Lãi suất hấp dẫn, các ông lớn tranh thủ phát hành trái phiếu
Cuối tháng 7, lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm về mức 0,95%/năm, 1 tuần và 1 tháng giảm về 1,16% và 2,1%. Lãi suất từ các ngân hàng lớn cho các khoản tiền gửi lớn vẫn ổn định ở mức 5 - 5,2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.
Mặt bằng lãi suất thấp đã khiến kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) thời điểm này nhận được nhiều quan tâm. Về phía các tổ chức tín dụng (nhóm đang chiếm khoảng 70% trong cơ cấu nhà đầu tư vào trái phiếu), với cơ chế siết chặt công tác quản trị rủi ro, việc tìm kiếm các DN tốt, uy tín, làm ăn có hiệu quả để cho vay đang khá cấp thiết. Bản thân DN cũng muốn tranh thủ cơ hội để tối ưu hóa nguồn vốn trên cơ sở sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý. Thay vì giải pháp vay tín dụng thuần túy, việc phát hành trái phiếu sẽ khiến tổ chức phát hành có thể huy động được nguồn vốn lớn chỉ sau một lần phát hành, cấu trúc linh hoạt.
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn dài hạn hữu ích cho doanh nghiệp |
Đơn cử, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ngày 4/8/2016 tiếp tục phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, sau khi đã huy động 800 tỷ đồng qua kênh này trong năm ngoái. Lãi suất trái phiếu ở mức 7%/năm cố định trong 12 tháng đầu tiên và sang kỳ tiếp theo, lãi suất được tính bằng lãi suất huy động bình quân VND cá nhân trả sau kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 1,2%/năm.
Theo đại diện SSI, đối với đợt phát hành này, ngoài mục đích cơ cấu lại nguồn vốn vay dài hạn, do nhận thấy cơ hội thị trường tốt nên Công ty đã chủ động phát hành và mức lãi suất 7%/năm, các năm sau biên độ 1,2%, là mức lãi suất thấp nhất trong các đợt phát hành của SSI từ trước đến nay.
Trước đó, ngày 28/7/2016, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cho phép Vietcombank (VCB) được phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu bằng nội tệ năm 2016. Phương án phát hành trái phiếu được thực hiện còn sớm hơn việc phát hành riêng lẻ tối đa 359,8 triệu cổ phiếu đã được VCB trình ĐHCĐ đầu năm nay.
Là DN có nhu cầu sử dụng vốn lớn để kinh doanh, Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng sử dụng trái phiếu như một kênh huy động hữu hiệu. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tại thời điểm 30/6/2016, Vingroup có hơn 20.700 vốn vay từ các đợt phát hành trái phiếu trong nước, cao hơn nhiều mức 8.500 tỷ đồng vay dài hạn ngân hàng. Trong đó, đầu năm nay, VIC đã phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước.
Bài toán phát triển thị trường
Thị trường trái phiếu DN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho các tổ chức phát hành, bên cạnh kênh phát hành cổ phiếu hoặc đi vay ngân hàng. Những năm trước, đối tượng tham gia mua trái phiếu tập trung vào các tổ chức tài chính lớn, thì với thanh khoản hiện nay, trong khi thị trường cổ phiếu chưa có quá nhiều biến chuyển tích cực, công cụ trái phiếu với khả năng đảm bảo an toàn cao hơn nhận được sự quan tâm nhiều hơn của nhà đầu tư, nhất là tổ chức bảo hiểm, tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư hoặc các nhà đầu tư cá nhân lớn.
Tuy vậy, thị trường trái phiếu DN Việt Nam được đánh giá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Theo số liệu từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), quy mô thị trường trái phiếu DN trong nước mới đạt 2,5% GDP, so với mức bình quân 21,7% của khu vực ASEAN +3.
Nguyên nhân của tình trạng này là hành lang pháp lý, hệ thống văn bản chưa đủ rộng và sâu tạo sự thuận lợi cho hoạt động niêm yết, lưu ký trái phiếu DN, dẫn đến tính minh bạch của thị trường chưa cao. Hiện tại, thị trường mới có một số ít DN niêm yết trái phiếu, thông tin về trái phiếu hiếm hoi. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp lại hạn chế, với ít giao dịch được ghi nhận. Thị trường còn thiếu vắng nhiều điều kiện căn bản như tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức định giá trái phiếu…
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu DN vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai gần, bởi nguồn vốn ổn định trong dài hạn sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng với DN để tối ưu hóa lợi nhuận và quản trị rủi ro. Để đa dạng hóa đối tượng đầu tư, tăng cầu về trái phiếu thì thị trường giao dịch cần phải được đầu tư hơn, đảm bảo tính thanh khoản thứ cấp cho nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu. Hiện tại, cơ sở hạ tầng thông tin cho thị trường sơ cấp và thứ cấp gần như chưa được đầu tư, thiếu các ưu đãi về phát triển thị trường trái phiếu DN từ cơ quan quản lý nhà nước cũng là một trở ngại.
HNX đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường trái phiếu DN, với những sửa đổi theo hướng bỏ bớt các điều kiện phát hành, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch thông tin, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ…, hy vọng thị trường trái phiếu DN Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng quy mô lên mức 7% GDP vào năm 2020.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt để thị trường tăng trưởng vẫn là bản thân DN. Nếu DN tốt, mục đích sử dụng vốn hợp lý hiệu quả thì việc phát hành trái phiếu không hề khó.