Lãi suất tăng bốc đầu, cổ phiếu đi về đâu?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: VN-Index cân bằng ở vùng 850-880 điểm, cơ hội đầu tư cổ phiếu midcap nửa cuối năm |
Lớn lên nhờ “dòng sữa” lãi suất
Giai đoạn từ 2012 đến đầu 2018, khi VN-Index tăng vượt bậc từ khoảng 400 điểm lên 1.200 điểm, mặt bằng lãi suất ghi nhận xu hướng giảm mạnh.
Theo Thống kê tài chính quốc tế (IFS), lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng giảm từ khoảng 14% đầu 2012 xuống còn 4,75% vào tháng 3/2018. Tương tự, lãi suất cho vay kỳ hạn 12 tháng cũng giảm từ khoảng 15,4% xuống còn 7,2%.
Lãi suất tiền gửi và cho vay tại Việt Nam giai đoạn 2012-3/2018. Nguồn: Thống kê tài chính quốc tế (IFS – IMF) |
Mặt bằng lãi suất giảm và duy trì mức thấp trong thời gian dài đã thu hút dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Đồng thời lãi suất thấp khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, ít nhất cũng tạo hiệu ứng tâm lý tích cực cho giá cổ phiếu.
Khi “dòng sữa” khô dần...
Nhận thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, lạm phát có dấu hiệu gia tăng, ngày 22/3, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2018, từ 1,5% lên 1,75%.
Ngay hôm sau 23/3, lợi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm tại Việt Nam đảo chiều đi lên từ mức đáy lịch sử 2,97%. Sau đó khoảng 2 tuần vào ngày 9/4, VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.204 điểm và rồi bắt đầu lao dốc.
Từ đó đến nay, lợi suất TPCP Việt Nam liên tục tăng còn VN-Index thì như nhà đầu tư đều biết – là chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong quý vừa qua.
Đáng chú ý, giữa VN-Index và lợi suất giao dịch TPCP giai đoạn từ tháng 4/2012 đến 7/2018 có hệ số tương quan âm với giá trị tuyệt đối khá lớn (-87,4%).
Nói cách khác, VN-Index và lợi suất TPCP thường biến động ngược pha nhau, khi lợi suất tăng thì VN-Index giảm và ngược lại. Điều này thể hiện khá rõ ở đồ thị dưới đây.
Nguồn: Bloomberg. |
Các loại lãi suất cho vay hay tiền gửi thường được thống kê và công bố hàng tháng, do vậy có độ trễ so với VN-Index. Trái lại, lợi suất giao dịch TPCP được thống kê hàng ngày từ các Nhà tạo lập thị trường trái phiếu, có cùng tần suất với VN-Index. |
Lợi suất giao dịch TPCP không có tác động trực tiếp tới thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, việc lãi suất này tăng lên là chỉ báo cho thấy sự tăng lên của hàng loạt loại lãi suất quan trọng khác trong nền kinh tế, qua đó tác động tới doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
… và cạn kiệt
Trong lần tăng lãi suất lần thứ hai từ 1,75% lên 2% vào ngày 14/6, Fed ám chỉ sẽ còn hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, nâng tổng số lần tăng lãi suất năm 2018 lên 4. Hôm 13/7 vừa qua, Fed tái khẳng định sẽ theo đuổi kế hoạch nâng lãi suất từ từ.
Những diễn biến gần đây của lạm phát cũng khiến nhà đầu tư lo ngại. Ở Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 2,9% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong hơn 6 năm qua. Việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như các nước đồng minh Canada, Mexico, EU được dự báo sẽ khiến giá cả tại Mỹ tiếp tục leo thang, thúc đẩy tiến trình nâng lãi suất của Fed.
Tương tự tại Việt Nam, CPI tháng 5 cũng tăng cao đột biến, cao nhất trong 6 năm qua.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, lãi suất tăng sẽ làm làm chi phí vốn vay của doanh nghiệp tăng lên, dẫn tới giảm lợi nhuận, hạn chế khả năng vay mượn, không mở rộng sản xuất. Doanh nghiệp có thể phải co cụm quy mô và vì thế mà giá cổ phiếu bị ảnh hưởng.
Trước động thái tăng lãi suất của Fed, đồng tiền của nhiều quốc gia bị mất giá mạnh khiến ngân hàng trung ương tại các nước này phải tăng lãi suất lên rất cao. Ông Khánh đưa ra ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ, để ngăn đà mất giá của đồng nội tệ Lira đã phải tăng lãi suất từ 8% lên 16,5%, Argentina thậm chí còn phải tăng lên đến 40%.
Tại Việt Nam, một số loại lãi suất đã bắt đầu tăng, tuy chưa quá nhiều. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tình hình kinh tế vĩ mô, đồng tiền chưa bị mất giá quá mạnh. Tuy vậy, ông Khánh lưu ý hiện tượng này có một phần nguyên nhân là chính sách kinh tế từ Mỹ tác động tới Việt Nam thường có độ trễ khoảng trên 6 tháng.
Trong trung hạn, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế tăng chung của lãi suất toàn cầu cũng như lạm phát trong nước. Do đó những tháng cuối năm này, thị trường chứng khoán sẽ “khó có diễn biến tích cực”.
Ông Khánh cũng lưu ý nhà đầu tư không nên quá lạc quan vì những nhận định kiểu “thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh, P/E hiện đang rất thấp, rất rẻ”, bởi nhiều thị trường trên thế giới đều giảm mạnh trong mấy tháng qua. Việt Nam rẻ đi thì nước ngoài cũng rẻ đi và các nhà đầu tư quốc tế cũng biết điều này.