|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lái xe Uber vẫn 'chưa hợp pháp', sẽ bị xử lý

21:04 | 05/11/2016
Chia sẻ
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng Uber chưa đủ điều kiện hoạt động ở Việt Nam và lái xe Uber có thể bị xử phạt khi bị kiểm tra.

Tại Tọa đàm về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam mới đây, vấn đề quản lý Uber lại được nêu lên. Ông Nguyễn Xuân Thủy, phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT khẳng định Uber là một hoạt động kinh doanh vận tải.

lai xe uber van chua hop phap se bi xu ly
Uber vẫn bị xem là "chưa hợp pháp" ở Việt Nam (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Ông Thủy nói: Ta phải xác định rõ đây là 1 trong 2 hình thức kinh doanh vận tải. Một là taxi truyền thống. Hai là theo hợp đồng. Uber, hay Grab là dạng ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Hiện có 3 đơn vị đã và đang cung cấp dịch vụ kết nối với xe hợp đồng mà đại diện Vụ Vận tải cho là “đủ điều kiện”. Đó là Grab, Vinasun, Công ty CP vận tải 57. Còn với Uber, ông Nguyễn Xuân Thủy cho hay: Hoạt động hiện nay của những lái xe ứng dụng phần mềm của Uber vẫn đang được kiểm tra và nếu phát hiện sẽ bị xử lý.

“Chúng tôi mong muốn từ phía Uber có những thay đổi để phù hợp quy định của Việt Nam. Còn khi chưa đáp ứng được thì có thể nói là chưa hợp pháp về hoạt động vận tải”, ông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.

“Bản chất khi một xe hợp đồng sử dụng phần mềm do Uber cung cấp thì là kinh doanh vận tải. Trong khi Uber vẫn khẳng định họ không kinh doanh vận tải. Chúng tôi có đề xuất Uber cần nghiên cứu để đáp ứng được những điều kiện của việc kinh doanh vận tải ở Việt Nam nhưng Uber chưa làm được điều ấy”, ông Thủy cho hay.

Dù Uber đã nhiều lần gửi công văn sang Bộ GTVT để xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng tất cả đều chưa đáp ứng được, chưa phù hợp với hoạt động kinh doanh vận tải ở Việt Nam.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương băn khoăn những hoạt động kinh doanh kiểu như Uber là hình thức mới. Khi đó, cơ quan quản lý cần thay đổi cách ứng xử hay buộc hoạt động kinh doanh đó phải thay đổi cho phù hợp quy định pháp luật.

“Hoạt động của Uber là mới, chưa nằm trong tư duy của chúng ta. Ta cố ghép nó vào kinh doanh vận tải truyền thống. Ta thử tư duy ngược lại xem liệu điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay có phải là rào cản cho các sáng kiến, cho chính doanh nghiệp kinh doanh truyền thống không”, ông Hiếu nói.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng: Rõ ràng điều kiện kinh doanh vận tải truyền thống hiện nay đang là rào cản ngay cả cho taxi truyền thống như quy định số lượng xe, người lái, logo, biển hiệu, đồng hồ tính tiền, niên hạn xe taxi…

Riêng việc nộp thuế của Uber, các đại biểu dự tọa đàm đều cho rằng Uber kinh doanh ở Việt Nam thì phải đóng thuế. Nhưng trong bất kể trường hợp nào phải đánh thuế công bằng.

Nhắc đến sự xuất hiện của Uber tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc, Hội tư vấn thuế kể: "Ngay từ khi loại hình kinh tế sẻ chia kiểu Uber đi vào Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có nói với chúng tôi là: Không được bóp chết họ mà phải làm công bằng. Tức là chúng ta chưa quản lý tốt thì hãy xây dựng cơ chế quản lý tốt để tạo điều kiện mở cửa cho người dân kinh doanh và có cách thu ngân sách tốt. Đây mới là mấu chốt của vấn đề".

Lương Bằng