Lạm phát giảm: tạm thời hay xu hướng?
Lạm phát giảm chỉ là tạm thời hay đang trở thành xu hướng? Ảnh: TL |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa là chỉ báo đầu vào cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vừa là thước đo cho chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Bởi lẽ, mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% của Chính phủ trong năm 2017 sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Do đó, diễn biến của CPI trong thời gian tới sẽ có vai trò quyết định đến sự thành công trong điều hành kinh tế của Chính phủ.
Lạm phát giảm sau 20 tháng tăng liên tiếp trước đó
CPI trong tháng 5-2017 giảm 0,53% so với tháng trước. Đây là lần giảm giá sau khi tăng và không đổi liên tiếp trong 20 tháng trước đó, kể từ tháng 9-2015. Kết quả này đã khiến cho CPI tháng 5-2017 so với tháng 5-2016 hiện chỉ còn tăng 3,19% và chỉ số CPI bình quân năm tháng đầu năm hiện ở mức 4,47%. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong thời gian tới thì mục tiêu kiểm soát CPI bình quân ở mức dưới 4% của Chính phủ trong năm 2017 là hoàn toàn khả thi.
Mặc dù áp lực tăng của CPI vẫn đang lớn hơn áp lực giảm nhưng theo quan điểm của người viết thì mức độ đã giảm đi rất nhiều sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc chưa tăng giá điện trong năm 2017.
Câu hỏi đặt ra vào thời điểm hiện tại: lạm phát giảm chỉ là tạm thời hay đang trở thành xu hướng?
Để trả lời cho câu hỏi trên, trước tiên cần phải làm rõ yếu tố nào đã khiến cho lạm phát duy trì xu hướng giảm từ đầu năm 2017 đến nay.
Lạm phát giảm do cả yếu tố bên trong và bên ngoài
Xu hướng giảm của lạm phát từ đầu năm đến nay là khá bất ngờ, trái ngược với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế trước đó. Bởi lẽ, sau khi đạt mức tăng thấp kỷ lục 0,63% vào năm 2015, CPI đã liên tục duy trì xu hướng tăng trong cả năm 2016 và kết thúc năm ở mức 4,74%. Bước sang năm 2017, chỉ số CPI được dự báo là sẽ phải đối mặt nhiều yếu tố bất lợi như diễn biến tăng của giá dầu mỏ hay xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới, cùng với kế hoạch điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt...
Xu hướng giảm vừa qua của CPI có sự hỗ trợ của cả yếu tố bên trong và bên ngoài
Xu hướng giảm vừa qua của CPI |
Yếu tố bên trong là giá thực phẩm giảm mạnh trong tháng 4 và 5, chủ yếu là giá thịt heo, do dư thừa về nguồn cung khi Trung Quốc đã cấm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch.
Yếu tố bên ngoài là sự tăng, giảm thất thường của giá dầu mỏ thế giới. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, giá dầu mỏ bình quân chỉ ở mức 53,7 đô la Mỹ/thùng, thấp hơn khá nhiều so với con số 58 hay 60 đô la Mỹ/thùng theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính quốc tế trước đó như IMF, WB...
Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm thế giới sau khi tăng mạnh trong năm 2016 đã quay trở lại xu hướng giảm như diễn biến của năm 2015. Chỉ số FAO Food Price Index (chỉ số giá lương thực, thực phẩm thế giới) sau khi tăng tới 11% trong năm 2016 đã giảm 1,3% trong bốn tháng đầu năm 2017. Giá lương thực, thực phẩm thế giới giảm do thời tiết trên toàn cầu hiện tại khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, còn giá dầu tăng thấp do kinh tế toàn cầu tăng trưởng không như kỳ vọng cũng như việc OPEC vẫn chưa đạt được thỏa thuận dài hạn về việc giảm sản lượng khai thác giữa các nước thành viên với Nga.
Áp lực tăng giá vẫn đang lớn hơn áp lực giảm
Trong khi diễn biến giá của hàng hóa trên thế giới là rất khó lường thì các yếu tố trong nước đang không hỗ trợ cho CPI trong những tháng còn lại của năm 2017, mặc dù, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét chưa tăng giá điện trong năm 2017. Để chỉ số CPI bình quân từ mức 4,47% hiện nay xuống còn 4% vào cuối năm, đòi hỏi CPI phải tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp trong thời gian tới. Vào thời điểm hiện tại, vẫn còn có nhiều yếu tố đang gây bất lợi cho CPI.
Thứ nhất, giá thực phẩm, cụ thể là giá thịt heo đã và đang ở vùng giá thấp nhất. Với mức giá heo hơi dao động quanh mức 30.000-35.000 đồng/ki lô gam thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ và sẽ không còn câu chuyện tái đàn. Do vậy, xu hướng tăng giá trở lại sẽ là tất yếu, vấn đề sẽ chỉ là tăng bao nhiêu mà thôi.
Thứ hai, đó là việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với những người không tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, đợt điều chỉnh đầu tiên đã diễn ra từ ngày 1-6-2017 áp dụng cho các dịch vụ tại các bệnh viện công hạng đặc biệt và dự kiến sẽ tiếp tục có khoảng 3-4 đợt điều chỉnh tại các bệnh viện công khác trong thời gian tới. Thứ ba, một yếu tố không chắc chắn nhưng tiềm ẩn những tác động mạnh và trực tiếp lên CPI, đó là việc Chính phủ có thể sẽ chấp nhận nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ vừa phải để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017.
Theo đó, tiền sẽ được bơm ra nền kinh tế nhiều hơn để các doanh nghiệp có cơ hội gia tăng khối lượng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Hai kênh bơm tiền được NHNN áp dụng khá thường xuyên trong những năm qua là thị trường mở (OMO) và mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Từ đầu năm đến nay, hai kênh bơm tiền trên ít được sử dụng.
Tuy nhiên, theo xác nhận của nhiều lãnh đạo tại các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đã chuyển một khối lượng vốn rất lớn đang gửi không kỳ hạn tại NHNN sang gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại trong tháng 4 và 5. Cung tiền trong nền kinh tế tăng lên đã khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ngay lập tức giảm mạnh từ mức 4,7-4,9%/năm đối với kỳ hạn một tuần xuống còn 2,3%/năm tính đến ngày 2-6-2017. Để kiểm soát lạm phát, thông thường NHNN sẽ hút tiền trở lại thông qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi của NHNN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại NHNN vẫn chưa có động thái trên.
Mặc dù áp lực tăng của CPI vẫn đang lớn hơn áp lực giảm nhưng theo quan điểm của người viết thì mức độ đã giảm đi rất nhiều sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc chưa tăng giá điện trong năm 2017. Điện là mặt hàng có vai trò hết sức quan trọng. Nó là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, ảnh hưởng đến chi phí của mọi người dân và doanh nghiệp, sẽ gây áp lực tăng 2 lần giá của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ.
Trumpflation hay Xiflation: Tại sao lạm phát vẫn thấp?
Ngân hàng và các nhà đầu tư đang chịu thách thức lớn từ câu hỏi "trị giá 100.000 tỷ USD" đó là: Tại sao lạm ... |
Lạm phát thấp, có tăng giá điện?
Đến giờ phút này Bộ Công Thương vẫn chưa xem xét tăng giá điện hay không. |
NHNN có thể nới thêm 1-2% tăng trưởng tín dụng
Lạm phát thấp tạo điều kiện để NHNN tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong đó không loại trừ việc NHNN nới lỏng chỉ ... |