Làm sao để không cãi nhau vì tiền khi vừa kết hôn?
Nhiều cặp đôi vẫn lựa chọn kết hôn giữa mùa dịch COVID-19, nhưng các tác động tiêu cực đến kinh tế do dịch bệnh gây ra cũng dẫn đến một vấn đề muôn thuở: tiền bạc. Vậy, các cặp vợ chồng mới cưới phải làm sao để không cãi nhau vì tiền?
Rõ ràng, hầu như tất cả các cặp vợ chồng đều sẽ có bất đồng và tranh cãi. Tuy nhiên, một chủ đề đặc biệt gây tổn hại đến mối quan hệ này là tiền bạc. Cãi nhau vì tiền là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới li hôn.
Khi kết hôn giữa mùa dịch COVID-19, có rất nhiều khó khăn xảy ra.Thời điểm bất lợi, hạn chế tụ tập đông người – nghĩa là đám cưới không thực sự có thể đông vui như trước. Thực phẩm cũng rất đắt đỏ, dẫn tới chi phí tổ chức tốn kém, và nghiêm trọng nhất là áp lực công việc.
Hiện nay, hàng chục ngàn người bước vào giai đoạn thất nghiệp hoặc bị gián đoạn công việc (phải làm ở nhà, giảm thu nhập, v.v.). Do đó, các cặp vợ chồng mới cưới phải tiết kiệm nhiều hơn để có thể vượt qua mùa dịch COVID-19.
Dù cố gắng thế nào, áp lực về tiền cũng sẽ khiến bạn mệt mỏi, đặc biệt là khi mới kết hôn. Lúc này, cả hai bạn đều chưa quen với những thói quen chi tiêu, tiết kiệm của người bạn đời. Tệ hơn, khi liên tục gặp rắc rối và tranh cãi về tiền bạc, hai người sẽ dần dần mất đi sự hài lòng về nhau.
Cãi nhau về tiền cũng có thể gây ra căng thẳng và giảm cảm giác hạnh phúc, tác động xấu tới sức khoẻ thể chất và tinh thần. Dưới đây là một số điều mà các cặp vợ chồng mới cưới trong mùa dịch COVID-19 có thể làm để tránh cãi nhau vì tiền:
1. Giao tiếp trung thực
Trước khi tổ chức đám cưới, các cặp vợ chồng nên trung thực và thẳng thắn với nhau về thu nhập, tài sản và nợ nần. Quyết định này giúp hai bạn tạo dựng sự tin tưởng với nhau. Chắc chắn không ai muốn làm đám cưới giữa mùa dịch COVID-19 để rồi nhận ra rằng người bạn đời của mình nợ tới 100 triệu từ thời đi học.
2. Thiết lập mục tiêu tài chính
Thảo luận về những mục tiêu tài chính với ý kiến của cả hai vợ chồng. Chẳng hạn như tiết kiệm 1 tỉ để mua nhà, để dành 20 triệu đi du lịch, v.v. Việc bàn và thiết lập các mục tiêu tài chính sẽ giúp 2 vợ chồng bạn có động lực để thành công có được cuộc sống mơ ước.
3. Quyết định cách quản lí tài chính chung
Có 3 phương pháp chính mà các cặp vợ chồng thường dùng để quản lí tiền bạc chung, đó là:
Kết hợp cả 2 nguồn thu nhập; Chi tiêu riêng biệt – tự chia trách nhiệm cho nhau (chồng trả tiền nhà, vợ chi cho thực phẩm / hoá đơn, v.v.), và 2 người sẽ hoàn toàn độc lập về thu nhập cũng như các khoản nợ nần;
Kết hợp cả 2 biện pháp trên – mở chung tài khoản để cùng thanh toán các khoản cố định, tiết kiệm mua nhà hoặc mục tiêu tài chính chung khác nhưng vẫn giữ một số tiền riêng trong tài khoản của bản thân.
4. Kiên nhẫn với người bạn đời của mình
Bởi vì 2 bạn là cặp đôi mới cưới nên rất có thể chưa hiểu và chấp nhận được thói quen tiêu tiền của người còn lại. Do đó, hãy kiên nhẫn nếu chồng hoặc vợ bạn là người đòi cắt giảm chi tiêu, hoặc trót tiêu nhiều hơn.
Bạn có thể thử theo dõi chi tiêu chung của 2 vợ chồng trong một tháng. Nếu bạn chi nhiều đến mức không đạt được mục tiêu tài chính chung, hãy bắt đầu bỏ qua một số chi phí không cần thiết. Nếu một trong hai bạn để xảy ra tình trạng bội chi, hãy xem xét kĩ tại sao điều đó xảy ra và cố gắng thay đổi. Vẫn biết thời điểm dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, nhưng cũng đừng vì thế mà dẫn đến cãi vã vì tiền bạc.