazil, Mozambique và ở Địa Trung Hải. 

Điều này cho phép các công ty khoan dầu mà có hợp đồng bị hủy có thể tiếp tục vận hành, mặc dù với giá thuê thấp hơn. 

So với thời điểm đó, ngành công nghiệp khoan dầu ngoài khơi đã có năng lực tài chính mạnh hơn. 

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành của Maersk Drilling, ông Jorn Madsen, do các “ông lớn” trong ngành dầu mỏ năm nay dự kiến sẽ giảm đầu tư 30 - 50% để bảo toàn dòng tiền và chi trả cổ tức nên các nhà thầu khai thác không thể dựa vào những công ty này.

Những người chiến thắng sau giai đoạn khó khăn này sẽ là những doanh nghiệp được tái cấp vốn và có thể trụ vững trong hai năm tới.

David Carter Shinn, Trưởng phòng phân tích của công ty môi giới giàn khoan Bassoe Offeland, cho rằng các công ty dịch vụ dầu khí ngoài khơi có thể phải loại bỏ tới 200 trong số khoảng 800 giàn khoan đang hoạt động hiện tại thì mới có thể tăng giá cho thuê lên mức có lãi.

Triển vọng cho sự phục hồi trong vài năm tới rất mờ nhạt. Nhiều nhà sản xuất đang bắt đầu rút khỏi các dự án mà giá dầu phải ở mức 60 USD/thùng mới có lãi. Các "gã khổng lồ” như Chevron, Exxon Mobil, Petronas và Royal Dutch Shell đã dừng nhiều hợp đồng khoan dầu vào đầu năm nay để tiết kiệm tiền. 

Việc dừng đột ngột hoạt động thăm dò các giếng dầu mới ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu bởi họ đã chi hàng tỉ USD cho các đội tàu.

Tìm kiếm lối đi

Giới phân tích cho biết, Seadrill, từng vào tình trạng phá sản vào năm 2017 sau đợt giảm giá dầu trước đây, đã áp dụng mô hình chia sẻ chi phí để có thể vượt qua khủng hoảng.

Công ty này đã thành lập liên doanh với các khách hàng bao gồm Công ty dầu khí Qatar và Tập đoàn Sonangol. Mô hình này tập trung vào các mỏ dầu có tuổi thọ cao để giảm rủi ro hợp đồng cho các nhà khai thác ngoài khơi.

Ian Cracknell, đại diện của Seadrill cho biết công ty đã cung cấp đội tàu và tăng khả năng tiếp cận các thị trường, dự kiến sẽ cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong những năm tới.

Đây có thể là một trong số ít các giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Để tồn tại, các nhà khai thác phải tự lực tìm cho mình lối đi phù hợp. 


Linh Giang