|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm gì để 'chắp cánh' cho kinh tế tư nhân: Bài 1: Sự lựa chọn đột phá

20:37 | 02/08/2017
Chia sẻ
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân và những gì tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm.
lam gi de chap canh cho kinh te tu nhan bai 1 su lua chon dot pha
Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa: Quốc Việt - TTXVN

“Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng” – quan điểm chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đang trở thành mệnh lệnh hành động của toàn Đảng, toàn dân trong hành trình Đổi mới.

Mang số hiệu: 10 –NQ/TW, bản Nghị quyết gợi nhớ về một văn kiện 25 năm trước, từng được xem là đã làm “thay hình, đổi dạng” để nền nông nghiệp nước “vượt bão” đi lên, đó chính là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI (hay được gọi với cái tên thân thuộc là Khoán 10), ban hành ngày 5/4/1988.

Nhận thức luôn là một quá trình gian khổ trên hành trình tìm chân lý. Để có được Khoán 10 năm xưa và Nghị quyết 10 ngày nay, sau hơn 30 năm đổi mới, tư duy về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng.

Nếu như Khoán 10 là một bước đột phá trong mô hình quản lý kinh tế nhà nước khi lần đầu tiên người nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài thì Nghị quyết 10, khóa XII đã chính thức đem đến sự công bằng cho kinh tế tư nhân và đặt hình thức sở hữu này lên bệ phóng của sự phát triển.

Kết quả kỳ diệu của Khoán 10 và những chuyển động mạnh mẽ trong toàn hệ thống mang “hơi thở”Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân đã khẳng định sự đột phá trong tư duy kinh tế của Đảng, Nhà nước ta; thể hiện sự vượt lên chính mình, từ bỏ những mô tuýp quản lý lỗi thời để đón nhận cái mới, cái phát triển.

Cờ đã phất, trống đã nổi, gió lớn ùa về, nhưng việc “chắp cánh” cho kinh tế tư nhân sẽ không thể thành hiện thực nếu không dựa trên nền tảng một Chính phủ kiến tạo, hành động; một sự “cởi trói” về thể chế; một lối ra bền vững cho doanh nghiệp và đặc biệt là một tinh thần đổi mới, sáng tạo của chính bản thân khối kinh tế tư nhân với kỳ vọng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Bài 1: Sự lựa chọn đột phá

Như một bước tạo đà cho Nghị quyết 10, những đổi mới và hành động quyết liệt của Đảng, của Người đứng đầu Chính phủ và tập thể Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước đang đi đúng mục tiêu tạo xung lực mạnh mẽ để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá.

Dễ nhận thấy rằng, sự ra đời của Nghị quyết 10 cùng quyết tâm chính trị của Đảng, của Chính phủ như một lời khẳng định cho sự lựa chọn mang tính đột phá của nhiệm kỳ, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới, đầy hứa hẹn của kinh tế tư nhân với kỳ vọng đóng góp từ 50 đến 60% GDP của nền kinh tế.

Kiến tạo, hành động để phát triển

Xây dựng các điều kiện để cho kinh tế tư nhân phát triển một cách lành mạnh, là một trong những biểu hiện cơ bản nhất trong hoạt động kiến tạo của nhà nước. Xuyên suốt hơn một năm của nhiệm kỳ, Người đứng đầu Chính phủ luôn thể hiện quyết tâm đổi mới, trả lại vị thế công bằng cho kinh tế tư nhân thông qua nỗ lực lay chuyển cả hệ thống với kim chỉ nam xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo cho mọi hoạt động quản lý, điều hành.

Gỡ nút thắt, xóa rào cản, mở đường cho kinh tế tư nhân là ý tưởng xuất hiện ngay từ phát biểu nhậm chức trước toàn thể quốc dân, đồng bào của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế”.

Luôn khẳng định, “Đảng và Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang thể hiện những nỗ lực cao nhất để biến chủ trương của Đảng thành hành động cách mạng.

lam gi de chap canh cho kinh te tu nhan bai 1 su lua chon dot pha
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2- năm 2017. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh, phải xây dựng được một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch, loại trừ lợi ích nhóm cục bộ, loại trừ tình trạng lạm dụng độc quyền nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, loại trừ bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp... “Nếu còn chưa làm tốt những công việc như vậy, thì chưa thể thực sự phát triển được khu vực kinh tế tư nhân”.

Chuyển lời nói thành hành động

Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM TS. Vũ Thành Tự Anh từng phát biểu: “Nếu Chính phủ muốn tạo ra được sự đột phá thực sự thì nhiệm vụ đầu tiên là phải lấy lại được niềm tin của người dân, của doanh nghiệp. Lấy lại bằng cách nào? Không có cách nào khác ngoài việc lời nói và hành động phải đi đôi với nhau. Một Chính phủ kiến tạo thì phải đồng hành với doanh nghiệp. Một Chính phủ hành động là đã nói thì phải làm. Một Chính phủ chịu trách nhiệm là phải có ai đó sẽ ra đi nếu những việc đã giao cho họ không làm được”.

Thực tế chứng minh, hơn một năm đầu tiên của nhiệm kỳ đánh dấu một giai đoạn đặc biệt với điểm tích cực là ít có thời điểm nào, Chính phủ và các bộ, ngành dành nhiều thời gian ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa qua.

Hai hội nghị “Diên Hồng” giữa Thủ tướng và doanh nghiệp đã được tổ chức mà hội nghị lần thứ nhất được tiến hành ngay những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ mới với đường hướng kiến tạo, hành động đã thúc đẩy, lan tỏa hàng loạt những “làn sóng” đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp được tổ chức dồn dập tại các địa phương sau đó. Cộng đồng doanh nghiệp rất ấn tượng với những hành động cụ thể của Người đứng đầu Chính phủ mà việc giải quyết rốt ráo vụ quán Cà phê Xin Chào là một ví dụ khởi đầu.

Hơn 1 năm đầu tiên trong nhiệm kỳ, với tinh thần “chuyển lời nói thành hành động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đã truyền đi những thông điệp rất rõ ràng khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khu vực này phát triển.

Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã thể hiện nhất quán quan điểm về Nhà nước kiến tạo phát triển, Chính phủ liêm chính, đồng hành với doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp và sự phát triển lành mạnh của khối doanh nghiệp dân doanh.

Tại cuộc gặp mặt lần đầu tiên, Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo lập một trang web làm cầu nối tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh để các bộ, ngành, địa phương trả lời.

Sau hội nghị này, lần đầu tiên, một nghị quyết riêng cho doanh nghiệp được ban hành mang tên Nghị quyết 35/CP, nhấn mạnh doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ. Tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và đầu tư kinh doanh.

Chính phủ cũng phát đi thông điệp hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời tuyên chiến không khoan nhượng với giấy phép con, lợi ích nhóm... Cùng với đó là tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 19/CP về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Những phát súng đã bắn trúng đích, tròn một năm sau khi Chính phủ dốc lực cho kiến tạo và phục vụ, 65% doanh nghiệp tư nhân đã có lãi, cao nhất trong 5 năm.

Nhìn nhận về việc này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ: Việc Thủ tướng Phúc chọn đối thoại về những vấn đề của doanh nghiệp như một trong những việc làm đầu tiên trên cương vị mới của mình, cho thấy ông hiểu nền kinh tế đang bị nghẽn mạch tăng trưởng, hiểu vai trò của doanh nghiệp và mong muốn Chính phủ mình khơi thông được chỗ nghẽn đó bằng cách khơi dòng cho doanh nghiệp phát triển.

Quyết liệt hơn, trước những phàn nàn về tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo thời gian vừa qua, ngay tại buổi đối thoại thứ 2, trước 2000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.500 đại biểu của khối doanh nghiệp dân doanh, Thủ tướng đã ký ban hành tại chỗ Chỉ thị 20 yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng – một văn kiện được ban hành trong những tràng pháo tay vang dội của cộng đồng doanh nghiệp và chưa từng có tiền lệ.

“Tinh thần lớn mà tôi muốn nhấn mạnh để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ là xây dựng được một môi trường kinh doanh tốt, có tính cạnh tranh cao. Một môi trường không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn, bảo vệ được tài sản của doanh nghiệp, của nhà đầu tư; không chỉ có chi phí thấp mà còn rủi ro thấp…”, Thủ tướng nhắn nhủ như vậy tới cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ

Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp luôn được Người đứng đầu Chính phủ “truyền lửa” đến các bộ, ngành, địa phương và cũng là thông điệp gửi đến các nhà đầu tư trong nước và thế giới.

“Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp - coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016-2020”, Thủ tướng khẳng định như vậy với các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư khi tham dự Diễn đàn Phát triển Việt Nam.

lam gi de chap canh cho kinh te tu nhan bai 1 su lua chon dot pha
Quang cảnh Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2- năm 2017 với chủ đề “Chương trình hành động từ Nghị quyết Trung ương 5”. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hơn 1 năm qua, dưới sự điều hành của Thủ tướng, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp…

Có lẽ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là vị Thủ tướng Việt Nam có “mật độ’ đến các tỉnh làm việc dày đặc nhất trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ với hơn 40 tỉnh, thành phố trên khắp các vùng, miền, khu vực kinh tế trọng điểm hoặc khó khăn nhất của cả nước.

Ông cũng là vị lãnh đạo có nhiều ‘chỉ đạo’ nhất có địa chỉ cụ thể, thường xuyên chỉ đạo Tổ công tác của Chính phủ làm việc với các bộ, ngành về thực thi các nhiệm vụ được giao, mong muốn rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến việc làm…

“Không phải chỉ có Chính phủ chuyển động, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ chuyển động mà cả hệ thống phải chuyển động, phải làm gương để bộ máy từ trung ương đến các bộ, ngành, tỉnh, thành, quận huyện, xã phường phải chuyển động phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp”, đó là căn dặn của Người đứng đầu Chính phủ trong mỗi hội nghị, chuyến công tác tới các bộ, ngành, địa phương.

Đánh giá về nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, nhiều vị Đại biểu Quốc hội phát biểu bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí và đánh giá cao quyết tâm của Thủ tướng và tập thể Chính phủ. TS.Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Hành động quyết liệt của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp với việc triển khai Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã thúc đẩy tinh thần doanh nhân tăng cao.

Nhiều hoạt động khởi nghiệp khắp các địa phương được Chính phủ kiến tạo và hỗ trợ. Nhờ vậy số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ngày càng tăng, trên 10 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mỗi tháng.

Thông điệp về Chính phủ kiến tạo và phục vụ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và một số hành động cụ thể đã làm nức lòng doanh nghiệp và người dân.

TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Thủ tướng rất lăn lộn với thực tiễn, một ngày dự rất nhiều hoạt động, chỉ đạo nhiều nơi. Chính sự lăn lộn, sự xả thân cùng với sự chỉ đạo quyết liệt nên Thủ tướng đã nắm nhanh trách nhiệm thuộc thẩm quyền của mình. Vì nắm chắc nên Thủ tướng đã có những chỉ đạo sát với những điều hành của Chính phủ, được cử tri cả nước đánh giá cao”.

Kinh tế tư nhân là chìa khóa cho sự tăng trưởng

Chia sẻ trước 1000 doanh nghiệp hiện diện tại Diễn đàn kinh tế tư nhân mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ: Tính bình quân không có ngày nào mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không làm việc với doanh nghiệp, về chủ đề doanh nghiệp.

“Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nêu rõ và khẳng định tinh thần “những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm”.

Tránh tư tưởng ỉ lại, trông chờ, xây dựng Chính phủ kiến tạo, theo phân tích của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải “vượt lên chính mình”, khắc phục khó khăn, tìm ra lối đi để phát triển. “Kiến tạo không phải chỉ biết tìm ra khó khăn để đối phó, phó mặc cho định mệnh mà chúng ta phải có tinh thần vượt lên chính mình như chuyển động ở một số địa phương thời gian qua”.

Tích cực chỉ đạo, quyết liệt hành động, coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính bộ, ngành, địa phương mình. Kết quả kinh tế-xã hội năm đầu tiên của nhiệm kỳ cho thấy những dấu hiệu hết sức tích cực trên con đường đi đến mục tiêu “chắp cánh” cho kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Năm 2016 đánh dấu một năm kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước với hơn 110.000 doanh nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, điểm tốt tích lũy , và phát triển, 7 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 72.953 doanh nghiệp thành lập mới. Bình quân cứ 1 tiếng đồng có 12 doanh nghiệp ra đời.

Con số này không chỉ thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân đối với quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn là bằng chứng cho thấy tinh thần cải cách của Thủ tướng đã thổi một luồng sinh khí mới vào môi trường kinh doanh, khích lệ ý chí khởi nghiệp, lập nghiệp của cộng đồng.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, quyết tâm chính trị của Người đứng đầu và tập thể Chính phủ, trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh năm 2016 – 2017, Việt Nam đã tăng lên 9 bậc, từ 82 lên 91 trên 190 quốc gia. Còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào tốp 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mạnh mẽ nhất...

Quang Vũ