Làm gì để nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam?
Tăng sức mạnh đồng Việt Nam, hạn chế “đô la hoá”
Nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam là mục tiêu đã được khẳng định trong Pháp lệnh Ngoại hối ban hành năm 2005 và hướng tới mục tiêu cao hơn là đồng tiền tự do chuyển đổi hoàn toàn.
Tháng 11/2005, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) chính thức công nhận Việt Nam đã thực hiện tự do hóa giao dịch vãng lai, có nghĩa là đồng Việt Nam đã được chuyển đổi tự do trong các giao dịch vãng lai, còn các giao dịch vốn chưa được tự do hoàn toàn.
Ngày 4/7/2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 98/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục hiện tượng “đô la hoá” trong nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là một chủ trương lớn của Chính phủ trong việc xử lý hai vấn đề quan trọng liên quan đến tăng trưởng kinh tế bền vững - nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền và khắc phục hiện tượng “đô la hoá”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam, trong đó có đề cập đến việc nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam.
Theo Đề án, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, các yếu tố hỗ trợ về thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối được củng cố, xem xét xây dựng các chính sách nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cụ thể, cho phép sử dụng đồng Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài với những quốc gia tiếp nhận vốn là những nước có thỏa thuận đầu tư và thanh toán bằng đồng nội tệ với Việt Nam.
Đồng thời, cho phép đồng Việt Nam tham gia vào các giao dịch cho vay ra nước ngoài trong trường hợp Bên đi vay có nhu cầu sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam để thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc thanh toán bù trừ cho bên thứ 3 bằng đồng Việt Nam.
Nhiều việc phải làm
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, việc nâng cao tính chuyển đổi của tiền đồng vẫn gặp một số khó khăn do nền kinh tế còn một số bất cập, sức cạnh tranh chưa cao, thị trường tài chính tiềm ẩn một số nhân tố bất ổn đặc biệt sau khủng hoảng tài chính toàn cầu…
Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao tính chuyển đổi của tiền đồng Việt Nam, Chính phủ cần tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và từng bước nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục cấu trúc lại nền kinh tế theo mô hình phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng; Tập trung vốn đầu tư vào những ngành nghề trọng điểm; Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư… Đáng mừng đây cũng là một trọng 10 nội dung trọng tâm trong dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang xây dựng để trình Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố sức mạnh tiền đồng, tăng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào tiền đồng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý ngoại hối và đổi mới điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá cho phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế và thị trường tài chính. Xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ nguồn vốn ra vào Việt Nam, đảm bảo khả năng cung ngoại tệ trong trường hợp có sự dịch chuyển vốn, từ đó đáp ứng được điều kiện đủ để nâng cao tính chuyển đổi của VND…
Đồng tiền có tính chuyển đổi cao cũng sẽ làm giảm hiện tượng “đô la hoá”, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá. Đặc biệt, đồng tiền có tính chuyển đổi cao sẽ liên kết kinh tế trong nước với quốc tế, thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển, thu hút mạnh nguồn vốn nước ngoài, tạo vị thế cho quốc gia trên thị trường quốc tế. |