|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lấn sân sang lĩnh vực xe điện, Foxconn chọn một quốc gia ở Đông Nam Á để xây dựng nhà máy sản xuất chip

07:48 | 08/06/2022
Chia sẻ
Theo hồ sơ gửi tới các cơ quan chức năng, ước tính nhà máy mới của Foxconn có khả năng sản xuất tới 40.000 đĩa bán dẫn/tháng.

Hãng sản xuất khổng lồ của Đài Loan (Trung Quốc) Foxconn, đơn vị lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Malaysia, một trung tâm bán dẫn ít được biết đến, để sản xuất chip cho lĩnh vực xe điện đang ngày càng mở rộng, theo Forbes.

Đối tác Malaysia của Foxconn, Dagang NeXchange, cho biết trong một hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Bursa Malaysia rằng họ đã ký một biên bản ghi nhớ với Big Innovation Holdings, một công ty con của nhà lắp ráp iPhone, để thành lập một liên doanh ở quốc gia Đông Nam Á này. Theo báo chí đưa tin, Foxconn và Dagang NeXchange đang xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn cho xe điện.

Liên doanh mới sẽ xây dựng một nhà máy chế tạo chuyên về các công nghệ hoàn thiện của các node (nút giúp lưu trữ, truyền tải và bảo quản dữ liệu) 28 nanomet và 40 nanomet, có khả năng sản xuất tới 40.000 đĩa bán dẫn mỗi tháng.

Concept về mẫu xe điện đầu tiên của Foxconn. (Ảnh: InsideEVs).

“Tôi tin rằng Foxconn đã tiến hành phân tích lợi ích chi phí của mình trước khi đưa ra quyết định lựa chọn Malaysia”, Darson Chiu, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) ở Đài Bắc cho biết. Ông nói thêm rằng hàng hóa sản xuất tại Malaysia có thể bán ở Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á mà không bị ràng buộc về chính trị.

“Việc sản xuất ở Đông Nam Á không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp công ty tránh được ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Darson Chiu nói thêm.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Malaysia có năng lực công nghệ thông tin tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á, và điều quan trọng là vì sau đó Foxconn có thể tuyển dụng và đào tạo các kỹ thuật viên trong nước để bắt đầu tham gia quá trình sản xuất.

Quốc gia Đông Nam Á này đại diện cho một trung tâm công nghệ mới nổi được bảo vệ khỏi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Cuộc xung đột kéo dài 4 năm này đã gây ra áp lực với hàng loạt sản phẩm của nhiều quốc gia.

Rajiv Biswas, CEO và chuyên gia kinh tế về khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Market Intelligence cho biết khoảng 37% hàng hóa xuất khẩu của Malaysia bao gồm các sản phẩm điện và điện tử. Ông nói thêm rằng Malaysia chiếm khoảng 13% tổng công suất lắp ráp, kiểm tra và đóng gói chất bán dẫn toàn cầu.

“Quyết định của Foxconn về việc xây dựng một cơ sở bán dẫn lớn ở Malaysia phản ánh ưu tiên cao của các công ty điện tử trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ đối với các linh kiện điện tử quan trọng”, theo ông Rajiv Biswas.

Foxconn, do tỷ phú Terry Gou điều hành, đã thể hiện ý định trong những năm gần đây thông qua một loạt liên doanh để mở rộng sang lĩnh vực xe điện, một ngành dự kiến ​​đạt giá trị 957 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 24,5% so với năm nay.

 

Nhà lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple đã đạt được các thỏa thuận với startup xe điện có trụ sở tại Mỹ là Fisker và nhà sản xuất ô tô Geely của Trung Quốc. Một liên doanh với Stellantis đã cho phép Foxconn phát triển phần mềm buồng lái ô tô và một phần mềm khác, với Gigasolar Materials, cung cấp cho hãng chuyên môn về pin xe điện.

Quốc Anh