|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thực trạng cuộc gọi lừa đảo biết rõ thông tin đơn hàng: Viettel Post phát cảnh báo

06:33 | 25/02/2025
Chia sẻ
Giả mạo shipper để chiếm đoạt tiền chuyển khoản của người mua hàng online trở thành nỗi nhức nhối của nền kinh tế số.

Trong giờ làm việc, Dương Nguyễn - nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội, nhận được cuộc gọi của một shipper yêu cầu nhận gói hàng trị giá 600.000 đồng. Người giao hàng đọc đúng thông tin đặt hàng, sản phẩm và địa chỉ người nhận.

Shipper đề nghị gửi lại kiện hàng ở nhà và yêu cầu người nhận chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, nhận ra số điện thoại lạ nên Dương đã cẩn thận kiểm tra lại và phát hiện không đúng sự thật. 

Thực tế, việc người dùng nhận được các cuộc gọi lừa đảo biết rõ thông tin chi tiết đơn hàng, số tiền, địa chỉ để yêu cầu nhận hàng, chuyển khoản là không hiếm trong thời gian qua. Câu chuyện của Dương chỉ là một trong gần 300.000 trường hợp phản ánh về lừa đảo trực tuyến mà Cục An toàn thông tin nhận được trong năm 2024. 

Khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng cho thấy cứ 220 người dùng smartphone có một người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng.

Kinh tế số ngày càng phát triển thì các hình thức lừa đảo online ngày càng nở rộ. (Ảnh: Đức Huy).

Cục An toàn thông tin cho biết lừa đảo trực tuyến không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn làm suy giảm niềm tin của người dùng đối với các nền tảng số. Nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến thường cảm thấy hoang mang, lo lắng, mất niềm tin, gây ảnh hưởng tâm lý, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về thực trạng này, Viettel Post - một trong những đơn vị chiếm thị phần lớn mảng giao vận, cho biết thời gian gần đây họ ghi nhận một số phản ánh của khách hàng về việc nhận được các cuộc gọi giả mạo bưu tá Viettel Post, yêu cầu chuyển tiền thanh toán cước và bưu phẩm.

“Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, các thủ đoạn lừa đảo nhắm vào người mua và người bán hàng trực tuyến ngày càng trở nên tinh vi”, doanh nghiệp nhận định.

Thông tin cá nhân lộ lọt do đâu?

Trao đổi trên Dân trí, một chuyên gia Cục An toàn thông tin cho biết phần lớn khoảng 80% nguyên nhân xuất phát từ chính sự bất cẩn, chủ quan của người dùng. Người dùng có thể làm lộ thông tin cá nhân khi đăng ký tài khoản, dịch vụ, chia sẻ trên mạng xã hội. Dùng thông tin cá nhân để mua sắm online.

Ngoài ra, cũng có 20% nguyên nhân từ phía các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ, làm lộ thông tin cá nhân của người mua khi có lỗ hổng trên các hệ thống, ứng dụng hay lỗ hổng trong chính sách bảo mật thông tin khách hàng của đơn vị cung cấp dịch vụ. Việc lộ thông tin cũng có thể xảy ra do quá trình doanh nghiệp chuyển tiếp thông tin khách hàng cho bên thứ ba.

Về điểm này, Viettel Post khẳng định bảo mật thông tin khách hàng luôn là ưu tiên trong mọi hoạt động vận hành của họ. Trong đó, toàn bộ dữ liệu quan trọng của khách hàng như số điện thoại, địa chỉ, số tiền thu hộ (COD) đều được mã hóa.

Nhằm đảm bảo tính minh bạch trong thanh toán, Viettel Post áp dụng hình thức chuyển khoản qua QR code trực tiếp vào tài khoản doanh nghiệp, thay vì tài khoản cá nhân của nhân viên giao hàng. Theo doanh nghiệp, cách thức này giúp loại bỏ nguy cơ gian lận trong thu hộ tiền hàng.

Trong khi đó, nhấn mạnh tính chủ động của người dân, phía Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng nên cẩn trọng khi thực hiện giao dịch mua bán qua hình thức trực tuyến, cần xác minh danh tính của đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản.

Cùng quan điểm, Viettel Post khuyến nghị khách hàng chủ động nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân. Khi tham gia mua sắm trực tuyến, người dùng nên gửi tin nhắn riêng hoặc thiết lập chế độ ẩn thông tin, chỉ cho phép người bán xem để giảm nguy cơ bị kẻ gian lợi dụng. 

Đồng thời, theo dõi tình trạng đơn hàng trực tiếp qua ứng dụng Viettel Post hoặc Zalo OA Viettel Post để xác thực thông tin bưa tá phát hàng, thay vì tin vào những cuộc gọi không xác minh được nguồn gốc. 

Đối với các shop kinh doanh trực tuyến, việc sử dụng phần mềm tạo đơn hàng chính thức của Viettel Post thay vì các nền tảng trung gian là giải pháp quan trọng giúp bảo vệ dữ liệu, ngăn chặn nguy cơ bị thu thập và khai thác trái phép.

“Việc nhận diện những rủi ro tiềm ẩn và chủ động phòng tránh không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của chính người bán và người mua mà còn góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh trực tuyến an toàn”, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận cho hay.

“Viettel Post chủ động liên hệ và làm việc chặt chẽ với Bộ Công An, Bộ Thông tin & Truyền thông để điều tra, truy vết nguồn gốc các vụ việc giả mạo, xử lý và ngăn chặn hành vi gian lận. Mọi kết quả điều tra sẽ được Viettel Post công bố minh bạch, ngay cả trong trường hợp không có vi phạm từ phía doanh nghiệp”, phía công ty cho biết thêm.

Đức Huy