Lãi suất cho vay VND khó giảm?
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tính đến ngày 20/6/2018, tăng trưởng tín dụng ước đạt 6,35% so với cuối năm 2017, thấp hơn hẳn mức tăng 9,01% của cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng riêng trong quý II đã có xu hướng chậm lại so với quý I với mức tăng chỉ 2,85%. Diễn biến này cho thấy chủ trương điều hành tín dụng chặt chẽ của NHNN (đặc biệt với các lĩnh vực như bất động sản, giao thông). Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay là 17%, giảm so với mức 18,2% của năm 2017.
Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 4,01% trong quý I và tính đến ngày 20/6/2018 thì mức tăng này là 7,96%, cao hơn nhưng không quá vượt trội so với mức tăng 6,89% của cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), M2 tăng trưởng cao hơn cùng kỳ xuất phát chủ yếu từ động thái bơm tiền đồng để mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối trong 6 tháng đầu năm (hiện đạt mức 63,5 tỷ USD). Điều này đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái dồi dào trong hai quý vừa qua.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã có thời điểm xuống mức rất thấp (dưới 1%/năm). BVSC cho rằng, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các cú sốc, đặc biệt trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định đang ngày một gia tăng trên thế giới.
Ngoài ra, trước xu hướng tăng nhanh trở lại của lạm phát những tháng gần đây cũng như rủi ro tiếp tục tăng trong hai quý cuối năm là khá lớn. Nhiều khả năng chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng thận trọng hơn. Tăng trưởng M2 có thể sẽ chậm lại trong khi tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn trong 6 tháng tới nhưng về cơ bản, mức tăng trưởng của cả M2 và tín dụng cho cả năm 2018 sẽ thấp hơn 1-2% so với năm 2017. Theo đó, lãi suất VND (huy động và cho vay) sẽ khó có điều kiện giảm, nhất là khi kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá vẫn đang là trọng tâm điều hành của Chính phủ trong giai đoạn hiện tại.