|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lần đầu tiên trong lịch sử Shark Tank Việt Nam xuất hiện người sáng lập muốn ‘bán đứt’ startup

07:29 | 29/08/2022
Chia sẻ
Muốn 'bán đứt' startup nhưng lại không có kế hoạch rõ ràng để đạt doanh thu như chia sẻ, người sáng lập +84 không thể thuyết phục các Shark thành công.

Tập 13 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ” có sự xuất hiện của anh Nguyễn Trung Hiếu cùng thương hiệu nhà hàng +84 đến từ Hàn Quốc. Được biết, anh Hiếu là một người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. 

 Anh Nguyễn Trung Hiếu là người đồng sáng lập startup +84. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam). 

Anh Hiếu cho biết +84 đã hoạt động từ tháng 2/2016 với mục tiêu mang ẩm thực chuẩn vị Việt Nam đến với thị trường Hàn Quốc. Anh Hiếu khẳng định việc +84 tồn tại được đến hôm nay, đặc biệt là tồn tại trong suốt thời gian 2 năm trở lại đây, trong khi nhiều nhà hàng trong khu vực đóng cửa đã khẳng định được sức mạnh và khả năng cạnh tranh của thương hiệu này. +84 đã từng được xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình nổi tiếng ở Hàn Quốc và Việt Nam.

+84 hiện tại đang có 2 chi nhánh ở Hàn Quốc. Một trong số đó nằm ở  khu phố cổ Insadong với 30 chỗ ngồi. Vào tháng 3 năm nay, do ảnh hưởng của giãn cách xã hội, chi nhánh này có doanh thu 240 triệu đồng. Trong khi đó doanh thu của tháng 4 và tháng 5 lần lượt đạt 420 triệu đồng và 580 triệu đồng.

Chi nhánh thứ 2 của +84 toạ lạc ở khu phố Itaewon. Doanh thu của chi nhánh này trong tháng 3, 4 và 5 năm nay lần lượt đạt 240 triệu, 410 triệu và 480 triệu. Mục tiêu khả thi của cả 2 cửa hàng này là đạt doanh thu từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi tháng.

Anh Hiếu cho biết thực đơn của +84 rất đa dạng và bao gồm các món ăn ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam. Các món ăn đều được công thức hoá để có thể mang đến hương vị chuẩn vị nhất đồng thời tối ưu được tốc độ xử lý. Anh Hiếu cũng khẳng định +84 có công thức marketing giúp nó làm chủ được nguồn khách hàng. Điều thú vị là anh Hiếu đến với Shark Tank Việt Nam để bán thương hiệu +84 với giá 15 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc anh kêu gọi 15 tỷ đồng đổi lấy 100% cổ phần.

Tới đây, Shark Hưng đặt ra câu hỏi sau khi “bán đứt” thương hiệu liệu anh Hiếu còn có thể đồng hành cùng các Shark để đạt được mục tiêu lợi nhuận như đã trình bày hay không. Anh Hiếu cho biết sẵn sàng đồng hành cùng các Shark trong thời gian đầu với vai trò cố vấn. Anh cũng có một số mối quan hệ ở Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác cùng các Shark. Sau khi nghe xong câu trả lời, Shark Hưng cho biết ông chưa có nhu cầu thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, do đó ông quyết định không đầu tư.

Shark Liên hỏi +84 về điều gì quan trọng nhất khi mở quán và nhận được câu trả lời là sản phẩm và dịch vụ. Dù vậy, bà cho rằng yếu tố quan trọng nhất nên là đầu bếp. Shark Liên cũng “không hiểu câu chuyện” của +84 khi muốn sang nhượng 100% cổ phần của startup. Vì thế, bà cũng quyết định không đầu tư.

Shark Hùng Anh cũng quyết định tương tự do ông cho rằng Shark Tank nên là một chương trình để nhà đầu tư đầu hành và đi cùng các startup thay vì là một cách để “mua đứt” một công ty nào đó. Đến đây, Shark Hưng cho biết việc bán đứt một công ty trên Shark Tank là có thể và không bị cấm. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ +84 không có một phương án cụ thể dành cho các Shark nếu như mua lại công ty.

Shark Erik Josson cho biết ông đang sống ở Việt Nam, do đó ông muốn đầu tư vào Việt Nam thay vì Hàn Quốc. Do đó, ông không đầu tư. Shark Bình cũng không đầu tư và ông khuyên +84 nên gọi vốn ở Shark Tank Hàn Quốc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Nam Khánh