Làm ngân hàng phải biết 'sợ'
Ảnh minh họa. (Nguồn: synergygbl.com). |
Làm việc trong ngân hàng là mơ ước của nhiều bạn trẻ khi mới ra trường. Tuy nhiên, có thực sự bước vào nghề mới cảm nhận được nhiều áp lực của công việc trong lĩnh vực này.
Hoạt động ngân hàng là một tổ hợp hoạt động liên quan đến nhiều bộ phận. Do công việc liên quan đến tiền nên đòi hỏi một độ chính xác cao và chặt chẽ từ những công việc đơn giản như gửi tiền, rút tiền đến điều quỹ, cho vay khách hàng.
Chỉ cần một con số bị nhập sai sẽ làm ảnh hưởng đến cả hệ thống. Nhiều giao dịch viên do nhập sai số tiền gửi của khách hàng đã phải tự bỏ tiền túi để đền cho khách hàng. Nhân viên tín dụng phải liên tục chịu áp lực doanh số, quản lý khách hàng, xử lý nợ xấu…Cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại khiến cho không ít nhân viên liên tục gặp căng thẳng trong công việc.
Tuy nhiên, ngoài những áp lực xuất phát từ chính công việc hàng ngày thì những áp lực từ cấp trên, đặc biệt là những chỉ thị ngoài luồng cũng khiến không ít người phải “nhắm mắt làm liều” như: giải ngân thiếu chứng từ, lập hồ sơ vay khống, chuyển tiền không cần chữ ký của khách hàng,...
Điển hình trong các vụ trọng án ngân hàng gần đây, chính áp lực từ chỉ thị của cấp trên đã khiến cho hàng chục nhân viên ngân hàng phải vướng vào vòng lao lý vì huy động vượt trần, chi lãi ngoài cho các khoản tiền gửi hay nhận ủy thác của tổ chức gửi tiền bên ngoài, làm khống hồ sơ sổ sách, thẩm định sai giá trị tài sản hay đơn giản là việc tổng hợp nhận định số liệu thị trường.
Tham khảo lời khuyên từ những chuyên gia về cách ứng xử trước những chỉ thị không mong muốn từ cấp trên của những người làm ngân hàng. Ghi nhận những ý kiến khác nhau từ một số các chuyên gia.
TS Vũ Đình Ánh |
Theo quan điểm của Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh:
"Việc nghe theo chỉ đạo của cấp trên là thực tế phải chấp nhận vì nếu không thực hiện theo thì đồng nghĩa với việc mất việc, cách chức".
Đồng thời ông đưa ra giải pháp thành lập một cộng đồng, hiệp hội những người làm trong lĩnh vực ngân hàng có tiếng nói và có ảnh hưởng trên phương diện pháp luật nhằm xây dựng một cơ chế bảo vệ những người trong nghề.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tích SSI |
Ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn) chia sẻ trên trang cá nhân:
“Đừng ham tiền mà nghe Sếp làm trái pháp luật, Sếp lo cho Sếp còn chưa được, lo sao được cho mình”.
Theo quan điểm của ông, nếu thấy sếp chỉ thị sai hãy đừng làm, đừng vì những cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến nhiều vấn đề quan trọng hơn đằng sau nó, thậm chí hãy rời khỏi công việc nếu bị áp lực như vậy từ cấp trên.
Luật sư Trần Minh Hải |
Đứng từ phía những người làm luật, Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO - tác giả cuốn sách “Hiểu nghề giữ nghiệp” (nói về những bài học pháp lý nghiệp vụ cho nghề ngân hàng) cho rằng:
Hiện tại pháp luật Việt Nam không có quy định nào đề cập đến vấn đề giảm nhẹ trách nhiệm cho các nhân viên làm sai theo chỉ thị của cấp trên. Đã có nhiều vụ án ở Việt Nam xử lý về những vụ việc tương tự và tùy từng mức độ vi phạm và trường hợp cụ thể mà Hội đồng xét xử sẽ có những phán quyết khác nhau.
Luật sư cho rằng không riêng gì trong ngành ngân hàng mà bất kỳ trong lĩnh vực nào trước khi cân nhắc làm một việc gì, bản thân người đó phải nhận thức rõ được vấn đề đó đúng hay sai và đúng sai ở mức độ như thế nào, khả năng chịu trách nhiệm của mình tới đâu.
Bên cạnh đó, nhân viên ngân hàng không thể chờ một cơ quan, hiệp hội nào có thể đứng ra bảo vệ bạn mà chính họ phải tự bảo vệ mình. "Bạn phải biết sợ, phải ý thức được trách nhiệm của mình trong mỗi quyết định, từ đó để có thể đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất", Luật sư Hải chia sẻ.
Như vậy, rủi ro nghề nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng là điều khó tránh khỏi. Để thực sự hạn chế được những rủi ro này, nhân viên ngân hàng cần biết cách tự lựa sức mình ứng biến với hoàn cảnh, không nên mong đợi sự bảo hộ của bất kỳ ai.